Multimedia Đọc Báo in

"Bà đỡ" của thanh niên nghèo

11:40, 12/05/2014

Bằng những cây, con giống hỗ trợ của Huyện Đoàn Ea H’leo, nhiều đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Công trình thanh niên “Gieo mầm ước mơ” được Huyện Đoàn Ea H’leo triển khai thực hiện từ năm 2012, thông qua việc tặng bò và hỗ trợ  bắp giống cho đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã thật sự trở thành “cứu cánh” và động lực giúp cho nhiều hộ thanh niên vươn lên thoát nghèo. Năm 2012, anh Ksor Thân (buôn Chăm, xã Ea Sol) được Huyện Đoàn Ea H’leo hỗ trợ một con bò giống, trị giá khoảng 10 triệu đồng, nhờ chịu khó chăm sóc, năm 2013 con bò của gia đình anh đã sinh được 1 bê con và hiện sắp sinh lứa khác. Từ ngày được hỗ trợ bò cái sinh sản, cùng với nguồn thu từ mấy sào đất trồng ngô, sắn của bố mẹ vợ cho, kinh tế gia đình anh đã dần ổn định, 3 đứa con cũng được đến trường học chữ. Anh Ksor Thân chia sẻ: “Đã từ lâu tôi luôn mơ ước có một số vốn để mua bò cái sinh sản, nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên không thực hiện được. Từ khi được Huyện Đoàn hỗ trợ mô hình nuôi bò giống tôi rất mừng, bởi cứ đà này, vài năm nữa đàn bò sẽ tăng dần lên, lúc đó kinh tế sẽ khá giả hơn”.

Cũng như gia đình anh Ksor Thân, hộ anh Y Ngông Niê (buôn Tiêu B, xã Ea Tia) cũng là một trong những hộ thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận bò giống từ sự hỗ trợ của Huyện Đoàn. Cả nhà 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ và những ngày đi làm thuê, cuốc mướn của anh nên cuộc sống khá chật vật. Năm 2013, Huyện Đoàn đã hỗ trợ một con bò giống để anh có cơ hội phát triển kinh tế. Điều đáng mừng là đến nay con bò chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên. Anh Y Ngông tâm sự: cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, vừa lo cái ăn cho cả gia đình, vừa phải kiếm tiền để lo cho 2 đứa con đang trong độ tuổi đi học là cả một gánh nặng. Vì thế, anh rất vui khi được cấp bò, để gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Theo anh, nghề nuôi bò khá an toàn, ít rủi ro, chỉ khoảng một năm là bò có thể sinh sản. Như vậy, một con bò giống có thể “kinh doanh” trong nhiều năm liền. 

Thanh niên buôn Tiêu B nhận bắp giống  do Huyện Đoàn hỗ trợ.
Thanh niên buôn Tiêu B nhận bắp giống do Huyện Đoàn hỗ trợ.

Bên cạnh việc hỗ trợ bò giống, Huyện Đoàn Ea H’leo còn triển khai cấp ngô giống cho các hộ thanh niên khó khăn để phát triển sản xuất. Được biết, sau 2 đợt cấp (năm 2012 và 2013), gần 1 tạ ngô giống đã đến tay nhiều thanh niên ở 2 xã Ea Sol và Ea Tia. Chỉ từ 3 kg ngô giống, nhiều hộ thanh niên đã dần phát triển kinh tế ngay chính trên những mảnh đất đã từng bỏ không. Gia đình anh Nay Sơm (buôn Chăm, xã Ea Sol) vừa mới ra riêng, được bố mẹ chia cho mấy sào đất rẫy để trồng trọt, nhưng vì không có tiền mua giống, phân bón nên đành bỏ không. Khi được Huyện Đoàn hỗ trợ hơn 3 kg ngô giống, nhờ bản tính cần cù, chịu khó, sau 3 tháng gieo trồng và chăm sóc, anh đã thu về hơn 5 triệu đồng. Cũng từ đây, các vụ gieo trồng sau, vợ chồng anh đã có nguồn vốn đầu tư cây giống và phân bón, mở rộng diện tích đất trồng ngô.

Có thể nói, việc Huyện Đoàn Ea H’leo trao “cần câu” đã giúp nhiều hộ đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số giải quyết được một phần khó khăn trong sản xuất và ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Cơ Thạch, Phó Bí thư Huyện Đoàn cho biết: Từ kinh phí đóng góp của cán bộ, đoàn viên các chi đoàn trực thuộc, Huyện Đoàn đã cấp bò và ngô giống giúp nhiều gia đình thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên. Không chỉ được hỗ trợ con, cây giống mà các đoàn viên, thanh niên còn được hướng dẫn cách chăm sóc, gieo trồng sao cho hiệu quả. Dự kiến, công trình thanh niên “Gieo mầm ước mơ” sẽ kéo dài đến hết năm 2017. Đến lúc đó, số đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ cây, con giống càng tăng lên và sẽ có nhiều người có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Quả thật, những con bò, ký ngô giống được trao tận tay từng thanh niên đã tạo động lực, giúp nhiều hộ thoát được cảnh khó khăn. Đây cũng là cách làm hay, phù hợp của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành cùng thanh niên nông thôn trên con đường lập thân, lập nghiệp cần được nghiên cứu, nhân rộng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc