Multimedia Đọc Báo in

Vẽ Tổ quốc bằng trái tim

08:05, 03/07/2014

34 bức tranh tham dự triển lãm với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim em” (diễn ra từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8-2014 tại Bảo tàng tỉnh) do các em học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thực hiện đã đưa đến cho người xem một cái nhìn sinh động về cuộc sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu của những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh gác biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Chưa một lần đặt chân đến Hoàng Sa, Trường Sa, song khi thưởng lãm những bức tranh này, người xem đều có chung nhận xét: Dường như biển đảo thân yêu của Tổ quốc lúc nào cũng thường trực trong tâm thức của các em. Với các em, Trường Sa, Hoàng Sa thật gần gũi, thân thương. Điều đó được thể hiện qua những nét vẽ sinh động mà các em hình dung về cuộc sống sinh hoạt, lao động chiến đấu của các chiến sĩ hải quân cũng như những ngư dân đang bám biển, cùng kề vai sát cánh góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.  Bức tranh “Canh giữ quần đảo quê hương” của em Trần Thị Quỳnh Mai (Lớp 3A, Trường Tiểu học Quốc tế) miêu tả công việc thường ngày của người lính hải quân qua hình ảnh những chiến sĩ trẻ đang chắc tay súng đứng canh giữ cột mốc chủ quyền biên giới Tổ quốc. Nguyễn Thị Hoài Linh (Lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm) thì hình dung cuộc sống sinh hoạt thường nhật của những cán bộ, chiến sĩ hải quân cũng gần gũi, thân quen hằng ngày như ở đất liền, như cho cá ăn, tưới rau... Dưới “lăng kính”, góc nhìn trong sáng của tuổi thơ, biển đảo thân yêu Tổ quốc còn hiện ra với một vẻ đẹp tuyệt vời, lung linh, huyền ảo trong đêm qua bức tranh “Đêm Trường Sa” của Nguyễn Thanh Ngân (Lớp 4A,Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân)…

Bức tranh
Bức tranh "Canh giữ quần đảo quê hương" của em Trần Thị Quỳnh Mai (lớp 3A, Trường Tiểu học Quốc tế).

Với Chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim em”, xuyên  suốt cuộc triển lãm là những bức tranh thể hiện tình cảm thiết tha, tấm lòng biết ơn vô bờ bến của tuổi thơ Dak Lak dành cho những người lính hải quân-những chiến sĩ anh dũng, kiên trung đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, canh giữ bờ cõi để cho các em thơ có cuộc sống yên bình, được học tập, vui chơi. Bức tranh “Chúng cháu yêu chú hải quân” của Nguyễn Ngọc Gia Phước (Lớp 4A, Trường Tiểu học Quốc tế), hay “Trường Sa thân yêu” của Hoàng Uyên (Lớp 4D, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã nói lên tâm tình ấy qua hình ảnh các cháu thiếu nhi đang quây quần vui chơi trong vòng tay của những người lính biển. Tình yêu với người lính biển còn được em Trịnh Tấn Hoàng (Lớp 1A1 Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn) và Lê Thị Tường Vi (Lớp 4A Trường Tiểu học Quốc tế) thể hiện qua bức tranh “Chúng em ra thăm đảo Hoàng Sa” và “Mong một lần đến thăm đảo”, với niềm khao khát, mong muốn cháy bỏng được một lần đến với đảo xa thăm các chú hải quân, nghe các chú kể chuyện giữ gìn biển trời của Tổ quốc. Riêng em Nguyễn Kim Hiếu (Lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Văn Tám), với  tác phẩm “Hướng về Tổ quốc nơi đầu sóng” đã thay lời, chuyển tải thông điệp sâu sắc đến với những chiến sĩ hải quân: Triệu triệu con tim của đồng bào cả nước đang hướng về Trường Sa, Hoàng Sa; sẵn sàng kề vai sát cánh, sẻ chia với những người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Xem những bức ảnh được các em chăm chút, thổi hồn qua từng nét cọ, được vẽ nên bằng nhịp đập của trái tim, người xem có cảm nhận: Có thể trong tâm trí tuổi thơ, các em chưa nhận thức được đầy đủ thế nào là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, những họa sĩ nhí cũng chưa đủ “trình độ” dùng ngôn ngữ hội họa thay cho ngôn từ để diễn đạt hết được tình yêu, lòng tự hào của dân tộc đối với biển đảo quê hương, song có một điều mà mọi người có thể cảm nhận được là qua những bức ảnh, tình yêu quê hương, ý thức về chủ quyền biên giới đất nước đang ngày ngày được gìn giữ, bồi đắp, hun đúc ngay từ trong thế hệ mầm non, những chủ nhân tương lai của đất nước. Dòng cảm tưởng được anh Nguyễn Xuân Thủy lưu lại trong sổ cảm nhận về triển lãm: “Những bức tranh về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa được các cháu thiếu nhi khắc họa rất phong phú, sinh động, chân thật, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước thật lớn lao trong trái tim các em”.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.