Multimedia Đọc Báo in

Day dứt những nỗi đau từ bạo lực gia đình (Kỳ I)

15:09, 09/06/2014

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng nghìn vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình; trong đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm đến hơn 75%.

Không chỉ bị hành hạ, đánh đập về thể xác, nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình còn bị bạo hành về tinh thần, tình dục, kinh tế. Mặc dù trong những năm qua, các cơ quan chức năng, đoàn thể đã triển khai một số hoạt động phòng chống bạo lực gia đình song hiệu quả của những hoạt động này vẫn còn khiêm tốn… 

Kỳ I: Đắng lòng chuyện những phụ nữ bị chồng bạo hành

“Thân em như hạt mưa sa/Hạt vào đài các, hạt ra ruộng lầy” – những tưởng câu ca dao xưa không còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay lại vẫn được nhiều chị em xót xa than thở mỗi khi bị chồng bạo hành cả về thể xác và tinh thần...

Ngày cô gái tên N.T.T.V. tìm đến văn phòng Hội Phụ nữ phường Thành Công (TP.Buôn Ma Thuột) cầu cứu, chị Kiều Thị Hoa, Chủ tịch Hội đã bật khóc khi nhìn khuôn mặt sưng húp và thân hình bầm tím của cô gái. V. làm nghề buôn bán còn chồng lái xe. Anh chồng tính hay ghen tuông, cứ nghi ngờ vợ là lại “thượng căng chân, hạ cẳng tay”, bao nhiêu năm lấy chồng là từng ấy năm V. liên tục chịu đựng những trận đòn roi nhiều khi rất vô cớ của chồng. Người chồng toàn đánh vào những “chỗ hiểm” của vợ, lấy đầu gối thúc vào mặt vợ, đấm đá vợ không thương tiếc khiến cả người V. chẳng chỗ nào là không bị thương tích. Chị Hoa kể: Hội Phụ nữ phường cho V. tạm lánh ở văn phòng rồi sau đó tìm nhà thuê cho V. ở. Thế nhưng anh chồng vẫn tìm đến tận nhà thuê để đánh. Chịu đựng như vậy song V. và chồng dùng dằng mãi vẫn không ly hôn được bởi những rắc rối về mặt thủ tục.
Thông qua những buổi sinh hoạt, chị em phụ nữ có dịp bày tỏ, chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm trong chăm lo, xây dựng gia đình.  Ảnh: Nguyễn Xuân
Thông qua những buổi sinh hoạt, chị em phụ nữ có dịp bày tỏ, chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm trong chăm lo, xây dựng gia đình. Ảnh: Nguyễn Xuân

Có trường hợp như chị H.T.M. làm nghề cắt uốn tóc, mỗi lần chồng đi qua không thấy vợ ở tiệm là suy diễn vợ đi ngoại tình và lấy cớ đó đánh đập vợ dã man, mỗi lần đánh là bóp cổ vợ đến tím tái mặt mày. Chị M. xin ly hôn song chồng không ký đơn, còn dọa tiếp tục đánh khiến mẹ con chị phải đi thuê nhà chỗ khác ở để trốn tránh đòn roi.

Chuyện trôi qua đã hai năm nhưng chị Trần Thị Phong, Trưởng Ban chính sách luật pháp (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) vẫn nhớ như in cái ngày chị nhận được điện thoại cầu cứu của một phụ nữ từ xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar). Không thể tưởng tượng được rằng P.T.Th. - tên của người phụ nữ trẻ, có giọng nói rất dễ nghe ấy đã phải chịu đựng sự bạo hành từ chồng khủng khiếp đến như thế. Chồng Th. có kiểu hành hạ vợ rất quái đản: mỗi khi “gần gũi” vợ, anh ta lại bày ra đủ trò và bắt vợ phải tuân theo, thậm chí có lần anh ta còn dùng ngón chân và gậy để ... thọc vào “chỗ kín” của vợ! Bởi vậy mỗi lần phải “quan hệ” với chồng là Th. lạnh người và thấy không khác gì tra tấn, nhục hình. Chưa hết, mỗi khi nhà có khách, anh ta bắt vợ phải quỳ suốt buổi cho đến khi kết thúc bữa ăn. Chị Phong vẫn còn rùng mình khi nhớ lại câu chuyện: “Với trường hợp này, chúng tôi tư vấn ly hôn luôn chứ không hòa giải nữa, bởi sự chịu đựng của người vợ là quá sức tưởng tượng”.

Pháp luật cũng đã ghi nhận không ít vụ án phụ nữ bị chồng bạo hành, trong đó có trường hợp tử vong. Dù sống với nhau đã có đến 3 mặt con song Y Wơng Niê ở buôn M’Jam, xã Ea Trang (huyện M’Drak) vẫn thường xuyên rượu chè khiến vợ là chị H’Ben Byă phiền lòng. Năm 2011, một lần đi uống rượu về khuya, Y Wơng mở máy hát karaoke, chị H’Ben nhắc nhở vì sợ ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm song anh chồng không nghe mà vẫn tiếp tục hát. Hai vợ chồng xảy ra cãi nhau, Y Wơng xuống bếp lấy dao rựa lên ném mạnh vào đầu chị H’Ben khiến chị chấn thương sọ não và tử vong. Hành động côn đồ của người chồng Y Wơng đã bị TAND tỉnh xử phạt 18 năm tù. Trong năm 2012, TAND tỉnh cũng xét xử một vụ án bạo lực gia đình, trong đó người chồng bị tuyên phạt 13 năm tù giam vì tội giết người. Kết hôn với nhau từ năm 1996 và đã có hai con, đến năm 2010, Phạm Thắng Cảnh (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) và chị N.T.T  ly hôn. Tháng 7-2012, sau một lần đi nhậu về, Cảnh tìm đến nhà chị T. để xin đưa con về nhà mình chơi nhưng không được chị đồng ý. Hai người cãi nhau, Cảnh đã rút một con dao nhọn giấu trong túi áo đâm vào lưng vợ cũ, khi chị T. bỏ chạy kêu cứu, người chồng vũ phu vẫn nắm áo chị kéo lại đâm liên tiếp vào lưng vào ngực chị. Chị T. được đưa đi cấp cứu với đa chấn thương thấu ngực hai bên, thủng quai động mạch chủ ngực, tràn máu màng phổi, tổn hại 60% sức khỏe. Mới đây nhất, vào tháng 1-2014, người dân buôn Ea Rông B, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) bàng hoàng chứng kiến một người vợ bị thiêu chết sau khi cãi nhau với chồng bởi chồng đi nhậu về.

(Còn nữa)

Hồng Thủy – Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.