Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống lao: Chú trọng phát hiện bệnh sớm để điều trị hiệu quả
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm làm giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng và khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc. Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ NGUYỄN KIM MỸ, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh xoay quanh nội dung này.
* Thưa bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, để giúp bạn đọc hiểu về Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, bác sĩ có thể khái quát đôi nét về vấn đề này?
Như chúng ta đã biết, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh và có nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Song, bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Chương trình chống lao của thế giới cũng như của Việt Nam thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều người mắc, chết do lao. Do đó, công tác phòng, chống bệnh lao được xem là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị. Vì lẽ ấy, ngày 17-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phòng chống lao quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đề ra là những mục tiêu rất lớn và cơ bản, cùng với đó là 8 giải pháp thực hiện khá cụ thể. Giải pháp đầu tiên là rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn công tác phòng chống bệnh lao. Thứ hai là đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh lao. Thứ ba là về chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ và dịch vụ phòng, chống bệnh lao, các cơ sở y tế cần có trách nhiệm cung cấp dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh lao theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó chú trọng việc áp dụng các kỹ thuật mới, cung cấp dịch vụ chất lượng. Ngoài ra còn có các giải pháp về hợp tác quốc tế; cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật phòng, chống bệnh lao; nguồn tài chính cho công tác phòng, chống bệnh lao; nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh lao; kiểm tra giám sát…
Một bệnh nhân mắc lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. |
* Có thể nói, những mục tiêu và giải pháp Chiến lược đề ra mang tính toàn diện. Vậy, theo bác sĩ nó có tác động như thế nào đối với tỉnh ta?
Việc Chiến lược được phê duyệt là một tác động lớn đối với công tác phòng chống lao của tỉnh, bởi hiện nay tại Dak Lak bệnh nhân lao được phát hiện mới chỉ đạt khoảng 30% trong tổng số bệnh nhân lao theo ước tính, còn thấp so với mục tiêu Chương trình chống lao của tỉnh đề ra là 70%. Tuy nhiên, để cụ thể hóa Chiến lược này, thì chúng ta phải xây dựng Chiến lược của địa phương. Có nghĩa là, ngành Y tế phải xây dựng chiến lược về chuyên môn kỹ thuật, thực hiện được các kỹ thuật và dự báo được những năm tới ngành Y tế phải làm những gì đối với công tác phòng chống lao. Thứ hai là phải xây dựng được phần phối kết hợp giữa các ban, ngành như trong Chiến lược đề ra để cùng nhau làm công tác phòng chống lao, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, muốn làm công tác phòng chống lao tốt thì địa phương phải có nguồn lực, nhất là ngân sách hỗ trợ cho công tác này. Nói tóm lại, cần phải xây dựng Chiến lược của tỉnh thật cụ thể để người dân tiếp cận được với công tác phòng chống lao, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Có như vậy công tác phát hiện và điều trị lao của chúng ta mới đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia theo hướng giảm dần tỷ lệ mắc, chết và lao kháng thuốc theo từng giai đoạn hay nói cách khác từng bước tiến tới thanh toán bệnh lao.
* Ở góc độ chuyên môn, đến thời điểm này, tỉnh Dak Lak đã làm chủ được những kỹ thuật nào trong lĩnh vực khám và điều trị bệnh lao?
Hiện nay, Dak Lak có mạng lưới phòng chống lao bao phủ rộng khắp, ở tuyến tỉnh thì có bệnh viện chuyên khoa lao, ở tuyến huyện có các tổ chống lao và mỗi xã có một cán bộ chuyên trách phụ trách về lao. Nói chung, mạng lưới chống lao chúng ta đang duy trì tương đối tốt và hiệu quả điều trị khỏi đã đạt trên 87%, đạt được mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia đưa ra. Về kỹ thuật phát hiện lao, hiện tại chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp soi đờm trực tiếp để tìm vi trùng lao. Đây là một kỹ thuật rất cơ bản và rẻ tiền, có thể áp dụng được ở mọi nơi. Bên cạnh đó, ở tuyến tỉnh còn triển khai được kỹ thuật nội soi bằng ống mềm phục vụ công tác chẩn đoán, phát hiện lao. Và sắp tới đây, chúng tôi sẽ triển khai thêm kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn lao trong môi trường lỏng. Với kỹ thuật này, chỉ trong vòng 5 ngày có thể xác định được một người có mắc lao hay không. So với kỹ thuật nuôi cấy trong môi trường đặc đang thực hiện hiện nay cần 2 tháng mới cho kết quả thì kỹ thuật này rút ngắn được rất nhiều thời gian. Và khi bệnh được phát hiện sớm thì đương nhiên công tác điều trị cũng hiệu quả hơn.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015 phải giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người/100.000 dân, giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người/100.000 dân; mục tiêu đến hết năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người/100.000 dân, giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100.000 dân, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục giảm số người mắc và chết do lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 dân, hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc