Day dứt những nỗi đau từ bạo lực gia đình (Kỳ III)
Kỳ cuối: Bạo lực: Không là chuyện riêng của mỗi gia đình
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình đã được xã hội chú ý nhiều hơn. Các cơ quan chức năng, các hội đoàn thể cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, để ngăn chặn được vấn nạn này, có lẽ cần những giải pháp quyết liệt hơn…
“Nở rộ” những mô hình, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình
Đến nay, toàn tỉnh đã có 8/15 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện về phòng, chống bạo lực gia đình và 73/184 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình cấp xã. Bên cạnh các hoạt động truyền thông, vận động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và hậu quả của các hành vi bạo lực gia đình đến người dân, trong thời gian qua một số giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã có 49/184 xã, phường, thị trấn có Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, với 191 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 472 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 416 tổ tư vấn về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình đã phát huy hiệu quả bước đầu trong tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin và tổ chức các biện pháp can thiệp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm đã phát hiện trên 500 vụ việc bạo lực gia đình và tổ chức can thiệp, hòa giải kịp thời. Trong giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình, tùy theo tính chất vụ việc mà các cơ quan chức năng tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, giáo dục tại xã, phường, xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Các cơ quan chức năng còn tổ chức tư vấn tâm lý, pháp luật cho các nạn nhân, chuyển các nạn nhân đến các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe hoặc hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
Tuyên truyền về bình đẳng giới cũng là một trong những biện pháp để phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cũng như lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động các văn bản luật như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em... tới các hội viên phụ nữ. Các cấp Hội Phụ nữ còn vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 4 chuẩn mực”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có bạo lực”... thu hút đông đảo chị em tham gia. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ tỉnh còn tiếp nhận đơn thư, tư vấn pháp luật cho chị em về các vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong các gia đình; xây dựng 51 mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” nhằm tiếp nhận các nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình, qua đó phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức can thiệp, ngăn chặn kịp thời hành vi của đối tượng gây ra bạo lực gia đình, giúp các nạn nhân được an toàn sau khi về lại gia đình.
Cần thêm những giải pháp thiết thực hơn
Mặc dù đã được quan tâm triển khai song các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn; công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tình trạng phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi về thể xác, tinh thần, bạo hành tình dục, kinh tế vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích và ý nghĩa của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thậm chí còn cho rằng đó là “chuyện riêng của mỗi gia đình” nên chưa quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Sự phối hợp giữa các cấp ngành trong công tác này cũng chưa chặt chẽ. Chị Trần Thị Phong, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) cho biết: “Rất nhiều trường hợp bạo lực gia đình mà hội phụ nữ các cấp nhờ đến sự phối hợp giải quyết, can thiệp từ phía các cơ quan chức năng như công an, tòa án… song không có phản hồi lại nên chúng tôi cũng không rõ là vụ việc đã được giải quyết hay chưa hoặc giải quyết theo cách nào”.
Từ những tồn tại, vướng mắc như vậy, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình thực sự hiệu quả, rõ ràng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt cần chú trọng đến các giải pháp phòng, ngừa chứ không chỉ dừng lại ở việc giải quyết hậu quả như hiện nay; quan tâm phát hiện và giải quyết kịp thời cả các hình thức bạo lực khác như bạo hành về tình dục, tinh thần, kinh tế. Để làm được như vậy, theo các chị em làm công tác hội cho rằng, cần đẩy mạnh và làm mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động; đặc biệt cần hướng tới làm thay đổi nhận thức của đối tượng nam giới – chủ thể chủ yếu gây ra hành vi bạo lực trong rất nhiều vụ việc, chứ không chỉ hướng đến phụ nữ. Bên cạnh đó, các cấp ngành cần phối hợp vận động chính những gia đình đã và đang xảy ra tình trạng bạo lực tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ như “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”… nhằm góp phần cải thiện tình trạng tại chính những gia đình đó. Chị Kiều Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) thẳng thắn: “Hiện nay, tham gia sinh hoạt tại các mô hình câu lạc bộ như trên toàn là các gia đình văn hóa, mẫu mực và hạnh phúc, trong khi mục đích cần hướng tới của các mô hình này chính là giáo dục, nâng cao nhận thức và góp phần cải thiện tình trạng của chính những đối tượng gia đình chưa hoàn thiện, chưa hạnh phúc và đang còn bạo lực”. Song song với đó, cần xử lý nghiêm khắc các đối tượng gây ra bạo lực gia đình đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về các chế tài của Luật đối với các hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; tiếp tục triển khai có hiệu quả các Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.
Theo chương trình kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn thành lập Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 40% số thôn, buôn, tổ dân phố thành lập Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, có đường dây nóng và mạng lưới địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; 100% cơ sở y tế công lập được xác định là cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Hy vọng với nhiều nỗ lực, chung sức lên tiếng lên án với những hành vi bạo lực gia đình, hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với mỗi gia đình…
Hồng Thủy – Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc