Multimedia Đọc Báo in

Nghề sửa máy bơm nước: Tấp nập khách hàng mùa nắng hạn

09:52, 04/04/2014
Vào mùa khô Tây Nguyên, nhiều nhà vườn có diện tích lớn, thời gian tưới nước cho cây trồng phải kéo dài vài ngày, có khi cả tuần liên tục, nên máy bơm không thể nào tránh khỏi hỏng hóc, trục trặc. Vào thời điểm này, tại các cơ sở sửa chữa máy bơm nước trên địa bàn huyện Cư M’gar hầu như các thợ sửa máy bơm phải hoạt động hết “công suất”, bởi lượng khách hàng đem máy đến sửa tăng vọt.

Tiệm sửa chữa máy bơm nước Thịnh ở thị trấn Quảng Phú do anh Nguyễn Văn Thịnh làm chủ, những ngày này tiệm trở nên chật hẹp hơn bởi máy bơm được khách đưa đến sửa chất ngổn ngang trong nhà. Anh phải tận dụng phần hiên và vài mét sân phía trước để làm nơi sửa chữa; trong khi khách hàng ra vào luôn đông đúc. Chứng kiến chưa đầy nửa giờ nhưng đã có vài người đem máy đến sửa và đều được anh hẹn hôm sau đến lấy…

Mùa khô hạn, cơ sở của anh Tùng phải làm việc gấp 5-6 lần mùa mưa.
Mùa khô hạn, cơ sở của anh Tùng phải làm việc gấp 5-6 lần mùa mưa.

Dù ở cách xa trung tâm thị trấn, nhưng cơ sở sửa chữa máy bơm nước của anh Nguyễn Thanh Tùng ở thôn 3, xã Cư M’gar chỉ rộng khoảng hơn 50m2  cũng tấp nập khách hàng mang máy đến sửa. Trước đây, cơ sở sửa chữa của anh Tùng chỉ là một tiệm nhỏ, với tính cần cù, chịu khó, niềm nở với khách hàng và sửa chữa có uy tín chất lượng nên dần dần “tiếng lành đồn xa”, không chỉ khách hàng trong xã mà ở tận các xã lân cận như: Ea M’droh, Ea M’nang, Quảng Hiệp, Ea Kiết, Ea H’đing đều lặn lội đem máy đến cơ sở của anh để sửa chữa. Thu nhập ngày càng cao, anh mở rộng mặt bằng, thuê thêm thợ cùng làm để đáp ứng nhu cầu của lượng khách hàng ngày càng tăng. Những tháng khô hạn cao điểm như hiện nay, cơ sở của anh Tùng phải sửa chữa máy bơm gấp 5-6 lần mùa mưa. Trung bình mỗi ngày thợ phải quấn lại mô-tơ (phần quan trọng nhất) của máy bơm từ 4-5 máy, với giá giao động mỗi lần quấn lại mô-tơ từ vài ba trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/máy. Ngoài ra còn sửa chữa những bộ phận khác hoặc bảo dưỡng định kỳ mỗi ngày trên dưới 10 chiếc các loại. Khối lượng công việc nhiều như vậy nên 3 thợ chính và 2 người phụ việc ở cơ sở của anh phải làm việc tất bật đến tận đêm khuya mới nghỉ để hôm sau có máy giao cho những khách hàng cần sử dụng ngay.

Ông Đàm Văn Đạm một khách hàng đợi sửa máy sốt ruột nói: “Hầu như mùa tưới cà phê năm nào máy bơm của tôi cũng bị hư hỏng, không bộ phận này thì chi tiết nọ… Khổ nhất là đang tưới dở dang phải tháo máy đi sửa; mùa khô lại đông khách, có lúc phải đợi vài ngày mới sửa máy xong thì vườn cà phê đã héo…”.

Anh Tùng chia sẻ kinh nghiệm hạn chế hỏng hóc, bảo vệ máy bơm: “Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng máy bơm nước theo nhu cầu của mình, không chú ý đến thời gian, công suất cho phép hoạt động; trong khi việc bảo dưỡng máy định kỳ lại ít được quan tâm. Bên cạnh đó yếu tố khách quan như: cường độ dòng điện mùa khô không ổn định, để nước cạn mà không phát hiện sớm… cũng làm cho máy bơm nhanh hỏng. Để độ bền của máy bơm nước được lâu dài, người sử dụng cần phải biết bảo dưỡng thường xuyên, sử dụng khi nguồn điện tương đối ổn định, chú ý khi nước cạn thì tắt máy ngay…”.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.