Giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái
Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ thường tự cho mình cái quyền được ra lệnh và bắt con cái phải tuân theo. Khi con cái dần khôn lớn, biết suy nghĩ độc lập, có những suy nghĩ riêng, có những việc không tán đồng với cha mẹ và nói lên suy nghĩ của mình thì bị quy kết là con không vâng lời. Một cô gái khoảng 16 - 17 tuổi tâm sự: “Cha mẹ cháu không hiểu gì về cháu, chỉ muốn cháu vâng lời một cách tuyệt đối như đứa trẻ lên bốn, lên năm; luôn la mắng khi cháu làm những việc mà cha mẹ cháu không bằng lòng, nhưng lại không bao giờ chỉ bảo cho biết phải nên làm như thế nào thì đúng. Cha mẹ cháu đòi hỏi cháu phải học giỏi, có điểm cao, nhất là phê phán kịch liệt cách ăn mặc thời trang của cháu. Cấm cháu có bạn trai, thậm chí không muốn lắng nghe một lời giải thích nào từ cháu. Cha mẹ cháu luôn nói cháu: “Áo mặc sao qua khỏi đầu…”. Có lẽ các bậc cha mẹ đã quên rằng, con cái ở độ tuổi sắp trưởng thành đã có cách nghĩ, cách sống riêng cho mình. Trong xã hội hiện đại, những quan điểm của cha mẹ và con cái cần được nhìn nhận một cách thông thoáng hơn. Những gì mang tính phong kiến, lạc lậu thì loại bỏ, điều chỉnh; những gì tiến bộ thì nên được tôn trọng, khuyến khích. Thật ra, những câu chuyện như trên, chúng ta thường gặp nhiều ở những em đến tuổi trưởng thành.
Đó là do sự khác biệt về quan điểm, nếp sống hoặc thiếu sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau giữa con cái và cha mẹ. Một sự khác biệt nữa là giữa những người sinh ra và lớn lên trong các giai đoạn khác nhau, trong điều kiện xã hội khác nhau sẽ có những khác biệt về tâm lý, hành động và cách đối xử. Như vậy, giữa cha mẹ và con cái luôn luôn có những khác biệt nhất định và chính những khác biệt ấy đã tạo nên khoảng cách và càng đưa mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đến việc không đồng quan điểm và tiếng nói chung. Khi con cái đến tuổi trưởng thành thì phần đông cha mẹ đã bước vào tuổi xế chiều, do đó suy nghĩ, hành động, quan niệm sống, cách diễn tả tình cảm, tâm trạng giữa cha mẹ và con cái khác nhau. Do va vấp nhiều nên cha mẹ đã tích lũy được những hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống nên có cách nhìn chín chắn, thận trọng hơn. Trong khi con cái còn trẻ, mới rời sự ấp iu của cha mẹ, chưa va vấp trường đời lại đầy nhiệt huyết, tự tin, hăng say, năng động, tò mò muốn khám phá, nên cha mẹ và con cái khó ngồi lại với nhau để có một quan điểm chung.
Đối thoại giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để chúng ta có thể hóa giải những mâu thuẫn trong gia đình. Khi các thành viên được tự do nói lên tiếng nói của mình mà không bị quy kết thế này hay thế khác thì chắc chắn con cái và chính cha mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Không để con cái tự do thái quá nhưng cũng đừng kìm kẹp quá nhiều và cha mẹ cần có tấm lòng độ lượng khoan dung đối với con cái thì những mâu thuẫn sẽ dễ dàng được giải quyết êm thấm, thỏa đáng.
Hoàng Bích Hà
Ý kiến bạn đọc