Multimedia Đọc Báo in

Buôn M'Riu khởi sắc nhờ kết nghĩa

14:27, 11/06/2014

So với những năm trước, giờ đây đời sống của bà con buôn M’Riu (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) như được khoác lên mình tấm áo mới.

Đồng hành với những đổi thay đó có sự đóng góp của đơn vị kết nghĩa - Công ty Điện lực Dak Lak. 10 năm kết nghĩa chưa hẳn đã là nhiều, cũng không phải là quá xa để nhìn lại những ân tình gắn bó giữa bà con trong buôn  với Công ty.

Trưởng buôn Y M’Lý Krông phấn khởi dẫn chúng tôi đi trên những con đường trải nhựa phẳng lì, có không ít ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát, nhiều hộ đã thoát nghèo, sắm được ti vi, xe máy và nhiều nông cụ sản xuất hiện đại. Ông kể: từ cái màn để ngủ, chiếc loa truyền thanh, điện thắp sáng cho lũ trẻ trong buôn học bài đến chuyện làm ăn của bà con đều có đơn vị kết nghĩa cùng với chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ.

Nhờ được tặng bò kịp thời, nhiều hộ đã có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ được tặng bò kịp thời, nhiều hộ đã có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.

Toàn buôn M’Riu có 220 hộ, với 1.063 khẩu, trong đó gần 100% là đồng bào DTTS tại chỗ, sống bằng nghề nông, nhưng do ruộng nương không nhiều, đất lại cằn cỗi nên cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, vất vả... Bằng những việc làm cụ thể, kịp thời, đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ bà con bò giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tặng màn, loa phóng thanh, cấp phát báo, mua sắm trang thiết bị và sửa chữa hệ thống điện sinh hoạt; hỗ trợ xây dựng cổng chào buôn văn hóa…Trong đó phải kể đến là việc tặng bò giống luân chuyển cho các hộ để giúp họ tạo vốn làm ăn ban đầu, như hộ amí Dzách năm 2012 được nhận bò mẹ về nuôi, đến nay đã sinh được một con bê, bò mẹ thì đã chuyển sang cho hộ khác còn con bê giờ thật sự đã là vốn liếng của riêng amí rồi. Amí kể, những ngày tháng bò giống mang thai rồi đẻ ra bê con, amí mừng đến… rơi nước mắt. Con bê trong chuồng giờ vẫn ngày ngày được amí và các con chăm sóc cẩn thận, sắp tới amí sẽ dành dụm mua thêm bò về nuôi để phát triển kinh tế. Tương tự, giữa lúc đang loay hoay nghĩ cách làm ăn, tìm kiếm nguồn thu nhập cho gia đình thì một cơ may đến với chị H’Lam Niê (chồng mất sớm để lại 8 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, đất sản xuất ít, gánh nặng cơm áo đè nặng trên vai), năm 2013 chị nhận được một con bò giống về nuôi. Không giấu nổi niềm vui, chị nói: “Có lẽ đây là bước ngoặt lớn, mở ra hướng đi mới cho gia đình tôi”.

Mô hình tặng bò giống luân chuyển được Công ty Điện lực Dak Lak triển khai tại buôn kết nghĩa giờ đây đang phát huy hiệu quả. Theo đó, khi bò giống được nuôi tại hộ gia đình đẻ ra lứa đầu tiên thì hộ đó được giữ lại bê con nuôi, còn bò giống thì chuyển cho hộ khó khăn khác.  Từ 8 con bò giống ban đầu (trị  giá gần 70 triệu đồng) được đơn vị trao tặng cho các hộ nghèo trong buôn, đến nay đã có cả thảy 11 con bò, bê, tức đã có 11 hộ được hưởng lợi từ chương trình này…, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong buôn xuống còn 43 hộ, giảm 61 hộ so với đầu năm 2004.

10 năm kết nghĩa chưa nhiều, nhưng điều đọng lại trong lòng bà con là tình cảm gắn bó, đoàn kết với Công ty ngày một phát triển không ngừng. Ông Hồ Minh Đức- Phó Giám đốc Công ty tâm sự: Thay vì hỗ trợ tiền của, Công ty muốn hướng đến những việc làm thiết thực, tạo đà, hướng dẫn bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế theo mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò... Hướng tới, đơn vị sẽ chú trọng hơn nữa việc nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất theo lối truyền thống của bà con, nhất là đối với những hộ nghèo...

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.