Multimedia Đọc Báo in

Nhận thức của cộng đồng quyết định vấn đề an toàn thực phẩm

15:07, 11/05/2014

Thanh, kiểm tra là một trong những hoạt động chính của Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm nay nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về VSATTP trên địa bàn. Bác sĩ Y KIM LY NIÊ - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế đã chia sẻ với Báo Dak Lak đôi nét về hoạt động này.

Bác sĩ Y Kim Ly Niê (người thứ 2 từ phải sang) kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Bác sĩ Y Kim Ly Niê (người thứ 2 từ phải sang) kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

* Thưa ông, công tác thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay được thực hiện như thế nào?

Thực hiện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh, trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay (diễn ra từ 15-4 đến 15-5), tuyến tỉnh đã thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thực hiện công tác thanh, kiểm tra ATTP tại tất cả các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh. Các đoàn đã ra quân kiểm tra từ cuối tháng 4 vừa qua với đối tượng hướng đến là cơ sở chế biến thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, khách sạn nhà hàng và một số cơ sở sản xuất cà phê bột, nước uống đóng chai. Trong quá trình thanh, kiểm tra những cơ sở có vi phạm quy định về ATTP đều được các đoàn lập biên bản xử lý theo quy định; những sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng đều bị tịch thu, tiêu hủy.

So với những năm trước, mức xử phạt năm nay có gì mới không, thưa ông?

Mức xử phạt năm nay được thực hiện theo Nghị định 178 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP”, cao hơn nhiều so với trước (trước đây việc xử phạt về ATTP được thực hiện theo Nghị định 91 ngày 8-11-2012 của Chính phủ). Cụ thể, theo Nghị định 178 mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng (đối với cá nhân) và 200 triệu đồng (đối với tổ chức). Ngoài ra, các vi phạm hành chính về ATTP có tính chất nghiêm trọng như: sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh để sản xuất, chế biến thực phẩm…, mức tiền phạt được tính bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân và tương ứng là 7 lần đối với tổ chức vi phạm.

* Mặc dù công tác thanh, kiểm tra vẫn được ngành chức năng triển khai thường xuyên và đột xuất, nhưng tình hình vi phạm VSATTP trên địa bàn vẫn còn phổ biến. Vậy, ông có cho rằng các chế tài, xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm VSATTP diễn ra phổ biến như hiện nay, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này do nhiều cơ quan ban hành nên dẫn đến sự chồng chéo, thiếu đồng bộ. Hơn nữa, lĩnh vực VSATTP do nhiều ngành tham gia quản lý, trong khi đó trách nhiệm của từng ngành lại không rõ ràng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn chọn mua và sử dụng thực phẩm trôi nổi, rẻ tiền, không rõ nguồn gốc nên vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn có đất sống. Vì vậy, nếu nói rằng với mức xử phạt đang áp dụng hiện nay chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm, thì chưa chính xác. Trên thực tế, để thay đổi nhận thức và hành vi của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp. Theo tôi, để tạo được hiệu quả thực sự, ngoài việc xử phạt hành chính cần phải có thêm những chế tài khác bổ trợ, chẳng hạn như cương quyết đóng cửa, đình chỉ sản xuất; công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và tẩy chay sản phẩm, thực phẩm bẩn; thậm chí, với những cơ sở cố tình vi phạm hoặc tái phạm, có thể áp dụng  biện pháp tăng nặng hơn là rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa vĩnh viễn hoặc đình chỉ lưu thông sản phẩm thực phẩm của cơ sở trên thị trường…

* Để giảm dần số lượng cơ sở vi phạm VSATTP, theo ông đâu là mấu chốt?

Nhận thức của cộng đồng quyết định vấn đề ATTP. Do vậy, việc tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn vẫn là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu. Nói như vậy có nghĩa là muốn giảm dần số cơ sở vi phạm VSATTP trước hết phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về VSATTP cho người dân cũng như ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kế đến mới là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những vi phạm về VSATTP. Phải nói rằng, VSATTP là lĩnh vực phức tạp nên các biện pháp bảo đảm ATTP cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, chứ không riêng gì Tháng hành động vì chất lượng VSATTP. Do đó, để bảo đảm chất lượng VSATTP, các cấp, ngành và toàn thể người dân phải cùng quan tâm, thực hiện tốt các quy định về ATTP. Có như vậy, công tác quản lý chất lượng VSATTP mới từng bước được chặt chẽ hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc