Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo cần thực hiện từ gốc

10:07, 10/05/2014
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo hiệu quả, nhờ đó, nhiều gia đình đã vươn lên, ổn định cuộc sống, nhưng thực tế cho thấy, ở một góc độ nào đó, các chính sách giảm nghèo đang bộc lộ những hạn chế nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhiều lần về công tác tại cơ sở, tôi được nghe một số cán bộ hội, đoàn thể than rằng: bây giờ việc tổ chức họp dân ở thôn, buôn để triển khai, phát động một chương trình nào đó hoạt động hay tuyên truyền chính sách, pháp luật thì ít người đến dự, nhưng hễ cứ nghe họp để bình xét hộ nghèo thì các hộ dân đều có mặt đông đủ. Sở dĩ như vậy là vì nhiều người có suy nghĩ, khi thuộc diện hộ nghèo sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi như hỗ trợ làm nhà, tiền điện thắp sáng, cây, con giống, vốn vay phát triển sản xuất, tặng quà tết, miễn giảm học phí, cấp thẻ BHYT miễn phí… Qua thực tế trên cho thấy, hiện các chính sách giảm nghèo đang nặng về việc hỗ trợ, cho không chứ chưa chú trọng tạo sinh kế cho người nghèo. Điều này vô hình trung đã tạo tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo, thậm chí là “chạy” cho được là hộ nghèo trong một bộ phận người dân!

Mô hình trồng rau xanh của hội viên phụ nữ nghèo xã Ea Tam (huyện Krông Năng) được phát triển từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội)
Mô hình trồng rau xanh của hội viên phụ nữ nghèo xã Ea Tam (huyện Krông Năng) được phát triển từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội)

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2011 đến tháng 9-2013, kinh phí hỗ trợ về y tế cho người nghèo trên địa bàn tỉnh hơn 1.277 tỷ đồng; giáo dục hơn 660 tỷ đồng; nhà ở theo Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg gần 12 tỷ đồng; tiền điện hơn 59 tỷ đồng; trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo hơn 20 tỷ đồng… Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ đầu tư sinh kế thấp, chẳng hạn như chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật chỉ hơn 5,3 tỷ đồng; đào tạo nghề hơn 22 tỷ đồng; xây dựng mô hình giảm nghèo 2 tỷ đồng; trợ giúp pháp lý gần 4,4 tỷ đồng. Như vậy, so với số hộ nghèo toàn tỉnh thời điểm 2011 là 81.053 hộ (chiếm tỷ lệ 20,82%) thì sự hỗ trợ tạo sinh kế trên còn khá khiêm tốn. Năm 2013, kết quả thực hiện giảm nghèo chưa đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh chỉ giảm 2,41% (từ 14,67% xuống còn 12,26%), trong khi kế hoạch là 3%; tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 0,84% (từ 6,99% lên 7,83%). Một trong những nguyên nhân được ngành chức năng nhận định là tỷ lệ hộ nghèo càng về cuối của giai đoạn càng khó giảm và giảm thấp hơn những năm trước vì đa phần đều là những hộ rất khó thoát nghèo như: hộ có người bị tàn tật, già neo đơn, thiếu lao động, thiếu phương tiện sản xuất…

 Thiết nghĩ, để chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả cần có những thay đổi phù hợp và mang tính bền vững. Đối với những hộ gia đình là người già neo đơn, không có sức lao động, bệnh tật, ốm đau thường xuyên thì cần xem đây là đối tượng hưởng trợ cấp xã hội mà không xem là hộ nghèo và họ vẫn được hưởng các chế độ hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống. Đối với những hộ nghèo do thiếu đất, phương tiện sản xuất, vốn, kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, không có việc làm nhưng có sức lao động thì nên tập trung đầu tư tạo sinh kế, tức là xây dựng ý thức thoát nghèo trong chính người nghèo. Có như vậy, chính sách giảm nghèo mới đạt mục tiêu đề ra, việc giảm nghèo mới được thực hiện từ gốc và thực sự bền vững. 

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.