Multimedia Đọc Báo in

Phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở: Góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Krông Bông

10:35, 21/04/2014
Qua thực tế 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Krông Bông cho thấy, việc phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” là giải pháp quan trọng để huy động sức dân chung tay xây dựng nông thôn mới.
 
Xóm đồng bào Vân Kiều ở thôn 2, xã Hòa Phong có 42 hộ từ tỉnh Quảng Trị vào lập nghiệp sinh sống từ năm 1993. Hai chục năm lập nghiệp tại vùng quê mới, đồng bào không có điện sinh hoạt, phải dùng đèn dầu hoặc nến để thắp sáng vào ban đêm. Nguyên nhân là do xóm dân Vân Kiều sống rải rác, cách các khu dân cư khác khá xa nên chưa được đầu tư xây dựng đường điện. Trước những bức xúc, đòi hỏi cấp thiết của nhân dân, đầu năm 2013 Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hòa Phong đã tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới theo tinh thần “Nhân dân là chủ thể thực hiện và hưởng lợi, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân nơi đây hiểu được về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới và đồng thuận chung sức, đóng góp tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh. Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân trong xóm Vân Kiều đã tự nguyện đóng góp được 133 triệu đồng để kéo điện về phục vụ sinh hoạt. Giờ đây, nhà nhà trong xóm Vân Kiều đều có điện sinh hoạt, con cái được học hành tốt hơn, người dân nắm bắt được thông tin, học hỏi được tiến bộ khoa học kỹ thuật qua các phương tiện thông tin đại chúng để ứng dụng vào sản xuất.

Cũng có nhu cầu kéo điện phục vụ sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao thu nhập, nhân dân thôn 2, xã Yang Kang tự nguyện đóng góp hơn 1,9 tỷ đồng kéo đường điện 3 pha dài 2,25 km đáp ứng nhu cầu tưới cho hàng trăm héc-ta cà phê của nhân dân trong vùng. Bà con thôn 2 đều thấy rõ lợi ích từ khi có điện về phục vụ sản xuất đã giảm được rất nhiều chi phí về nhân công lao động, giá thành tưới tiêu, mà năng suất cây trồng cao hơn hẳn so với những năm trước đây. Còn ở xã Cư Kty, con đường huyết mạch trong xã mà nhân dân thôn 2, thôn 3 thường xuyên đi lại, vận chuyển nông sản trước đây rất lầy lội, khó khăn cho việc lưu thông vào mùa mưa lũ. Nhiều năm mưa kéo dài, người dân không thể sử dụng các phương tiện như xe trâu, xe công nông vận chuyển nông sản về nhà được mà phải vận chuyển bằng thuyền theo đường sông Krông Ana về cầu chữ V, chi phí rất cao. Đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Cư Kty đã vận động các hộ dân có đất sản xuất tại cánh đồng Nà thôn 2, thôn 3 góp tiền, ngày công lao động để sửa chữa, nâng cấp lại con đường. Thấy được lợi ích rõ rệt từ việc làm đường giao thông, chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã đóng góp được hơn 400 triệu đồng, hiến hơn 350 mđất và hàng nghìn ngày công lao động sửa chữa, đổ đất cấp phối, nâng cấp con đường dài hơn 4 km khang trang, sạch đẹp, đi lại thuận tiện hơn.

Người dân xã Hòa Sơn góp công,, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Hòa Sơn góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn.

Còn rất nhiều các địa phương khác trong huyện Krông Bông đã phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, có những việc làm hay, sáng tạo để huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới như: Xã Hòa Thành vận động nhân dân đóng góp 273 triệu đồng, hiến hơn 1.800 m2 đất, 607 ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn và sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn; người dân xã Hòa Sơn đóng góp 350 triệu đồng, hiến hơn 2.900 m2 đất, 1.400 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; nhân dân xã Yang Reh đóng góp 614 triệu đồng, hiến hơn 200 m2 đất và 400 công lao động xây dựng trạm bơm điện phục vụ sản xuất, mua trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Krông Bông, trong năm 2013 nhân dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện đóng góp hơn 5 tỷ đồng, hiến hơn 27.000 m2 đất, tham gia hơn 6.000 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Đạt được kết quả này, tùy từng địa phương có những cách làm, cách vận dụng và phương pháp huy động khác nhau, nhưng tựu trung lại là làm sao tạo được sự đồng thuận trong nhân dân cùng tham gia với Nhà nước để xây dựng nông thôn mới. Một trong những yếu tố quan trọng được đúc rút từ thực tiễn qua các năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đó là: Nơi nào thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, làm cho dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng”  thì nơi đó sẽ huy động và tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, để việc phát huy dân chủ ở cơ sở ngày càng có hiệu quả, bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kết hợp nhiều giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Có như vậy tiến trình xây dựng nông thôn mới sẽ sớm thành công theo lộ trình đề ra.

Thanh Hòa


Ý kiến bạn đọc