Multimedia Đọc Báo in

Phối hợp triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

17:47, 12/03/2014

Sáng 12-3, UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2014 và ra mắt Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2012-2020.

Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND và Phòng LĐTBXH các huyện, thị xã, thành phố. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2013 đã được triển khai toàn diện ở các cấp, ngành, địa phương và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 111/184 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Mô hình phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng đã được triển khai tại 13 xã, phường, thị trấn và 10 trường THCS trong toàn tỉnh. Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đã được triển khai sâu rộng, toàn tỉnh có 940 trường học được công nhận “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; 407 trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở cấp tiểu học. Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư và giúp đỡ trẻ em trong các gia đình nghèo, khó khăn nhằm hạn chế phát sinh tội phạm; tăng cường hoạt động truyền thông phòng chống bạo lực gia đình và tư vấn, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; khám chữa bệnh miễn phí và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Những trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc hóa học đã được hưởng trợ cấp xã hội và nuôi dưỡng tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội.

2
Các đại biểu tham dự hội nghị

Hội nghị đã thông qua Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2014, trong đó tập trung vào một số mục tiêu cụ thể: đến cuối năm 2014 có trên 70% xã, phường, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em; có 1.900 hộ gia đình đạt chuẩn “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, hỗ trợ dưới các hình thức; trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; trên 70% trẻ em khuyết tật có khả năng phục hồi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình phục hồi chức năng; 100% trẻ em bị mua bán, bắt cóc, xâm hại được phát hiện đều được chăm sóc, phục hồi; giảm ít nhất 20% số vụ trẻ em bị xâm hại.

Hội nghị cũng đã thông qua quyết định thành lập BCĐ Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2012-2020 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm làm Trưởng ban; quyết định thành lập Tổ thư ký giúp việc cho BCĐ và quyết định ban hành quy chế hoạt động của BCĐ.

1
Những trẻ em khuyết tật, nhiễm chất độc hóa học đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng, gia đình

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: hiện vẫn còn 3 huyện (M’Drak, Krông Buk và Krông Ana) chưa xây dựng và triển khai Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015; việc nắm bắt tình hình trẻ em ở một số địa phương còn sơ sài, mang tính đối phó; số vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng, có tính chất nghiêm trọng và phức tạp hơn; trẻ em bị tai nạn thương tích tăng cả về số vụ và số người tử vong; nguồn kinh phí ngân sách bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện kịp thời và điều tra, xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất cho trẻ em; kiện toàn BCĐ và đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp.

Nguyễn Xuân
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.