Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn và nhân lên những giá trị văn hóa gia đình

17:02, 04/07/2014

Hội thi Gia đình hạnh phúc cấp tỉnh lần thứ III - năm 2014 khép lại trong đong đầy yêu thương, cảm thông, chia sẻ không chỉ riêng 12 gia đình văn hóa tiêu biểu được tuyển chọn qua vòng thi cấp cơ sở mà còn dành cho tất cả những ai tham dự…

Bởi chúng mình yêu nhau!

Cả Ban giám khảo và khán giả khá ấn tượng với phần thi tự giới thiệu của gia đình anh chị Hà Văn Khoa - Nguyễn Thị Hân (số báo danh 04) đến từ buôn Ea Krái (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng). Chưa đầy 3 phút, cậu con trai lớn Hà Duy Lãm, 13 tuổi (học lớp 7, Trường THCS Ama Trang Lơng) đã giới thiệu đầy đủ tên, tuổi, nghề nghiệp của 4 thành viên trong gia đình. Không chỉ vậy, em còn khéo léo giới thiệu một vài thành tích đáng nể trong học tập của hai anh em và kết quả công tác của bố mẹ trong những năm gần đây. Lãm tự hào: hè năm nay, em vinh dự là một trong 3 đại biểu tiêu biểu của tỉnh tham gia Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên cấp toàn quốc tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 6. Không chỉ được viếng lăng Bác, em còn được lên Điện Biên - vùng đất đã từng làm nên chiến thắng lẫy lừng; cậu em trai học lớp 1 cũng không kém anh, năm học vừa qua đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh Olympic Toán trên Internet. Ấn tượng về gia đình anh chị Khoa - Hân còn bởi trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Chị Hân thổ lộ: “Mình là người Kinh, còn anh là dân tộc Thái. Thương anh nhà nghèo, sớm mồ côi cha mẹ, từ Bắc vào đây lập nghiệp. Vậy là chúng tôi nên duyên chồng vợ”. Ngày chị Hân quyết định đến với anh Khoa, không ít lời “bàn ra, tán vào” bởi bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán nhưng tình yêu đã giúp họ vượt qua tất cả. Giờ đây, có ai trêu đùa khi thấy vợ mặc đồ truyền thống của dân tộc mình, anh Khoa dí dỏm: Cô ấy trở thành người Thái rồi!

Ban tổ chức tặng Cờ lưu niệm và hoa cho các gia đình tham gia Hội thi.
Ban tổ chức tặng Cờ lưu niệm và hoa cho các gia đình tham gia Hội thi.

Chị Hân chân thành cho biết: “Làm dâu, làm vợ chẳng dễ chút nào, bởi người Thái rất kín kẽ, nền nếp. Đơn giản như việc trải chiếu ăn cơm, hay trải chiếu ngủ cũng có những quy định riêng, nếu không quan sát dễ làm phật lòng nhà chồng. Trải chiếu ăn cơm phải trải từ trong ra ngoài để không quay lưng về phía bàn thờ tổ tiên, nếu không muốn bị đánh giá thiếu tôn trọng ông bà. Khi trải chiếu cho bố, mẹ ngủ tuyệt đối không được đặt chân lên chỗ để gối. Người Thái cũng rất chú ý đến việc chải tóc, nếu trong mâm cơm có vương sợi tóc điều đó chứng tỏ người phụ nữ không chỉn chu, sạch sẽ”…Với anh Khoa, làm rể người Kinh cũng khó không kém. Nếu như anh em bên phía vợ  không bằng lòng điều gì thì nói thẳng ra, còn với người Thái thì giữ kín trong lòng, chỉ khi nào câu chuyện nguôi ngoai thì mới thổ lộ cùng nhau. Những khác biệt trong ứng xử giữa hai dân tộc nhiều khi khiến anh, chị “dở khóc, dở cười”. Hiểu, tôn trọng nét văn hóa riêng nên anh Khoa và chị Hân nhanh chóng vượt qua những rào cản trên, sớm hòa hợp với gia đình nội, ngoại.

Phần thi của một gia đình trong Hội thi
Phần thi của một gia đình trong Hội thi

Sinh con một bề vẫn hạnh phúc

Là cặp vợ chồng lao động ở nông thôn, anh Hoắc Công Vằng - số báo danh 09 (xã Ea Sin, huyện Krông Buk) ý thức việc không sinh con thứ 3 là một quyết định đúng đắn của bản thân, gia đình để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho các con và thực hiện tốt chính sách dân số của Nhà nước. Anh Vằng tâm sự: “Vợ chồng tôi chịu không ít áp lực từ hai bên gia đình nội ngoại và bạn bè khi sinh con một bề. Tuy nhiên, sau này khi nhìn vào hạnh phúc của gia đình tôi mọi người đều nói: vợ chồng có phước, có con gái như vậy, mười đứa con trai cũng không bằng. Còn về phía gia đình, thỉnh thoảng lại nhắc: “Sao không đẻ nữa để kiếm con trai?”. Song khi thấy hai cháu gái học giỏi, nên không còn đốc thúc hai vợ chồng kiếm thằng cu nữa”. Thương vợ bị sức ép từ nhiều phía, anh Vằng động viên: “Con cái là vốn quý của cuộc đời. Trời cho con nào thì nuôi con nấy! Gia đình có nếp có tẻ chưa chắc hạnh phúc; có hai con trai không hẳn đã hơn mình. Quan trọng là kinh tế ổn định để nuôi dạy con cái tốt hơn”.

Không quá nặng nề chuyện sinh con trai, dẫu sinh hai con gái, cuộc sống gia đình anh chị vẫn luôn hòa thuận, hạnh phúc. Anh Vằng chia sẻ: sau khi sinh cô con gái út được vài năm, vợ mắc chứng trầm cảm. Một mặt đưa vợ đi điều trị chuyên khoa, mặt khác ân cần, quan tâm, chăm sóc, nhờ vậy chị nhà đã nhanh chóng khỏi bệnh.

Gia đình hạnh phúc là khát khao, mong mỏi và là đích mà mọi người hướng tới. Trên con đường xây dựng hạnh phúc, các gia đình không ít lần đối mặt với “chông gai” nhưng bằng tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ họ đã vượt qua để đi đến bến bờ hạnh phúc.

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.