Multimedia Đọc Báo in

Gia đình là nền tảng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên

08:42, 25/04/2014
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự hội nhập quốc tế sâu rộng, tuổi trẻ đã chủ động hơn, quan tâm hơn và có trách nhiệm hơn với những vấn đề của đất nước và quốc tế.
 
Lòng nhân ái, nhân văn, tính tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội và tinh thần xung phong, tình nguyện, ý thức chia sẻ của tuổi trẻ ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ; được khẳng định bằng những hành động, nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống, sẵn sàng vì lợi ích dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội. Thực tế đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn biểu hiện lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, vi phạm pháp luật ở một bộ phận giới trẻ. Tình trạng bạo lực học đường, chơi game, nghiện ngập, cờ bạc, ma túy, mại dâm, đồng tính… là thực tế đang diễn ra ở giới trẻ.

Có nhiều nguyên nhân tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành nhân cách và ý thức của mỗi bạn trẻ, trong đó, giáo dục của gia đình là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rõ nét đến nhận thức, từ đó hình thành nếp nghĩ và dẫn đến lối sống của bạn trẻ. Ví dụ đơn giản, hằng ngày không khó để bắt gặp trên đường phố hình ảnh những ông bố, bà mẹ chở con vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, thậm chí có người còn phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm; hay dẫn con đi siêu thị mua sắm và không xếp hàng lúc thanh toán tiền mà còn chen lấn để được đứng ở hàng đầu… Liệu con cái của những ông bố, bà mẹ này sẽ tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy tắc của cộng đồng khi chính cha mẹ của chúng hành xử ngược lại? Một thực tế khác, hiện nay đời sống kinh tế khấm khá hơn, các bậc cha mẹ đều mong con có cuộc sống bằng bạn bằng bè, bạn có cái này thì con mình cũng phải có. Sự thương con, đáp ứng nhu cầu của con như thế vô tình trở thành một cuộc “thi đua”, dễ tạo cho con trẻ ý nghĩ coi trọng vật chất, ganh đua, đố kỵ. Việc chu cấp của gia đình trong suốt quá trình học tập của con từ tiểu học cho đến bậc đại học được coi là mặc nhiên đã khiến một bộ phận thanh niên ngày nay thiếu tính tự lập, thích đòi hỏi nhiều hơn là tự thân vận động. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ luôn thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái kể cả nhu cầu vô lối và trở thành thói quen, dễ dẫn đến giá trị sống của đứa con bị lệch lạc khi tưởng rằng mọi người luôn phải tuân theo ý muốn của mình, dễ dẫn đến phản kháng khi không được thừa nhận. Hoặc vấn đề thực dụng của giới trẻ, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, gia đình đã định hướng cho con “học tủ”, chỉ học những môn chính, những môn sau này sẽ thi đại học, theo các lò luyện thi. Trước đây một đứa con ngoan được hiểu là biết vâng lời, lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị, chăm chỉ việc nhà thì nay nhiều gia đình quan niệm con ngoan chỉ là học giỏi. Cả gia đình dồn sức “chạy” trường, “chạy” lớp bắt con trẻ học ngày, học đêm vùi đầu vào đống sách vở, chiều chuộng chúng đủ kiểu miễn sao điểm học tập phải cao, mà lại lãng quên giáo dục đạo đức, giáo dục làm người, khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ.

Còn một thực tế khác, đó là tính cách, lối sống của ông bà, cha mẹ và những người thân là tấm gương nhãn tiền đối với giới trẻ. Một thanh thiếu niên có người bố sáng xỉn, chiều say hoặc một người mẹ vô tâm, một gia đình thường xuyên cãi vã… sẽ dễ phát triển lệch lạc hoặc sa vào phạm tội. Trước khi người con dắt xe máy ra đường, người bố hoặc người mẹ nhắc con đội mũ bảo hiểm, chạy xe cẩn thận sẽ có tác dụng hơn gấp hàng chục, hàng trăm bài diễn thuyết, khẩu hiệu tuyên truyền của các cơ quan chức năng, đoàn thể. Khi con cái có dấu hiệu tâm lý thất thường, bố mẹ thủ thỉ trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó định hướng nhận thức và hành động cho con cái sẽ có tác dụng ngăn ngừa con cái có hành động tiêu cực hơn rất nhiều lần buổi sinh hoạt giáo dục về kỹ năng sống. Một lời hỏi thăm, một câu động viên đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp con vững niềm tin vào cuộc sống, vượt qua khó khăn, khúc mắc để trưởng thành.

Thực tiễn cho thấy, giáo dục gia đình là môi trường đầu tiên để tạo nên tính cách của đứa trẻ, nền móng xây dựng đạo đức, lối sống, trong khi giáo dục nhà trường và xã hội là các nhân tố quan trọng giúp định hình và hoàn thiện nhân cách có được từ gia đình. Chính vì vậy, các gia đình đừng coi nhẹ việc giáo dục con cái từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày để xây dựng một con người sống tốt, sống đẹp.

Xuân Giang


Ý kiến bạn đọc