Phòng cháy chữa cháy: Vẫn là câu chuyện ý thức!
Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo những nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, nhưng tình trạng này vẫn chưa được hạn chế và đã gây ra những hệ lụy khó lường…
Gia tăng các vụ cháy
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (PC66), từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ cháy, gây thiệt hại gần 14 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy có chiều hướng gia tăng, thiệt hại tăng hơn 10 tỷ đồng. Một số vụ cháy điển hình như: Vào lúc 1 giờ sáng 13-3, tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Trường Hoàng Vũ - đóng tại lô CN6 Cụm CN Tân An 2, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột (chuyên sản xuất giấy, đóng kiện và xuất khẩu) đã xảy ra vụ cháy lớn. PC66 đã phải huy động 10 xe cứu hỏa cùng hơn 80 cán bộ, chiến sĩ mới khống chế được đám cháy. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng vụ hỏa hoạn làm hư hại khoảng 2.000m2 nhà xưởng, trên 1.000 tấn giấy nguyên liệu đã bị thiêu rụi, tổng thiệt hại ước tính khoảng 13 tỷ đồng. Khoảng 23 giờ ngày 31-3, tại thôn 6, xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) đã xảy ra một vụ hỏa hoạn làm cháy rụi khu xưởng mộc thuộc Doanh nghiệp Chế biến lâm sản Phát Đạt và ngôi nhà của chị Bùi Thị Tâm ở gần cạnh. Trước đó vào lúc 12 giờ ngày 25-3, xảy ra cháy tại Xưởng mộc Quang Hùng thuộc phường Thành Nhất (TP.Buôn Ma Thuột), sau 5 tiếng đồng hồ đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn nhưng đã thiêu trụi toàn bộ 70m3 gỗ.
Hỏa hoạn không chỉ xảy ra tại các nhà máy, khu sản xuất mà còn xảy ra ở cả khu dân cư và trên đồng ruộng. Điển hình như vào lúc 11 giờ 15 ngày 14-3, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) thiêu rụi 5 nhà dân, trong đó có 4 căn bị thiêu rụi hoàn toàn. Một vụ cháy khác, vào lúc 14 giờ ngày 21-3, tại địa bàn thôn 1, xã Ea Pil (huyện M'Drak) đã thiêu trụi gần 30 ha mía (đang trong giai đoạn thu hoạch) và rừng trồng của các hộ dân. Tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực PCCC. |
Chủ quan trong sử dụng điện, thiếu kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị chữa cháy
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Kính, Trưởng phòng PC66 thì nguyên nhân của phần lớn các vụ cháy thời gian qua là xuất phát từ sự chủ quan của con người. Ở nhiều nơi, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành về PCCC; nhiều nơi còn chủ quan, chưa thường xuyên tự kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC của nhân viên hay chú trọng đến huấn luyện nghiệp vụ, thực tập chữa cháy trong các tình huống cháy đặc trưng tại cơ sở; chưa đầu tư đúng mức các phương tiện chữa cháy tại chỗ và thiếu kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị chữa cháy. Thống kê các vụ cháy, có tới hơn 40% do chập điện mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hiểu biết, chủ quan trong việc sử dụng điện, đấu nối đường dây tùy tiện, máy móc, thiết bị điện thiếu khoa học, an toàn. Ở khu dân cư, tình trạng câu móc điện chằng chịt không an toàn từ nhà này sang nhà khác gây ra nguy cơ tiềm ẩn cháy lan bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, trong những ngày nắng nóng gay gắt, các thiết bị điện ở nhà dân và các cơ quan, đơn vị như quạt, máy điều hòa, tủ lạnh phải hoạt động hết công suất, gây ra quá tải đường điện, dễ dẫn tới chập điện, gây cháy nổ. Trước nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhất là trong thời điểm khô hanh, đi đôi với ý thức sử dụng tiết kiệm điện, việc từng gia đình, cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra hệ thống điện sinh hoạt, thay mới những đường dây quá cũ và không đúng quy định, lắp đặt các hệ thống bảo đảm an toàn điện là rất cần thiết. Ở những khu vực tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy như trung tâm thương mại, chợ, kho chứa hàng, cần thực hiện các quy định an toàn PCCC; niêm yết nội quy PCCC, treo biển cấm lửa tại những nơi dễ cháy; niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn; không lập bàn thờ, thắp hương, nến thờ cúng nơi công cộng; quy định nơi hút thuốc, có thùng đựng mẩu thuốc lá; không tàng trữ các chất nguy hiểm cháy như xăng dầu, gas; lắp đặt hệ thống điện theo đúng quy định an toàn PCCC… Để phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ), chính quyền địa phương cùng các đơn vị PCCC cần tập trung kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, xí nghiệp và các hộ dân cẩn thận hơn nữa trong sử dụng điện; tổ chức bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy, nhất là ở các chợ, trung tâm thương mại; rà soát và luyện tập các phương án chữa cháy, cứu hộ phù hợp đặc điểm từng khu vực.
Thượng tá Nguyễn Minh Kính cho rằng, trong công tác PCCC, giải pháp lâu dài, căn cơ và hiệu quả nhất vẫn là vận động nhân dân và các tổ chức tích cực hưởng ứng phong trào “Quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy”, qua đó nêu cao ý thức tự giác của mỗi người dân và từng đơn vị để tự bảo vệ chính mình và tài sản của mình.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc