Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng mất vệ sinh thức ăn đường phố (Kỳ II)

09:39, 27/05/2014
Kỳ II: Kiểm soát thức ăn đường phố: Khó đủ đường

Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay được triển khai với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” cho thấy vấn đề VSATTP thức ăn đường phố đã được quan tâm. Song, kiểm soát như thế nào để đạt được hiệu quả vẫn là thách thức đối với ngành chức năng.

Thiếu nhân lực quản lý

Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, muốn sản xuất hay kinh doanh về thực phẩm (trong đó có cả thức ăn đường phố) phải bảo đảm 3 yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người (phải được tập huấn kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ). Thế nhưng, nhìn trên thực tế, không phải cơ sở kinh doanh thực phẩm nào cũng đáp ứng được các yêu cầu này. Kết quả những đợt giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm của ngành chức năng thực hiện thời gian qua cho thấy: rất nhiều người bán thức ăn đường phố không được tập huấn kiến thức VSATTP và khám sức khỏe định kỳ; không dùng riêng dụng cụ gắp thức ăn chín và thức ăn sống; nhiều hàng, quán không có tủ kính bày thức ăn, không có dụng cụ đựng thức ăn thừa... Theo bác sĩ Bùi Quang Lộc, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh: Hiện nay, việc trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn vẫn đang được thực hiện theo Quyết định số 43 ngày 20-12-2005 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với những cơ sở thức ăn đường phố nhỏ lẻ và phân tán thì việc triển khai khám sức khỏe, tập huấn kiến thức, cấp giấy chứng nhận hành nghề là rất khó khăn, nếu Bộ Y tế không có văn bản hướng dẫn cụ thể thì công tác này không triển khai được.

Những hàng ăn “di động” như thế này xuất hiện khá phổ biến trên các tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Viết Xuân, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột).
Những hàng ăn “di động” như thế này xuất hiện khá phổ biến trên các tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Viết Xuân, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột).

Bác sĩ Lộc cho biết thêm: thức ăn đường phố ở tỉnh ta hiện được chia về 2 cấp quản lý là UBND huyện và UBND các xã, phường, thị trấn. Với sự phân cấp này, để quản lý tốt thức ăn đường phố là một nhiệm vụ rất khó, bởi thường thì thức ăn đường phố phục vụ ngoài giờ làm việc của cơ quan quản lý (buổi trưa, tối), ngoài những cơ sở kinh doanh có địa điểm cố định thì còn có rất nhiều gánh hàng rong, quán vỉa hè “di động”. Trong khi đó, công tác quản lý loại hình kinh doanh thực phẩm này tại các cấp thường được giao về cho một bộ phận hoặc một vài cán bộ chuyên trách. Lực lượng mỏng, trong khi hàng, quán thường xuyên “di động” nên việc kiểm tra, kiểm soát cũng như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện không thực hiện được cũng là điều dễ hiểu.

Phạt không được, dẹp không xong

Được biết, hiện chưa có con số chính xác toàn tỉnh có bao nhiêu hàng, quán thức ăn đường phố, bởi việc xuất hiện của loại hình kinh doanh  này giống như nấm mọc sau mưa, thoát ẩn, thoát hiện. Mà khi chưa quản lý được thì việc kiểm soát an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm với đối tượng này lại càng khó khăn hơn.

Trên thực tế, hiện nay mức xử phạt vi phạm về VSATTP được thực hiện theo Nghị định 178 của Chính phủ, cao hơn nhiều so với trước (thực hiện theo Nghị định 91 của Chính phủ) và có thể nói đã đủ sức răn đe. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng (đối với cá nhân) và 200 triệu đồng (đối với tổ chức). Các vi phạm hành chính về ATTP có tính chất nghiêm trọng như: sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, chết do dịch bệnh để sản xuất, chế biến thực phẩm…, mức tiền phạt được tính bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân và tương ứng 7 lần đối với tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, khi áp dụng chế tài xử phạt này đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố lại phát sinh rất nhiều bất cập. Theo bác sĩ Y Kim Ly Niê, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế: Thực tế có những người kinh doanh thực phẩm thức ăn đường phố tính cả vốn và lãi chỉ vài triệu đồng, thậm chí có những gánh hàng rong vốn chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng, nhưng nếu áp dụng mức xử phạt từ vài chục triệu đến 100 triệu thì họ biết lấy đâu mà nộp. Bên cạnh đó còn có những trường hợp kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm vệ sinh bị ngành chức năng phát hiện lập biên bản xử lý thì “bỏ của chạy lấy người” vì sợ không đủ tiền đóng phạt. Còn khi áp dụng biện pháp mạnh là đóng cửa, đình chỉ kinh doanh đối với loại hình này thì ngành chức năng cũng không đủ lực lượng để giám sát, vì với những người bán hàng rong, cấm lúc này họ bán lúc khác, cấm bán ở nơi này thì họ chuyển sang bán ở nơi khác…

Rõ ràng, nếu đánh đồng loại hình kinh doanh thức ăn đường phố với những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhà hàng, khách sạn và có chung một cách quản lý, kiểm soát như nhau sẽ khó đạt được hiệu quả như ngành chức năng mong muốn.

(Còn nữa)

 Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc