Multimedia Đọc Báo in

Những người "giúp việc" cho người đã khuất

08:55, 05/07/2014

Bên trong nghĩa trang lạnh lẽo, hàng chục năm nay vẫn có những người phụ nữ lầm lũi mưu sinh bằng nghề lau mộ thuê - một công việc vất vả, tưởng như tầm thường nhưng mang đầy ý nghĩa nhân văn với người đã khuất. Thế nhưng đã mấy ai biết thấu hiểu, cảm thông với họ…

Nghề chăm sóc mộ phần

Ở Nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột,  hàng chục năm nay đã có rất nhiều phụ nữ làm nghề lau mộ thuê, hiện nay có khoảng 30 chị. Mỗi người nhận chăm sóc từ 80-100 ngôi mộ, với tiền công từ khoảng 30 - 50 ngàn/ tháng/ngôi mộ, tiền công có thể trả đầu năm, giữa năm hoặc cuối năm tùy theo thỏa thuận, bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 2,5-3,5 triệu đồng.

Là người có thâm niên lâu nhất trong nghề, chị T.T.B (61 tuổi, ở Phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã có 24 năm gắn bó với nghề. Công việc của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng, với đồ nghề là một chiếc khăn, xô nước, can đựng nước và một cái chổi, chị bắt đầu đến từng ngôi mộ tỉ mẩn quét dọn, dùng khăn lau từ trên ban thờ cho đến dưới chân mộ cho đến khi ngôi mộ sạch bóng chị mới chuyển sang ngôi mộ khác. Chị phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối mịt mới lau dọn xong  80 ngôi mộ đã hợp đồng với thân nhân người đã khuất. Chị cho biết:  Những ngôi mộ mà chị nhận hợp đồng thỉnh thoảng mới có thân nhân của người đã khuất đến thăm viếng, nhưng cũng không phải vì thế mà lau dọn qua loa, đối phó, bởi việc làm sạch mộ cho người đã khuất xuất phát từ tâm, ý thức tự giác và trách nhiệm với nghề của mình là chính. Không chỉ lau mộ, đối với những mộ phần có thân nhân ở xa không có dịp lên thăm thường xuyên, chị còn được họ tin tưởng nhờ mua hoa, trái cây, thắp hương giùm những ngày giỗ chạp, mùng một hay ngày rằm hàng tháng... Cũng đôi khi, chị bị một số người quỵt tiền hoặc tìm đủ lý do để né tránh, trì hoãn việc trả tiền. Song với cái tâm của người làm nghề, chị cũng chẳng bận tâm, so đo vì dù sao những người như vậy cũng rất ít, còn phần đông đều chân thành và sòng phẳng về tiền bạc với chị, cũng là tỏ lòng thành tâm với người đã khuất. Đến bây giờ, chị B. có thể nhớ vanh vách tên từng người đã khuất, quê quán, năm sinh, ngày mất của từng mộ phần. Hỏi chị ở nghĩa trang một mình có sợ không? Chị tếu táo: “Sợ gì chú! Đã mấy chục năm chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa cho các cụ nên các cụ thương và phù hộ cho, chứ ai lại nỡ trêu mình”.

Chị N.T.A đang  lau dọn mộ phần.
Chị N.T.A đang lau dọn mộ phần.

Cách khu mộ chị B. “phụ trách” khoảng 200 mét, chị N.T.A (54 tuổi) cũng đang cật lực lau dọn những phần mộ mà mình đã nhận khoán. Chỉ kể:  Năm 1999, khi không có nghề nghiệp ổn định, chị theo việc phụ hồ cho cánh thợ xây dựng mộ tại nghĩa trang .  Đến năm 2005, do sức khỏe yếu, không kham nổi việc vác gạch trộn hồ nên đội trưởng đội xây dựng đã đứng ra nhận việc chăm nom mộ từ thân nhân người đã khuất để tạo việc làm cho chị. Từ đó đến nay, chị là người “giúp việc” cho gần trăm ngôi mộ. “ Cái nghề này đã giúp tôi nuôi ba đứa con ăn học nên người. Con cái chúng nó khuyên tôi bỏ nghề mà nghỉ ngơi, nhưng tôi không từ bỏ, bởi đã quen với không gian yên tĩnh nơi đây”- chị tâm sự.

Người đời liệu đã cảm thông

Dù cực nhọc mưu sinh, kiếm đồng tiền chính đáng bằng mồ hôi công sức của mình nhưng những người làm nghề này vẫn phải đối diện với không ít sự kỳ thị. Cũng vì lý do này mà các chị đã đề nghị tôi không nêu tên thật trong bài viết này.  Chị N.T.T (54 tuổi ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã có 14 năm làm công việc này và cũng chừng ấy cái Tết, chị không dám đi xông đất sớm cho gia đình nào. Bởi họ quan niệm những người làm ở nghĩa trang mà năm mới đến xông nhà thường mang đến những điều chẳng lành trong năm mới. “Nghĩ mà tủi cho thân phận mình, nghề nào cũng kiếm tiền mưu sinh. Nhưng cũng phải chấp nhận làm vậy không lỡ không may gia đình họ gặp chuyện gì chẳng lành lại đổ lỗi do mình, thì khổ thân.”- chị T. ngậm ngùi. Còn với chị B. đến giờ vẫn chưa hết day dứt về chuyện đã xảy đến với gia đình mình cách đây 4 năm. Đó là vào buổi chiều ngày cuối năm, con gái của chị dẫn bạn trai về nhà giới thiệu, một anh chàng đẹp trai, nghề nghiệp đàng hoàng. Lúc đó, chị đang bận bịu với công việc lau dọn ở ngoài nghĩa trang. Bởi dịp giáp Tết, là lúc những người thân tập trung đến viếng người đã khuất, nên chị phải làm việc cật lực, ngày không xong, tối phải chong đèn để lau đảm bảo đến sáng hôm sau phải thật sạch sẽ, tinh tươm. Đến gần nửa đêm, chị mới lục đục thu dọn đồ đạc về nhà. Khi biết chuyện chị làm việc lau mộ thuê ở nghĩa trang, bạn trai của con gái chị tỏ ra không hài lòng, từ đó không thấy đến nhà nữa. Gặng hỏi con gái, chị mới biết hai đứa đã chia tay vì bạn trai của nó cho rằng: con gái chị nói dối, trước khi quen nói là mẹ ở nhà làm nội trợ, sau này lại nói là lau mộ ở nghĩa trang. “Cũng chẳng biết lý do thực chất chúng nó bỏ nhau là gì, nhưng với tôi thì đó là do công việc mình đang làm mà dẫn đến tình yêu của hai đứa tan vỡ.”- Vừa kể chị vừa đưa tay lau vội nước mắt.

 Ông Võ Thanh Tịnh - Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng & Quản lý Nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, những người lau mộ thuê ở đây không nằm trong biên chế của đơn vị, họ chỉ hợp đồng trực tiếp với thân nhân những người đã khuất với giá cả thỏa thuận. Tuy vậy, họ thực hiện nghiêm túc các quy định của đơn vị, làm việc trách nhiệm và chuyên nghiệp, góp phần làm sạch, đẹp cho nghĩa trang.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc