Multimedia Đọc Báo in

"Tiếng kẻng an ninh" ở xã Ea Ô: Mang lại bình yên cho cuộc sống người dân

16:19, 14/07/2014

Gần 3 năm nay, “Tiếng kẻng an ninh” đã trở thành âm thanh quen thuộc với người dân xã Ea Ô. Tiếng kẻng không chỉ là hiệu lệnh báo thức, báo giờ học tập, báo yên mà khi có vụ việc phức tạp xảy ra nó còn là hiệu lệnh huy động lực lượng ứng cứu… Với những hoạt động hiệu quả ấy, “Tiếng kẻng an ninh” ở xã Ea Ô được xem là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn huyện Ea Kar.

Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự tại xã Ea Ô khá phức tạp, thường xuyên xảy ra trộm cắp, gây rối nơi công cộng và được xem là điểm nóng về an ninh trật tự. Từ thực tế này, cuối năm 2011, Đảng ủy, chính quyền xã Ea Ô đã ra Nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận phối hợp với công an xã và các đoàn thể xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại 21 thôn của xã. Theo ông Lương Mạnh Toán, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ea Ô, “Tiếng kẻng an ninh” ở mỗi thôn do chi bộ đảng lãnh đạo, Ban tự quản thôn quản lý, Ban công tác mặt trận cùng các đoàn thể của thôn có trách nhiệm vận động mọi người dân tham gia. Mỗi “Tiếng kẻng an ninh” đều hoạt động theo quy định thống nhất các hiệu lệnh kẻng trong ngày: kẻng báo thức (3 hồi dài) lúc 5 giờ sáng để nhân dân thức dậy tập thể dục nâng cao sức khỏe cộng đồng; kẻng khuyến học (một hồi 3 tiếng) lúc 19 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần trong năm học báo cho học sinh đến giờ học bài và nhắc nhở các gia đình vặn nhỏ âm thanh ti vi, không sinh hoạt ồn ào ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ nhỏ; kẻng báo yên (2 hồi dài) lúc 22 giờ hằng đêm báo hiệu giờ nghỉ ngơi của nhân dân, mọi gia đình kiểm tra lại chốt cửa, tài sản trước khi đi ngủ, các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống tại các hàng quán, nơi tụ tập đông người phải ngừng hoạt động để tránh gây mất trật tự khu dân cư, đồng thời là thời điểm để tổ an ninh tự quản của thôn tổ chức tuần tra, kiểm soát; kẻng báo động (3 hồi, mỗi hồi 3 tiếng dồn dập, liên tục) chỉ sử dụng khi có trộm cắp, đánh nhau gây mất trật tự, hoặc có cháy nổ xảy ra cần huy động mọi người tham gia cứu giúp, giải quyết. Gần 3 năm đi vào hoạt động, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì người giữ kẻng, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận, UBND và công an, kịp thời đưa ra giải pháp, có hình thức động viên người giữ kẻng nên mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã được duy trì và mang lại những hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Nguyễn Doãn Kính, thôn trưởng thôn 10 (xã Ea Ô) gõ hiệu lệnh kẻng báo thức.
Ông Nguyễn Doãn Kính, thôn trưởng thôn 10 (xã Ea Ô) gõ hiệu lệnh kẻng báo thức.

Có thể nói, với “Tiếng kẻng an ninh”, góp phần giúp cho mỗi người dân, mỗi gia đình ở Ea Ô ý thức được rằng việc chấp hành nghiêm các quy định của địa phương chính là tự bảo vệ bản thân mình, sinh hoạt của từng gia đình cũng đi vào nền nếp, từ đó sống có trách nhiệm với cộng đồng dân cư. Bà Nguyễn Thị Tuyết,  người dân thôn 10 của xã chia sẻ: “Đối với gia đình tôi tiếng kẻng rất có hiệu quả, đặc biệt nó tạo cho mọi người lối sống có giờ giấc. Hằng ngày, khi kẻng khuyến học nhắc nhở, trẻ nhỏ tự giác học bài hay khi kẻng báo yên thì mọi người dừng hoạt động giành thời gian nghỉ ngơi bảo đảm sức khỏe và khi nghe tiếng kẻng báo động thì dù có bận đến đâu, những người lớn trong nhà cũng tập trung ra nơi xảy ra vụ việc để tham gia giải quyết cùng chính quyền và bà con lối xóm”. Còn với gia đình anh Nguyễn Thanh Hải, cũng trú tại thôn 10 thì tiếng kẻng đã trở thành một âm thanh quen thuộc và cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày. Anh Hải bộc bạch: “Trước đây khi mới nghe tiếng kẻng, gia đình tôi thấy chưa quen, thậm chí còn thấy khó chịu bởi những âm thanh chói tai ấy. Thế nhưng, đến bây giờ, tiếng kẻng không chỉ giúp gia đình tôi sinh hoạt nề nếp hơn mà còn tạo cho lớp thanh niên chúng tôi những thói quen tốt. Chẳng hạn, trước kia tôi và bạn bè tụ tập vui chơi thường ít để ý đến giờ giấc. Nhưng từ khi trong thôn có tiếng kẻng, mỗi lần bạn bè gặp gỡ, tổ chức nhậu dù có vui đến mấy thì lúc kẻng nhắc nhở mọi người đều giải tán ai về nhà nấy, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn”.

Rõ ràng, không thể phủ nhận vai trò của tiếng kẻng đã góp phần đưa sinh hoạt của người dân đi vào nề nếp, hướng tới xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Song một hiệu quả khác không kém phần quan trọng mà tiếng kẻng mang lại chính là việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn khu dân cư. Ông Bùi Trọng Lực, Trưởng công an xã Ea Ô phấn khởi cho biết: “Gần 3 năm qua, sau tiếng kẻng báo yên, lực lượng công an xã đều tổ chức tuần tra, kiểm soát. Kết quả đã phòng ngừa, ngăn chặn trên 20 vụ đánh nhau gây rối tại các đám cưới, giải tán nhiều đám đông thanh niên tụ tập chơi khuya, tuần tra phát hiện thu giữ 11 súng bắn cồn, 4 súng kíp, 76 hung khí nguy hiểm, bắt và xử lý 4 vụ trộm chó… Tuy nhiên, thành công lớn nhất của mô hình “Tiếng kẻng an ninh” chính là ý thức tự giác trong phòng chống tội phạm của người dân địa phương được nâng cao. Từ khi có mô hình này đến nay, người dân đã cung cấp cho công an xã nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an bắt 5 vụ đánh bạc nhỏ, điều tra làm rõ 7 vụ trộm cắp tài sản, thu trả cho nhân dân 5 xe mô tô, 2 xe đạp, 5 điện thoại di động, 3 máy bơm nước với tổng trị giá tài sản trên 70 triệu đồng. Đặc biệt, trật tự xã hội trên địa bàn ngày càng ổn định, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, uống rượu khuya, đi xe rồ ga, lạng lách đánh võng, mang theo hung khí đánh nhau gây rối đã giảm mạnh; nạn trộm cắp tài sản, trộm chó, trộm cà phê trong mùa thu hoạch không còn xảy ra…”

Quả thực, “Tiếng kẻng an ninh” giờ đã trở nên gắn bó, thân thuộc với người dân xã Ea Ô và chính âm thanh ấy đã góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Bài 2: Giúp người nghèo an cư lạc nghiệp
Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Đắk Lắk đã và đang vận động xây nhà ở tặng người nghèo, thực hiện các chương trình hỗ trợ, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất giúp họ an cư để “tạo đà” lập nghiệp.