Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của cô trò buôn Drăng Phôk

08:44, 25/04/2014
Một ngày gần cuối tháng 4, cô trò Trường tiểu học Y Jut, phân hiệu buôn Drăng Phôk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) không giấu được sự vui mừng, phấn khởi khi nhận bàn giao công trình sân trường, phòng học mới do các thành viên nhóm 2, tổ 1 thuộc Lớp cán bộ dự nguồn cao cấp khóa III - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xây tặng.
 
Thầy Nguyễn Duy Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jut cảm động: “Có phòng học khang trang, có sân trường bê tông sạch sẽ để các em học sinh lấy chỗ sinh hoạt, vui chơi là mơ ước của Ban giám hiệu nhà trường và cô trò phân hiệu buôn Drăng Phôk từ rất lâu. Hôm nay, giấc mơ ấy trở thành hiện thực. Đây là niềm vui và hạnh phúc lớn lao đối với chúng tôi”.
 
Phân hiệu Trường tiểu học Y Jut ở buôn Drăng Phôk, cách điểm trường chính 16 km đường đất, được Bộ GD-ĐT đánh giá là một trong những phân hiệu cách điểm trường chính xa nhất cả nước. Phân hiệu có ba dãy nhà cấp 4, trong đó có một dãy đã xuống cấp, mái ngói các phòng học bị mục nát, vỡ nham nhở, trần nhiều chỗ bị bung ván, hệ thống điện mất mát do bị kẻ xấu lấy cắp… Trước nguy cơ mất an toàn, nhà trường đã ngưng sử dụng dãy nhà này từ 3 năm trước và đề nghị xin được dỡ bỏ để  bảo đảm an toàn cho các em học sinh. Còn sân trường chưa được bê tông hóa, nền đất trơn trợt khiến học sinh đi lại rất khó khăn vào mùa mưa. Chứng kiến cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn của phân hiệu, nghe tâm tư nguyện vọng của thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn, đoàn học viên Lớp cán bộ dự nguồn cao cấp khóa III - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quyết định hỗ trợ ngày công, kinh phí để nhà trường nâng cấp, cải tạo lại sân trường, phòng học.
Các học viên Nhóm 2, Tổ 1, Lớp cán bộ  dự nguồn  cao cấp  lao động,  xây dựng  Trường Tiểu học Y Jút.
Các học viên Nhóm 2, Tổ 1, Lớp cán bộ dự nguồn cao cấp, lao động, xây dựng Trường Tiểu học Y Jút.

Nhìn các anh “công nhân” trong những bộ rằn ri dã chiến tay cuốc, tay bay đảo vữa, xách hồ thành thạo, vừa làm vừa trò chuyện rôm rả cả một góc với các thầy cô giáo và chiến sĩ biên phòng trên công trường xây dựng, ít ai nghĩ rằng họ là những Thứ trưởng, Viện trưởng, Tham mưu trưởng Quân khu, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS các tỉnh, Phó Chủ tịch UBND, HĐND cấp tỉnh… đang đương chức. Đồng chí Nguyễn Bốn, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Nông vừa làm vừa hướng dẫn cho mấy chiến sĩ trẻ cách san lấp mặt bằng. Giờ nghỉ giải lao, mọi người lại quây quần trước thềm nhà nghe đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bí thư Đoàn năng nổ một thời vừa đệm đàn vừa hát say sưa. Đồng chí Bùi Chí Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, hồ hởi: “Trong chuyến đi thực tế này, chúng tôi thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con. Lao động tuy vất vả, nhưng thấy được ý nghĩa của những việc mình làm nên ai cũng vui và thoải mái”. Sau 3 ngày làm việc cật lực, toàn bộ sân trường, đường nội bộ của nhà trường đã được bê tông hóa, dãy nhà xuống cấp được cải tạo lại hoàn toàn, mái lợp tôn xanh chắc chắn, trần gỗ mục nát được thay bằng tôn lạnh, tường được trát lại và quét ve vàng, hệ thống cửa, điện, quạt được lắp mới, khu vực nhà vệ sinh được cọ rửa sạch sẽ, lắp vòi nước.

Không chỉ thâm nhập vào từng thôn, buôn lắng nghe ý kiến đề xuất của ấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Krông Na, các học viên Lớp cán bộ dự nguồn cao cấp khóa III - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh còn trích quỹ của nhóm hỗ trợ 197 triệu đồng sửa chữa lớp học phân hiệu Trường tiểu học Y Jut; thăm và tặng 12,5 triệu đồng cho gia đình chính sách, 25 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học, 25 triệu đồng cho Hội Người cao tuổi; hỗ trợ 50 triệu đồng giúp 5 hộ nghèo sửa chữa nhà cửa, 15 triệu đồng giúp 5 hộ cận nghèo phát triển chăn nuôi; tặng 200 chiếc cặp học sinh, 1 chiếc trống trường, 120 đầu sách cho các trường học, tặng đàn ghi ta, heo giống cho lực lượng dân quân…

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thành viên lớp học chia sẻ: “Chuyến thực tế tại xã Krông Na giúp đoàn củng cố, hoàn thiện giữa lý luận và thực tiễn, đi sâu đi sát cơ sở để tìm hiểu các cấp, các ngành quán triệt, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước trong công tác phát triển kinh tế,  bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh; hiểu thêm về những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Nguyễn Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.