Người bí thư chi bộ nhiệt tình gắn bó với nhà nông
Trên cương vị Bí thư Chi bộ, ông Ngô Nhân cùng với Chi ủy đã thống nhất các hoạt động của Chi bộ, làm tốt công tác tư tưởng chính trị, tạo sự gắn kết hài hòa giữa công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với nhiệm vụ chính trị của Chi bộ. Ông cũng luôn tích cực góp phần xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh, quan tâm đến các tổ chức đoàn thể cũng như việc phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trẻ trong đơn vị và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ viên chức. Ông cũng luôn thẳng thắn đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công tác, sinh hoạt; tích cực hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” bằng những việc làm cụ thể, phát huy tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo trong đơn vị. Với cương vị là Phó giám đốc Trung tâm, ông luôn xây dựng mối quan hệ tốt với các cấp quản lý và cán bộ công chức trong cơ quan, củng cố khối đoàn kết nội bộ, giám sát kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tài sản trong cơ quan. Bên cạnh việc chủ động triển khai, thường xuyên nắm bắt tình hình để có sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công việc tại các đơn vị cơ sở, ông còn dành nhiều thời gian tra cứu tài liệu, tham gia các hoạt động giảng dạy, tham luận, hội thảo, viết bài cho tạp chí và trang thông tin điện tử của cơ quan nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Tổ chức các hội thảo đầu bờ, đầu chuồng là một trong những hoạt động hiệu quả hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong ảnh: Hội thảo đầu bờ giống ngô lai LVN 66 tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak). Ảnh: T.L |
Bận rộn với công việc của một nhà quản lý là vậy nhưng người thạc sĩ nông nghiệp này vẫn luôn trăn trở về việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế địa phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân tăng năng suất, lợi nhuận trên cơ sở chi phí bỏ ra thấp nhất. Trong tình hình khó khăn về kinh tế của cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng, kinh phí cấp cho hoạt động khuyến nông chăn nuôi còn hạn chế, ông xác định cần phải có những hoạt động phù hợp với sản xuất, với yêu cầu ngày càng cao của xã hội về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Ông đã trực tiếp tham gia các chương trình khuyến nông và đã có những giải pháp sáng tạo trong chỉ đạo và thực hiện, thể hiện sự nhạy bén, linh động và hợp lý như các chương trình: cải tạo đàn bò bằng bò đực Zêbu, phát triển đồng cỏ chăn nuôi, chương trình mục tiêu bò cái luân chuyển, chương trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh… Ông cũng tích cực tham gia giảng bài tại các lớp tập huấn và đào tạo nghề chăn nuôi heo, bò cho nông dân và các đoàn thể chính trị khác trong tỉnh. Các chương trình đã đáp ứng được yêu cầu của đông đảo người chăn nuôi; từ đó đã góp phần dần hình thành những vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa như: tập trung phát triển bò lai hướng thịt chất lượng cao (tại các huyện Ea Kar, Cư M’gar…), chương trình phát triển đồng cỏ (thôn 7, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông có trên 80% số hộ đã phát triển trồng cỏ chăn nuôi bò và cá), định hướng phát triển làng nghề chăn nuôi thỏ tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột)…
Với những đóng góp của mình, ông Ngô Nhân nhiều năm liền là lao động xuất sắc và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Và với ông, phần thưởng cao quý hơn cả là được sự tin tưởng, yêu mến của bà con nông dân từ những chương trình, dự án khuyến nông đạt hiệu quả cao mà ông góp phần thực hiện thành công.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc