Gieo hạt yêu thương
Nơi tình yêu bắt đầu
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cả tôi và chị cùng chuyển công tác về Dak Lak trong một năm. Chị bảo, từ khi đang làm cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Dak Nông đã nung nấu ý tưởng sẽ mở một cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm để làm ra những sản phẩm làm đẹp cho đời, cho mình và tạo việc làm cho những người yếu thế. Hơn 5 năm ròng rã vượt qua nhiều khó khăn, một cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm lưu niệm khang trang đã ra đời và dần khẳng định thương hiệu tại căn nhà nhỏ trên đường Y Ngông (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Lần lữa mãi mới đây tôi quyết tâm “mục sở thị” cơ sở sản xuất này. Tôi như lạc vào thế giới sắc màu của các dân tộc thiểu số Việt Nam qua các sản phẩm lưu niệm bởi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ. Thợ của chị cũng thật đặc biệt, hơn phân nửa trong số ấy là người khuyết tật. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng đã tìm đến nhau với một mục đích là tự kiếm sống và trở thành có ích cho xã hội bằng lao động chính đáng của bản thân. Trần Viết Hoàng (20 tuổi) nhà ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) khiếm thính được xem là người “tài hoa” nhất trong nhóm. May mắn hơn các bạn, Hoàng được học qua khóa cắt, may đồ vets nên khá thuận lợi khi trở thành thợ may các mặt hàng lưu niệm. Khác chăng, những mặt hàng lưu niệm đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo, mà công việc này lại khá phù hợp với các bạn khuyết tật. Không tham gia câu chuyện với chúng tôi, nhưng ánh mắt của Hoàng rạng ngời khi nghe tôi hỏi người quản lý về những công đoạn để hoàn chỉnh một sản phẩm.
Không như Hoàng, do một tai nạn bất ngờ, anh Hoàng Đăng Tuấn (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đành gác lại ước mơ trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin sau khi bị xuất huyết não. Căn bệnh quái ác khiến tứ chi của Tuấn co quắp lại, phải mất nhiều năm tập luyện vật lý trị liệu mới thuyên giảm. Không từ bỏ ước mơ, Tuấn nộp hồ sơ học hệ trung cấp ngành công nghệ thông tin tại Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột. Với tấm bằng nghề trong tay, nhưng Tuấn không đủ tự tin để xin việc làm vì tự thấy không đủ sức khỏe. Hằng ngày, Tuấn bó mình trong căn nhà nhỏ, phụ giúp bố mẹ làm những công việc vặt vãnh. Nhiều lúc buồn, Tuấn nghĩ phải bỏ nhà đi thật xa để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ! Mới đây, tình cờ qua người quen, Tuấn được giới thiệu đến học việc tại cơ sở sản xuất mặt hàng thổ cẩm lưu niệm Phương Thu. Nhìn Tuấn trong ngày đầu tới xin việc, với đôi tay không cầm nổi đôi đũa không ít người tỏ ra ái ngại. Như một người chị gái, một người mẹ, chị Thu đã ân cần động viên Tuấn vượt qua sự tự ti, mặc cảm. Sau hơn 3 tháng học việc, Tuấn đã có thể làm được vài công đoạn của một số sản phẩm và có thu nhập gần 1,5 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ cho phí ăn, ở). Tuấn thổ lộ: “Gần 10 năm bị tai biến, mọi thứ đều phải trông nhờ vào ba mẹ. Nhiều lúc muốn xin mẹ ít tiền để uống cà phê nhưng hình ảnh ba đứng giang nắng chờ từng người khách gọi đi xe ôm em không nỡ ngửa tay xin tiền. Giờ đây, cầm số tiền làm ra bằng chính sức lao động của mình, em vui lắm. Vui nhất là có thêm những người bạn để chia sẻ cảm thông, để yêu thương nhau hơn”.
![]() |
Được làm việc, người khuyết tật có thêm thu nhập và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Trong ảnh: Giờ làm việc tại cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu. |
Cho đi là nhận lại - Cho đi là còn mãi
Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh trăn trở, một tỷ lệ lớn học sinh sau khi rời trường không tìm được việc làm bởi sự tự ti, mặc cảm về khuyết tật bản thân và thiếu sự hỗ trợ trên con đường mưu sinh. Bản thân các em không tự tìm việc làm, còn cha mẹ thiếu thông tin về thị trường lao động.
Nhiều bậc cha mẹ không muốn con thiệt thòi hơn nên cố giữ ở nhà, không muốn con rời khỏi vòng tay của mình. Và rào cản lớn nhất chính là những đơn vị sử dụng lao động ái ngại khi tuyển dụng người khuyết tật. Cũng không thể trách họ bởi áp lực cơ chế thị trường đang đè nặng lên vai.
Dành trọn tâm huyết cho lao động khuyết tật, chị Trần Thị Phương Thu, chủ cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu chia sẻ: “Ưu điểm lớn nhất của các em là rất ngoan, cần cù, chịu khó, tuy nhiên kỹ năng lao động và trình độ văn hóa chưa cao. Mỗi em một tính cách, cũng giống như một bản hợp xướng đòi hỏi phải có người nhạc trưởng chỉ huy. Tuyển các em khuyết tật vào làm không chỉ dạy nghề mà còn phải bảo ban các em nhiều kỹ năng khác nữa. Chỉ có tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ mới gắn bó các em lâu dài với công việc. Cũng chính vì vậy mà nhiều cơ sở sản xuất rất ngại nhận lao động khuyết tật bởi phải mất nhiều thời gian “cầm tay chỉ việc”, mất thời gian hỗ trợ và quan trọng là khó tạo được không gian thân thiện để các em có môi trường giao tiếp”. Một vài chủ cơ sở sản xuất đồ lưu niệm cho rằng: diễn biến tâm sinh lý và đời sống tình cảm của trẻ khuyết tật khá phức tạp, bản thân mình thì quá bận bịu với việc kinh doanh nên không có đủ thời gian để “sống” cùng các em, do đó đã không giữ chân các em lâu dài. Việc đào tạo người khuyết tật trở thành một thợ lành nghề mất rất nhiều thời gian, công sức, do đó tốt hơn hết là không tuyển lao động khuyết tật. Nói như vậy không có nghĩa “cánh cửa” việc làm với người yếu thế hiện tại quá hẹp. Thực tế đã chứng minh, nếu được bảo trợ đúng cách và tạo điều kiện phù hợp, người khuyết tật có thể tự tin hòa nhập cuộc sống bình thường. Bằng chứng là không chỉ ở cơ sở Phương Thu mà rất nhiều người khuyết tật đã tự kiếm sống và trở thành có ích cho xã hội bằng lao động chính đáng của bản thân.
Chỉ ghé thăm cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu trong một thời gian ngắn nhưng tôi cảm nhận được tình yêu thương lan tỏa trong từng sản phẩm, trong không gian làm việc, khi nhìn các em trò chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ rất riêng. Tôi chợt ngộ ra một điều: chỉ có tình yêu mới khiến người ta gắn bó với công việc, với nhau lâu bền đến thế. Và dường như tôi cũng đã yêu, trân trọng các sản phẩm do các em làm ra bởi đó là kết tinh của một tình cảm dành cho người khuyết tật, đúng như tâm nguyện của chủ cơ sở sản xuất hàng lưu niệm Phương Thu: “Cho đi là nhận lại - Cho đi là còn mãi”.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc