Multimedia Đọc Báo in

Xin đừng làm mẹ khóc!

16:10, 08/08/2014

Có thể chúng ta không bình đẳng về tiền tài, danh vọng nhưng chúng ta đều có chung một bình đẳng, đó là người mẹ - người luôn dành trọn tình mẫu tử thiêng liêng cho con mình. Vì vậy, xin hãy sống thật xứng đáng với những gì mẹ trao tặng.

“Chúng tôi chưa xứng đáng được nêu gương...”

Đó là câu nói nghẹn ngào của bác T. (TP. Buôn Ma Thuột) khi chúng tôi đến định tìm hiểu về gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Vợ chồng bác là cán bộ hưu trí, bác trai đã đầu tư thành công mấy héc-ta cà phê, còn bác gái mở cửa hàng ăn thu hút rất đông khách. Ở tuổi nghỉ ngơi, hai bác đã xây dựng được nhiều thứ: kinh tế khá giả, tình làng nghĩa xóm vẹn toàn, được nhiều người thương yêu, quý mến. Thừa hưởng tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, 3 cô con gái học hành thành đạt, hiện giờ đã lập gia đình, có công việc ổn định và khá vững vàng về kinh tế. Duy nhất cậu con trai, người được gia đình trông chờ, tin tưởng nhiều nhất lại chỉ biết ăn chơi, đua đòi, nhiễm nhiều thói hư tật xấu.

Hôm chúng tôi tìm gặp, bác trai vừa chở một xe củi từ rẫy về, còn bác gái tất bật với công việc buôn bán vì khách ra vào khá đông. Tuy vậy, bác vẫn tranh thủ niềm nở tiếp đón chúng tôi. “Cám ơn cháu đã đến với gia đình nhưng hai bác chưa xứng đáng được nêu gương đâu. Bản thân hai bác là người tốt nhưng mà con cái của bác… chưa tốt thì sao làm gương cho người khác được” - bác gái chân thành. Trò chuyện một lúc tôi mới biết không chỉ chúng tôi mà rất nhiều phóng viên tìm đến với gia đình đều bị bác từ chối. Nhiều lần, phường đề nghị nêu gương làm kinh tế giỏi hay tặng giấy khen cho gia đình bác cũng nhận được câu trả lời tương tự.

  Nụ cười của con và  nỗi nghẹn ngào  của mẹ trong ngày  con yêu nhập ngũ.
Nụ cười của con và nỗi nghẹn ngào của mẹ trong ngày con yêu nhập ngũ.

Suốt cuộc trò chuyện, mắt bác nhòe lệ, giọng nói ngắt quãng, thỉnh thoảng lại buông tiếng thở dài. Căn nhà rộng lớn của hai bác vốn có nhiều vật dụng, tài sản quý nhưng nay đã bị cậu con trai mang hết đến tiệm cầm đồ. Gia đình sắm mấy chiếc xe máy xịn, cậu cũng dửng dưng mang cầm cắm sạch. Vốn đua đòi từ nhỏ, ngày còn học cấp 2, cậu đã tập tọng hút thuốc lá, thuốc lào, rồi nhậu nhẹt; lớn lên chút nữa, cậu chơi bài bạc, lô đề, cá độ… Bao nhiêu khuyên răn, giáo dục của gia đình, nhà trường với cậu đều trở nên thừa. Hai bác càng cần mẫn lao động, khuyên dạy thì cậu con trai lại càng phá phách. Lắm lúc ăn nhậu về, cậu không ngại lên giọng chửi bới bậc sinh thành. Mắt bác gái ướt đẫm: “Hai bác khổ tâm nhiều lắm, không ai muốn con cái mình hư đốn như vậy đâu. Đến giờ, hai bác cũng cạn nước mắt với con rồi!...”.

Đến tuổi lập gia đình, cậu con trai bác cũng có vợ, sinh con nhưng người vợ không thể chịu thấu thói xấu của chồng, đành bế con nhỏ về nhà ở với mẹ đẻ. Đồng cảm cho tình cảnh của con dâu, bác gái chỉ còn biết động viên con nuôi cháu khôn lớn. Tranh thủ lúc ít việc bác ghé thăm con dâu, mang cho cháu nội món quà. Còn riêng cậu con trai, dù hết “thuốc chữa” nhưng bác vẫn bao dung: “Xã hội có quay lưng với nó đi chăng nữa cũng do nó mà ra cả. Vậy nhưng bác vẫn mong con cảm nhận được tình yêu thương mà bố mẹ dành cho để sớm tỉnh ngộ, sống có ích hơn.”

Không ai yêu thương con bằng mẹ

Cùng hoàn cảnh như bác T., vợ chồng bác P. (TP. Buôn Ma Thuột) sinh được 3 chàng trai khôi ngô. Vậy mà càng lớn lên, hai người anh thành công, giỏi giang bao nhiêu thì cậu em út lại tụt hậu bấy nhiêu. 3 anh em cùng nhận sự thương yêu lo lắng của bố mẹ, nhưng chỉ hai anh lớn là niềm tự hào của dòng họ, xóm làng, còn cậu em út lại hư hỏng, phá phách không thương tiếc.

Ban đầu, cậu út chơi bời với nhóm bạn xấu tập tành hút thuốc, chơi đề, ăn nhậu rồi sau đó nghiện luôn các “món” ấy. Để có tiền thỏa mãn cho thú ăn chơi, quậy phá, cậu mang xe đi cắm, lấy sách quý trong nhà đi bán và mượn luôn giấy tờ xe, chứng minh nhân dân… của bạn bè “gửi” thẳng vào tiệm cầm đồ! Vậy là, số tiền bố mẹ tích góp cả một đời để lo cho tuổi già đành phải mang đến trả nợ giùm con. Có hôm, cậu ham chơi game nên quên luôn đường về, điện thoại không liên lạc được khiến cả nhà lo lắng. Đến nửa đêm, người mẹ vẫn không thể chợp mắt, đành thất thểu đi bộ gần 5 km để tìm con. Vốn rất sợ bóng tối nhưng nghĩ về con, người mẹ như quên đi tất cả…

Quá nhiều lần, cậu út làm mất niềm tin của gia đình khiến các anh ghét bỏ, bố cũng thường xuyên cáu gắt, bực bội. Duy chỉ có người mẹ già vừa cố gắng tỏ ra nghiêm nghị nhưng vẫn tận tình khuyên nhủ, động viên con. Bác thường liên hệ với nhà trường, bạn bè tốt của con để chia sẻ, mong tìm sự đồng cảm, giúp đỡ. Bác tâm sự: “Ai sinh con ra cũng mong con khôn lớn, thành đạt, bác cũng vậy! Xót con, tức giận con, nhiều lúc chỉ muốn bỏ con luôn, nhưng đó là nói thôi, chứ không ai làm điều đó cả. Con có hư hỏng, cũng là con của mình…”. Có lẽ, cảm nhận được sự quan tâm, thương yêu hết lòng của gia đình, đặc biệt của mẹ nên cậu con trai thấm dần và đã biết vâng lời mẹ. Mong rằng, sự cố gắng thay đổi ấy của cậu là lâu dài và tích cực, để mẹ già không còn phải rơi những giọt nước mắt khổ đau …

Bác T. và bác P. chỉ là hai trong rất nhiều người mẹ mà chúng ta bắt gặp trong cuộc sống. Hai cậu con trai trên cũng chỉ là hai trong nhiều đứa con lầm đường, lạc lối mà người mẹ mong được cảm hóa, sửa đổi. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nếu không tỉnh táo, ta dễ bị dắt xa nguồn cội. Đã có cảnh con trộm tài sản, đánh mẹ, bắt mẹ già nhịn đói, thậm chí giết mẹ chỉ vì một lý do nào đó. Tuy vậy, cũng còn lắm gia đình hoàn cảnh éo le nhưng người mẹ vẫn một mực yêu thương, chăm lo cho con cái - đó có thể là những mẹ nghèo nuôi con học đại học, mẹ mù nuôi con câm, mẹ bệnh tật chăm một lúc năm sáu người con thơ dại…

Mẹ luôn thế, luôn là một, là người vẫn luôn yêu thương, chở che con đến khi mẹ không còn trên thế gian nữa. Điều mà mẹ mong nhận được duy nhất trong cuộc đời này là thấy con chững chạc, thành tài, mạnh mẽ vượt qua được mọi chông gai trong cuộc sống. Vì vậy, hãy yêu thương, kính trọng mẹ. Hãy để mẹ được khóc, nhưng phải là những giọt nước mắt hạnh phúc, chứ không phải khổ đau!

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.