Hành trình đỏ Cư Kuin: Tiếp tục sứ mệnh tình nguyện viên tại địa phương
Hành trình đỏ (HTĐ) 2013 đã đi qua, để lại những dấu ấn đặc biệt trong phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, phải kể đến những tình nguyện viên không quản ngại gian khó, vất vả trong việc vận động mọi người hưởng ứng phong trào HMTN tại địa phương mình sinh sống như tại Cư Kuin.
Hướng tới những chuyến HTĐ xuyên Việt
Mong muốn được yêu thương và chia sẻ với bệnh nhân Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), thầy giáo Hoàng Đình Trung, Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin) đã cùng các tình nguyện viên trong nhóm HTĐ tại huyện đến các cơ quan, đơn vị, trường học âm thầm vận động mọi người tham gia phong trào HMTN. Thalassemia là bệnh thiếu máu do hội chứng tan máu, phải được truyền máu thường xuyên và định kỳ. Chính vì thế, cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân Thalassemia phụ thuộc vào những đơn vị máu của người tình nguyện. Anh Trung chia sẻ: qua mỗi hoạt động, mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân Thalassemia, nhất là các em nhỏ, lại thôi thúc bản thân anh phải cống hiến nhiều hơn nữa với phong trào HMTN. Để thay đổi nhận thức của mọi người về HMTN, anh và các thành viên trong nhóm HTĐ Dak Lak nói chung, Cư Kuin nói riêng đã bằng mọi hình thức tuyên truyền, vận động cho mọi người hiểu rõ về tầm quan trọng của những giọt máu hồng và căn bệnh Thalassemia. Riêng bản thân anh đã hơn 10 lần trực tiếp tham gia hiến máu và vận động mọi người tham gia HMTN vào ngân hàng máu sống của Dak Lak.
Nhóm HTĐ Dak Lak tổ chức Chương trình em vẽ ước mơ lần 2 và tặng quà cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Anh Trung cũng là người có đóng góp rất lớn đối với sự ra đời của HTĐ tại huyện Cư Kuin vào tháng 10-2013. Lúc đầu số lượng tình nguyện viên chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay nhờ sức lan tỏa của phong trào HMTN và các hoạt động của nhóm trên địa bàn huyện đã thu hút hàng trăm tình nguyện viên tham gia. Từ ngày thành lập đến nay, nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ để ủng hộ bệnh nhân Thalassemia như bán hoa trong dịp 20-10, 8-3, bán sách báo, khăn choàng; vận động học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên tham gia HMTN, giờ trái đất… Qua đó, tích lũy được nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động thăm và tặng quà cho các bệnh nhi Thalassemia đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và tại địa phương. Anh Trung bộc bạch, qua mỗi hành trình, món quà mà nhóm mang đến cho bệnh nhân Thalassemia đôi khi chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chẳng hạn những chiếc chong chóng, những lời động viên, chia sẻ hay những viên kẹo nhỏ, nhưng cũng đủ đem lại nụ cười rạng rỡ cho các em và trở thành niềm hạnh phúc đối với các tình nguyện viên.
Với những nỗ lực vì bệnh nhân Thalassemia, vì phong trào HMTN, năm nay thầy giáo Hoàng Đình Trung vinh dự là 1 trong 120 tình nguyện viên của cả nước tham gia chiến dịch vận động HMTN xuyên Việt, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 7-2014 tại 38 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam.
Trăn trở với những mảnh đời
Theo chân nhóm HTĐ Cư Kuin đến với các gia đình có con em, người thân bị Thalassemia, tôi mới thấy hết được những khó khăn, vất vả và cả những đớn đau mà bệnh nhân Thalassemia đang phải gánh chịu. Đa số những gia đình có con em bị bệnh Thalassemia đều không biết gì nhiều về căn bệnh này, thậm chí đến lúc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới phát hiện được. Vì lẽ đó, nhóm HTĐ tại Cư Kuin đã quyết tâm hành động để mọi người hiểu biết rõ về căn bệnh này, và hơn hết để họ có cách nhìn sẻ chia với những người mang bệnh.
Niềm hạnh phúc được sẻ chia những giọt máu hồng |
Đến thăm gia đình em Lương Thị Quỳnh Anh (sinh năm 2009) ở thôn 6, xã Ea Hu, hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp đầu tiên là khuôn mặt của Quỳnh Anh với nước da xanh, nhợt nhạt, người ốm yếu. 5 tuổi bé Quỳnh Anh bị căn bệnh đeo bám, gia đình hết sức khó khăn, chỉ có hơn 1 sào ruộng, chị Hoàng Thị Nam (mẹ Quỳnh Anh) phải đi làm thuê tận Bình Dương. Mấy năm qua, bản thân em và bố mẹ đã phải vật lộn với bệnh tật trong nghèo túng. Do vậy, việc chữa trị của em không được thường xuyên. Được biết cứ 2 tháng 1 lần Quỳnh Anh phải vào TP.Hồ Chí Minh để truyền máu; chi phí cho mỗi chuyến đi ít nhất cũng mất 2 đến 3 triệu đồng - đó là một khoản tiền không hề nhỏ đối với gia đình em. Đến với gia đình em Đàm Văn Đạt (sinh năm 2009) ở thôn 5, xã Cư Êwi, cuộc sống của 5 con người trong gia đình chỉ dựa vào khoản tiền làm thuê của bố mẹ Đạt. Cuộc sống vốn đã khó khăn, càng trở nên túng quẫn hơn khi chi phí điều trị của em lớn hơn khoản tiền làm thuê do bố mẹ làm ra. Trong khi đó, trường hợp của em Hoàng Văn Tuân, thôn 4, xã Cư Êwi cũng rất cám cảnh: Nhà Tuân có 4 anh chị em, Tuân là em út trong nhà, 3 anh chị của Tuân đã mất, nghi do mắc bệnh Thalassemia. Để có tiền chữa trị cho em, bố mẹ đành phải gửi Tuân nhờ người em trai chăm sóc.
Anh Trần Văn Hậu, thôn 1, xã Cư Êwi chia sẻ: tuy mới gia nhập nhóm HTĐ tại địa phương được 4 tháng, nhưng qua những chuyến thực tế, anh cảm thấy chung quanh mình còn nhiều mảnh đời, nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Những mảnh đời ấy khiến anh và những tình nguyện viên trong nhóm HTĐ trăn trở, day dứt, và tự nhủ phải ra sức hoàn thành sứ mệnh của mình tại địa phương.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc