Multimedia Đọc Báo in

Những căn nhà ấm tình nghĩa tri ân

09:34, 06/08/2014
Sinh năm 1944 tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông Lê Huy Sâm tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Nam rồi bị thương tại vùng vai.
 
Sau khi xuất ngũ, ông trở về quê hương, đến năm 1988 ông đưa gia đình vào Dak Lak sinh sống, lập nghiệp. Trong nhiều năm qua, do tuổi cao, sức yếu, lại bị thương tật, thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương hưu của ông và mấy chục gốc tiêu trong vườn nên gia đình ông không có điều kiện để xây dựng lại nhà cửa. Niềm vui đến với gia đình ông khi được Nhà nước hỗ trợ 55 triệu đồng để xây nhà theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Trong căn nhà tại thôn 2, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin vừa mới khánh thành vào trung tuần tháng 7 vừa qua, ông bày tỏ niềm xúc động: “Hai vợ chồng tôi tuổi đã cao, cứ nghĩ rằng mình sẽ ở trong căn nhà tạm bợ đến cuối đời. Nhờ có Nhà nước hỗ trợ, sự giúp đỡ, đóng góp của bà con xóm giềng, dòng họ mà nay gia đình tôi đã có căn nhà mới khang trang, yên tâm an hưởng tuổi già…”.
 
Cũng nhận được sự hỗ trợ xây nhà theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, ông Đinh Xuân Hạnh (thôn 6, xã Ea Bhôk) vừa khánh thành ngôi nhà mới vào tháng 4 năm nay. Là thương binh hạng 3, trước đây sống một mình trong căn nhà cũ dột nát, sức khỏe giảm sút, đau ốm liên miên nên thu nhập cả năm từ vườn cây, ao cá quanh nhà cũng chỉ đủ để ông trang trải cho cuộc sống thường ngày và chi phí thuốc men. Cứ ngỡ ước mơ về một căn nhà mới sẽ khó thành hiện thực, nhưng niềm vui bất ngờ đến với ông khi được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà mới trên nền đất cũ. Ông tâm sự: “Mình đau ốm suốt, phải nằm viện liên tục nên kinh tế cũng khá eo hẹp. May nhờ có Nhà nước hỗ trợ, địa phương tạo điều kiện, cùng với sự giúp đỡ của bà con xóm làng nên đã xây được căn nhà mới trị giá hơn 100 triệu đồng. Giờ đây mình cũng yên tâm hơn, không còn lo phải sống trong cảnh dột nát, ẩm ướt lúc mưa gió nữa…”.
Cán bộ văn hóa xã Ea Bhôk đến thăm gia đình ông Lê Huy Sâm  (bìa trái) trong căn nhà mới xây tại thôn 2, xã Ea Bhôk.
Cán bộ văn hóa xã Ea Bhôk đến thăm gia đình ông Lê Huy Sâm (bìa trái) trong căn nhà mới xây tại thôn 2, xã Ea Bhôk.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cửa tại huyện Cư Kuin theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ; còn rất nhiều trường hợp khác cũng được hỗ trợ như: gia đình bà Nguyễn Thị Điểu, gia đình ông Nguyễn Văn Tuệ (xã Ea Ktur), gia đình bà H’Mhok Êban (xã Ea Bhôk), gia đình ông Ngô Đức Hùng (xã Ea Tiêu)… Có thể nói, trong điều kiện nhiều hộ thuộc diện đối tượng chính sách còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở thì việc thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; là việc làm cụ thể, thiết thực, khơi dậy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; góp phần trực tiếp hỗ trợ các gia đình chính sách xóa nhà dột nát, ổn định cuộc sống và an sinh xã hội.

Để làm tốt công tác hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công trên địa bàn, quy trình xét duyệt đối tượng hỗ trợ được huyện Cư Kuin tiến hành chặt chẽ, công khai, dân chủ từ thôn, xóm đến xã, huyện; bảo đảm đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng cần được thụ hưởng. Hộ gia đình được hỗ trợ phải có đủ hai điều kiện: phải là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận và đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây).

Ông Trần Minh Thông, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin cho biết: “Thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ tại huyện Cư Kuin, đối với trường hợp xây dựng nhà mới, mỗi hộ được hỗ trợ 55 triệu đồng (trong đó ngân sách của Trung ương: 38 triệu đồng, ngân sách của tỉnh: 6 triệu đồng, ngân sách huyện: 3 triệu đồng/hộ, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện: 3 triệu đồng, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã: 5 triệu đồng); đối với trường hợp sửa chữa nhà, mỗi hộ được hỗ trợ 24 triệu đồng (trong đó ngân sách Trung ương: 19 triệu đồng, ngân sách tỉnh: 1 triệu đồng, ngân sách huyện: 1 triệu đồng, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện: 1 triệu đồng, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã: 2 triệu đồng). Một điểm khác so với các nơi khác là huyện Cư Kuin đã huy động thêm Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã để hỗ trợ cho mỗi gia đình có thêm điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Đến nay, trên địa bàn huyện có 43 hộ đã tiến hành xây mới, sửa chữa nhà hoàn thiện; 12 hộ đang triển khai thực hiện (đã tiến hành tháo dỡ) và có 4 hộ do hoàn cảnh gia đình chưa bảo đảm được nguồn vốn đối ứng nên đề nghị chuyển sang năm 2015 sẽ triển khai xây dựng… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi thì một khó khăn trong việc thực hiện đó là việc “rót vốn” từ ngân sách Trung ương còn chậm, mới chỉ có kinh phí của tỉnh, huyện, xã hỗ trợ nên nhiều gia đình vì tạm ứng trước vật tư, tiền thuê nhân công để làm nhà hiện nay vẫn chưa trả nợ được. Rất mong Trung ương sớm giải ngân nguồn vốn để các đối tượng được thụ hưởng yên tâm, sớm ổn định cuộc sống trong căn nhà mới xây…”.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.