Giải quyết chính sách cho người có công còn nhiều bất cập
Nhiều bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện chế độ chính sách cho người có công (NCC) trên địa bàn tỉnh (theo Pháp lệnh 04, 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và Nghị định 31 của Chính phủ) được Sở LĐ-TBXH kiến nghị với Đoàn giám sát (Đoàn đại biểu Quốc hội) tại buổi làm việc với UBND tỉnh diễn ra cuối tháng 8-2014.
Không phải cán bộ, đảng viên... khó giải quyết
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 48 nghìn NCC được hưởng chế độ chính sách, trong đó khoảng 13 nghìn người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Song vẫn còn trường hợp NCC chưa được giải quyết chế độ kịp thời, nguyên nhân do văn bản hướng dẫn của Trung ương thiếu thống nhất, vướng thủ tục giải quyết các chế độ khác, các địa phương tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ... Đơn cử Nghị định 31 của Chính phủ quy định: “người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày phải có giấy tờ chứng minh tham gia cách mạng hoặc kháng chiến và thời gian, địa điểm bị tù, đày để giải quyết chế độ”. Nhưng tại Thông tư 05, ngày 15-5-2013 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi NCC và thân nhân quy định phải có bản sao một trong các giấy tờ: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên lập từ ngày 1-1-1995 trở về trước, hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù mới giải quyết chế độ. Với hướng dẫn trên, việc giải quyết chế độ cho đối tượng tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày không phải là cán bộ, đảng viên rất khó. Thực tế có rất nhiều loại giấy tờ chứng minh được quá trình tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày đối với những trường hợp này. Ngoài ra, chế độ trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày chỉ có duy nhất một mức 732.000 đồng/tháng là chưa phù hợp, vì người bị địch bắt tù, đày 1 năm cũng hưởng chế độ bằng người bị địch bắt tù, đày 5 năm, tù Côn Đảo, Phú Quốc...
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Quang Trường thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Chiểu (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột). |
Con chết, bố (mẹ) chưa được hưởng chế độ
Ngoài ra, tại Thông tư liên tịch số 41, ngày 11-8-2013 của liên Bộ LĐ-TBXH, Y tế quy định: “người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) sinh con dị dạng, dị tật thì giới thiệu người con đi giám định mức độ dị dạng, dị tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để có cơ sở giải quyết chế độ cho bố hoặc mẹ, nhưng lại không quy định trường hợp sinh con dị dạng, dị tật nhưng con đã chết hay người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH dẫn đến vô sinh đã hết tuổi lao động (55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam). Do đó, những trường hợp này hiện nay vẫn chưa thể giải quyết chế độ. Theo quy định trước đây, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng hai mức: suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hưởng mức trợ cấp một là 2.540.000 đồng/tháng, suy giảm khả năng lao động 80% trở xuống hưởng mức 2 (1.840.000 đồng/tháng). Trong khi đó, Nghị định 31 của Chính phủ điều chỉnh lại thành 4 mức: suy giảm khả năng lao động từ 21-40% (927.000 đồng); 41-60% (1.540.000 đồng); 61-80% (1.927.000 đồng) và trên 81% trở lên (hơn 2.500.000 đồng). Qua điều chỉnh theo quy định mới, có 80% đối tượng bị giảm chế độ trợ cấp so với mức hưởng trước. “Việc truy thu số tiền chênh lệch do điều chỉnh mức hưởng giữa hai văn bản
là những người có hoàn cảnh khó khăn, mức thu nhập thấp”, ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng có công (Sở LĐ-TBXH) nói.
Khó xác minh khi mất hồ sơ gốc
Từ năm 1989 đến nay, đã có nhiều Nghị định, Thông tư, Quyết định, Văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành được ban hành để giải quyết chế độ cho NCC, nhưng vẫn còn trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được giải quyết chế độ chính sách. Mới đây, Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Thông tư liên tịch 28, góp phần giải quyết tồn tại trên. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Thông tư này gặp nhiều khó khăn, bất cập, có trường hợp chiến đấu và bị thương, hy sinh trong chiến tranh đến nay chưa được công nhận là thương binh, liệt sĩ vì mất giấy tờ gốc. Có người do quá vui mừng khi trở về với quê hương, gia đình nên không quan tâm nhiều đến giấy tờ. Cũng có trường hợp, đơn vị tham gia chiến đấu đã giải thể hoặc không quan tâm lưu giữ các giấy tờ gốc, đến khi lập hồ sơ giải quyết các chế độ, chính sách thì không còn. Những trường hợp này rất khó xác minh, vì hồ sơ xét duyệt bắt buộc phải bảo đảm những yếu tố về pháp lý theo quy định của pháp luật. Do đó, yêu cầu phải có danh sách lưu trữ của đơn vị hoặc giấy tờ, tài liệu lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước ghi nhận là hy sinh, bị thương mới được giải quyết chế độ là chưa phù hợp. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương chết trước ngày 01-7-2013; mua bảo hiểm y tế đối với thân nhân NCC; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; ưu đãi giáo dục đối với học sinh, sinh viên là con NCC và các chế độ liên quan khác chưa rõ ràng, chồng chéo... “Để NCC với cách mạng được thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước kịp thời, đúng quy định, các bộ, ngành trung ương cần phối hợp ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung của Pháp lệnh, Nghị định sát với thực tế, phù hợp từng loại đối tượng, từng giai đoạn lịch sử, góp phần thực hiện tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TBXH kiến nghị.
Tính đến cuối tháng 8-2014, Sở LĐ-TBXH đã giải quyết chế độ, điều chỉnh các mức hưởng cho hơn 22 nghìn đối tượng NCC theo Nghị định 31 của Chính phủ, gồm: giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng cho gần 700 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 54 hồ sơ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; gần 300 thân nhân NNC được hưởng tuất hằng tháng; hơn 3 nghìn hồ sơ liệt sĩ được giải quyết chế độ thờ cúng một lần; hơn 2 nghìn thân nhân NCC được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế; gần 1.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH thuộc diện điều chỉnh lại mức trợ cấp hằng tháng và 12 NCC được điều chỉnh niên hạn hưởng điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe hằng năm.
Nguyên Lý
Ý kiến bạn đọc