Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh "hưu" nhưng không nghỉ

21:45, 02/08/2014

Dũng cảm trong chiến đấu, nhiệt tình với công việc, giờ đã ở tuổi được nghỉ ngơi nhưng các bác vẫn hăng say lao động tìm niềm vui từ những công việc giản dị. Đó là những quân nhân hưu trí ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột.

Thượng úy bán... cháo lòng

Xin ai đó đừng vội cười hoặc nghĩ khác khi nhìn thấy hình ảnh ấy! Được gặp gỡ và nghe sẻ chia của bác Vũ Hoài An, từng công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh càng thêm khâm phục sự cần mẫn, chịu khó của người cựu chiến binh này.

Bác An vui vẻ phục vụ khách.
Bác An vui vẻ phục vụ khách.

Quán cháo lòng của bác An nằm trên con đường Nguyễn Viết Xuân, thu hút mỗi ngày từ 200 - 300 lượt khách. Vị chủ quán tuổi đã ngoài 70 nhưng vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Mỗi sáng, lượng khách vào ra khá đông nhưng phong cách phục vụ của vợ chồng bác An rất chuyên nghiệp, cởi mở. Thêm vào đó quán ăn lại sạch sẽ, thức ăn ngon, giá bán bình dân 15 nghìn đồng/tô nên rất được lòng nhiều khách quen. “Hai bác thống nhất là lời ít để còn giữ chân khách, họ ăn uống có hài lòng thì lần sau mới tới nữa”- bác An tâm sự.

Là thương binh tỷ lệ thương tật 21% nhưng bác An vẫn hăng say sản xuất. Ít ai biết, sau khi nghỉ hưu, bác cũng từng làm rẫy, trồng bắp, đậu, nuôi thêm heo, nấu rượu bán... Với kinh nghiệm làm nông sẵn có trong thời gian làm việc ở môi trường quân đội, gần như vụ mùa nào gia đình bác cũng đạt năng suất khá cao. Cho đến khi sức khỏe tuổi già có phần suy giảm, diện tích đất trồng cũng hạn hẹp dần, 2 bác chuyển sang bán cháo lòng. Quán không chỉ giúp gia đình ổn định về kinh tế mà còn mang lại niềm vui tinh thần. Trong đó, cái “được” nhất là con cái của 2 bác được ăn học đầy đủ, sự nghiệp ổn định và đều đã lập gia đình. Bác An bày tỏ niềm xúc động về người sát cánh cùng mình – bác gái Phan Thị Tuyết: “Gia đình bác có được như ngày hôm nay đều nhờ bác gái, từ việc chăm nuôi con cái đến công việc tề gia, nội trợ . Bác chỉ làm phần việc kỹ thuật thôi, còn mọi chi tiêu, tính toán đều do một tay bác gái cả”...

Quán cà phê của vợ chồng già

Đó là một quán nước có không gian khá rộng, nằm ngay mặt đường Mai Hắc Đế do bác Phạm Văn Phùng (64 tuổi) và vợ - bác Nguyễn Thị Gái (56 tuổi) làm chủ. Ngày ngày, khách tới quán vẫn nhìn thấy hai vợ chồng già thay phiên nhau phục vụ thực khách mà ít ai biết, vị mặc chiếc áo màu xanh ấy là cựu quân nhân, từng công tác tại Trung đoàn 575, Quân khu 5. Từ khi nghỉ hưu, hai bác quyết định gom vốn, mở quán cà phê để “được” bận rộn, lại có thêm đồng ra đồng vào. Hôm chúng tôi đến thăm, đang trò chuyện sôi nổi thì bác Phùng nhắc nhỏ bác Gái đừng kể lể điều gì để xin sự quan tâm, giúp đỡ của các ban ngành. “Không sao đâu, chúng tôi có được cuộc sống như hôm nay là mang ơn Đảng và Nhà nước nhiều rồi!”- bác Gái cười hiền giải thích.

Vốn là bệnh binh có tỷ lệ thương tật 71%, lại tuổi già sức yếu nhưng bác Phùng vẫn bưng bê nước nôi phục vụ khách. Mỗi lần trở trời, vết thương xưa lại hành hạ, nhưng khi khỏe khoắn lại, bác tiếp tục công việc thường ngày, bởi với bác được làm việc, lao động mới thực sự là thư giãn. Bác Phùng cho hay: “Tuổi già, có thêm việc cho đỡ buồn, chứ ngồi không rồi sinh ra chán nản, mỏi mệt. Này nhé, bác vừa trông quán, vừa có thể trông được các cháu cho con cái, một công đôi việc tuy bận bịu nhưng lại vui khỏe”.

Hai bác mở quán ngay mặt đường, có nhiều ưu thế về mặt bằng nhưng bán với giá bình dân cho tất cả các loại thức uống. Thêm vào đó, sự xởi lởi gần gũi của hai bác khiến người uống dễ cảm nhận không gian nhẹ nhàng, ấm áp. Bác Gái chân thành: “Trước khi mở quán, các bác cũng từng là khách hàng và bị chặt chém giá trên trời rồi, vì thế mà giờ mình phải bán giá cả phải chăng cháu ạ. Lời một ít cho vui, nhưng cái lâu dài là thu hút được khách quen, họ quý mình họ mới tới uống”. Thu nhập từ bán quán được các bác chia từng phần, vừa để lo cho tuổi già, vừa mua gói quà tặng các cháu nội, ngoại…

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Cũng giống như nhiều đồng đội của mình, bác Nguyễn Phú Phong, ở đường Phan Phu Tiên từng làm công tác quản lý ở nhiều đơn vị khác nhau trong quân đội. Sau khi nghỉ hưu, bác Phong xin làm bảo vệ ở một cơ quan Nhà nước, tranh thủ thời gian nhàn rỗi còn lại, bác cùng vợ con tiếp tục làm kinh tế gia đình. Bác cười hiền: “Bác vẫn còn sức khỏe mà giờ ngồi không thấy lãng phí và buồn lắm. Vốn làm việc quen chân quen tay rồi nên dù nghỉ hưu, bác vẫn muốn được làm việc”. Sau mỗi giờ làm, bác Phong cùng vợ là bác Trần Thị Tâm, cựu giáo viên Trường Tiểu học Tô Hiệu còn nuôi thêm đàn heo, đàn gà và trồng thêm nhiều rau củ, cây ăn quả quanh khu vườn. Mỗi chiều, hai bác lại đi bưng nước rác ở các nhà quanh xóm cho đàn heo, từ khi biết nhà bác Phong nuôi heo hầu như gia đình nào cũng “để dành” nước rác, chứ không còn đổ vứt như trước kia nữa… “Thỉnh thoảng, nhà bác mổ con heo, con gà rồi mời hàng xóm tới cùng ăn cũng thấy vui lắm!”- bác Tâm hồ hởi cho biết. Nhờ sự cần mẫn, chăm chỉ ấy của hai bác nên dù ở ngay giữa TP. Buôn Ma Thuột mà khu vườn luôn có một vài loại vật nuôi có thể cung cấp thực phẩm bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, khu vườn chôm chôm nhà bác cũng đang mùa rực đỏ, quện với mùi thơm ngọt của na chín trên cành. Đáng nói là chẳng bao giờ hai bác mang trái cây ra chợ bán. Bác Phong nhẹ nhàng: “Tình cái nghĩa mới quý, bán cả vườn cây chẳng được bao nhiêu nhưng để đó mang biếu nhà hàng xóm, con cháu, họ hàng thì lại được thật là nhiều tình cảm, nhận được sự quan tâm của nhau mọi lúc”… Không quá ngạc nhiên khi thấy gần như cả khu xóm bác Phong đều đồng quan điểm sống. Họ chia sẻ tình làng nghĩa xóm từ những hành động nhỏ như biếu trái cây hay mời nhau ly rượu…

Bác Phong cùng vợ chăm sóc đàn heo.
Bác Phong cùng vợ chăm sóc đàn heo.

Vậy đó, nếu trong chiến tranh, các bác là những chiến binh dũng cảm, can trường thì về với cuộc sống ở tuổi hưu trí, các bác vẫn hăng say lao động, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Thêm tuổi già, nghĩa là cuộc sống và cả sức khỏe gặp nhiều khó khăn hơn trước, nhưng, họ vẫn yêu đời, yêu người và tìm thấy niềm vui từ chính những công việc mỗi ngày.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.