Các hộ dân bị úng ngập quanh hồ Krông Buk hạ mong sớm được nhận tiền đền bù
Dự án thủy lợi đập Krông Buk hạ (huyện Krông Pak) đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu nước tưới cũng như sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn huyện Krông Pak và một phần Ea Kar. Tuy nhiên, niềm vui đó chưa tròn đối với nhiều hộ dân đang sinh sống và canh tác ở gần đập, bởi khi hồ Krông Buk hạ tích nước, không ít diện tích đất trồng cây lâu năm của họ bị ngập nhưng chưa được đền bù.
Công trình thủy lợi đập Krông Buk hạ được khởi công xây dựng từ năm 2005 (tại địa bàn xã Ea Phê, huyện Krông Pak), với tổng số vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, do Ban quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 8 làm chủ đầu tư. Đây được xem là công trình thủy lợi lớn nhất ở Dak Lak và lớn thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Theo thiết kế, hồ có dung tích chứa gần 110 triệu m3 nước, năng lực tưới tiêu 11.400 ha diện tích cây trồng các loại, cung cấp nước sinh hoạt cho 60.000 hộ dân; đồng thời có tác dụng phòng chống lũ lụt hằng năm ở khu vực hạ lưu, nuôi trồng thủy sản và cải tạo cảnh quan môi trường…
Theo nhiều hộ dân xã Krông Buk, khi hồ Krông Buk hạ tích nước đã làm ngập hàng chục ha đất trồng cây hoa màu, cây lâu năm và nhiều nhà của các hộ dân sống và canh tác ven lòng hồ, chủ yếu ở các thôn 5, 8, 10 và 15 (xã Krông Buk, huyện Krông Pak)... khiến đời sống kinh tế cũng như mọi sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Hữu Quang (thôn 8, xã Krông Buk) cho biết: tháng 8 năm 2013, hơn 7.000m2 gồm cả đất rẫy trồng cây lâu năm và đất vườn của gia đình đã bị chết nhiều cây cối, đặc biệt là cà phê đang chờ thu hoạch; ngập hồ nuôi cá và giếng nước của gia đình. Cùng chung tâm trạng, bà Lê Thị Thanh Hoa (thôn 8) bức xúc cho biết gia đình bà cũng bị ngập gần 500m2 đất làm trang trại đang thả cá, ba ba và chăn nuôi heo cũng bị thiệt hại đáng kể. Còn đối với hộ ông Nguyễn Tiến Cường (thôn 10) thì với hơn 2.000 m2 đất rẫy bị ngập làm hơn 100 cây cà phê, bạch đàn và nhiều cây ăn quả khác trong vườn bị chết... Ông Cường chia sẻ: “Lâu nay chúng tôi chỉ biết sống nhờ vào nguồn thu hoạch từ việc canh tác ở các thửa đất này, nhưng nay lại bị đập Krông Pak làm ngập, chết hết cây trồng, đến giờ vẫn chưa được đền bù khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn”.
Con đường đi lại của các hộ dân ở thôn 5 bị ngập, khiến đời sống sinh hoạt của họ gặp nhiều khó khăn. |
Không chỉ gây thiệt hại về diện tích đất trồng cây, mà một số hộ dân ở thôn 5 còn bị nước từ lòng hồ Krông Buk hạ gây ngập úng nhà cửa; thậm chí con đường từ trước đến nay bà con vẫn đi lại cũng bị ngập úng khiến việc vận chuyển, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm sự an toàn cho người thân, một số hộ đã phải dời nhà đi nơi khác, có hộ phải gửi hoặc cho con ở trọ gần trường để đi học. Anh Nguyễn Văn Bình (thôn 5) chia sẻ: “Từ nhiều tháng nay, vợ tôi phải gửi hai con đến nhà họ hàng để chúng đi học chứ không dám cho ở nhà, bởi mỗi ngày phải đưa đón các cháu đi học trên chiếc ghe nhỏ tự làm rất nguy hiểm; còn muốn đi chợ hay có việc đến các thôn, buôn khác thì phải đi nhờ qua phần đất rẫy của nhà khác. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng này để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”. Theo ông Vi Vũ Thủy (thôn 5), trước đây phía đơn vị đến đo đạc, thống kê diện tích đất có thể bị ngập của những hộ dân này để có phương án đền bù khẳng định rằng nước sẽ không bao giờ ngập đến đoạn đường này… Vậy nhưng từ tháng 8 năm 2013, nước đã ngập hết đường đi, nhà cửa.
Được biết, các hộ dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Việt, Phó Ban quản lý Dự án cho biết: sau khi tích nước, hồ Krông Buk hạ đã và sẽ còn làm ngập nhiều diện tích đất đang canh tác của các hộ dân ven lòng hồ. Để sớm giải quyết việc đền bù cho người dân, UBND huyện đã xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung danh mục, đo đạc lập bản đồ, trích đo địa chính khu vực viền lòng hồ phục vụ công tác thu hồi đất. Ngày 4-3-2014, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương này, nhưng cũng phải chờ việc xem xét, bổ sung hạng mục đo đạc lập bản đồ, trích đo địa chính khu vực viền lòng hồ và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của Dự án Hợp phần đền bù, di dân tái định cư công trình...
Với nguồn thu nhập chính từ việc canh tác các thửa đất trồng cây hoa màu và cây công nghiệp… trong khi đất đai bị úng ngập khiến đời sống của nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Đó là chưa kể đến việc một số hộ luôn thấp thỏm, lo âu và thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Mong muốn của họ là sớm nhận được tiền đền bù để tìm nơi ở mới làm ăn, ổn định cuộc sống.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc