Làm gì để xuất khẩu lao động trở thành "kênh" phát triển kinh tế hiệu quả? (Kỳ I)
Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mang về nguồn ngoại tệ dồi dào cho đất nước là những hiệu quả kinh tế không thể phủ nhận của xuất khẩu lao động, đặc biệt là đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn mà nguồn lao động dồi dào như Dak Lak. Tuy nhiên, làm gì để xuất khẩu lao động trở thành “kênh” phát triển kinh tế hiệu quả, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà vẫn còn là một bài toán khó…
Kỳ 1: Triển vọng từ xuất khẩu lao động
Dễ thấy sự đổi thay rõ rệt trong cuộc sống của người dân tại một số địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). XKLĐ đã và đang mang lại triển vọng tạo việc làm với thu nhập cao và cơ hội cải thiện cuộc sống cho người lao động; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương…
Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động
Với quyết tâm vươn lên làm giàu và nhận thấy nhiều gia đình khá giả nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động nên năm 2006, anh Nguyễn Thanh Đông (trú tại buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã đăng ký đi XKLĐ tại Malaysia. Thời gian đầu làm việc tại nước ngoài, anh gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp với người bản xứ và việc tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp. Không nản lòng, anh học hỏi bằng nhiều cách, thông qua bạn bè, tích cực tiếp xúc với quản lý người nước ngoài… Dần dần anh trở nên quen thuộc với môi trường mới, giao tiếp dễ dàng, thành thạo với người bản xứ bằng tiếng Malaysia, thực hiện tốt công việc và là người Việt Nam đầu tiên tại nhà máy được tăng lương sau 3 tháng làm việc. Năm 2011 anh trở về với số vốn kha khá tích góp được sau 5 năm miệt mài, chăm chỉ lao động ở xứ người. Từ đó anh phát triển kinh tế, rồi mua đất, xây nhà với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng; tiến hành mở đại lý xăng dầu Thịnh Hưng… Nhận thấy lợi ích từ việc đi lao động ở nước ngoài, anh cũng đã động viên hai người em trai của mình nối bước sang Malaysia. Không chỉ vậy, với cương vị Trưởng phòng đại diện tuyển lao động đi XKLĐ cho một doanh nghiệp ở Hà Nội, anh đã giúp đỡ khoảng 70-80 người tại địa phương đi XKLĐ.
Lao động vững tay nghề sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu lao động đến các thị trường có thu nhập cao. (Trong ảnh: Đào tạo nghề may tại Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên). Ảnh: Hoàng Gia |
Cũng nhận thấy lợi ích và khả năng nâng cao thu nhập từ việc đi lao động ở nước ngoài, ông Y Nam Êban (ở buôn Ea Kmar, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin) đã động viên hai con của mình là H’Ram Byă (sinh năm 1987) và Y Ta Ly Byă (sinh năm 1991) đi XKLĐ ở Malaysia. Ông Y Nam nói trong niềm tự hào: “Hai đứa con của mình đi lao động ở Malaysia từ cuối năm 2013, mỗi tháng sau khi trừ ăn uống thì lương cơ bản còn được nhận khoảng hơn 8 triệu đồng. Với thu nhập như vậy nếu chi tiêu hợp lý thì cũng sẽ gom góp được chút vốn để sau này trở về phát triển kinh tế gia đình. Ở bên đó, chế độ làm việc khá tốt, các ngày nghỉ cuối tuần, các ngày lễ, tết hai đứa cũng được nhà máy cho nghỉ ngơi. Chúng nó qua đó mạnh khỏe, tâm lý vui vẻ nên gia đình cũng rất yên tâm…”.
Không chỉ gia đình anh Nguyễn Thanh Đông và ông Y Nam Êban mà còn nhiều gia đình khác ở các địa phương trong tỉnh cũng đã thoát nghèo, ổn định kinh tế từ XKLĐ. Ở huyện Cư Kuin, có thể kể đến như gia đình ông Y Huynh Êban ở buôn Ea Kmar, xã Ea Bhôk có con đi XKLĐ ở Malaysia; gia đình chị H’Noan Kbur ở buôn Ciêt, xã Ea Tiêu đi XKLĐ ở Đài Loan; gia đình chị H’Rắc Niê, gia đình ông Y Uê Niê đều ở buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur và có con XKLĐ tại Malaysia… Hầu hết kinh tế của các gia đình này đều đi lên nhờ vào số tiền của người đi XKLĐ gửi về.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
Cuộc sống của đa số người dân ở buôn Ea Ktur, xã Ea Ktur (Cư Kuin) hôm nay đang từng bước đổi thay, nhiều hộ đã có vốn để phát triển kinh tế nhờ XKLĐ. Nhiều năm về trước, đời sống của bà con trong buôn gặp không ít khó khăn, suốt ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không thoát nghèo.
Lãnh đạo huyện Cư Kuin thăm hỏi một lao động làm nghề may tại Malaysia. |
Từ khi có chủ trương của Nhà nước khuyến khích người dân đi XKLĐ, một số gia đình trong buôn đã mạnh dạn đăng ký tham gia với mong ước có được cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn. Công việc tuy vất vả, xa gia đình, quê hương nhưng bù lại thu nhập khá cao nên nhiều người trong buôn bắt đầu làm theo và nhiều gia đình đã coi XKLĐ là con đường giúp họ thay đổi cuộc sống. Hiện nay, tại buôn Ea Ktur có khoảng 20 gia đình có người thân đi XKLĐ, chủ yếu sang thị trường Malaysia bởi môi trường lao động ở đây được đánh giá là khá tốt, phù hợp với năng lực lao động của người dân. Nhiều người sang nước ngoài làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, hằng năm gửi tiền về đã giúp người thân ở nhà có điều kiện trang trải cuộc sống, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm những phương tiện, thiết bị sinh hoạt trong gia đình và có vốn xây dựng các mô hình kinh tế. Đời sống người dân được cải thiện, các công trình phúc lợi xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên địa bàn được triển khai rất thuận lợi; các khoản thu ngân sách, đóng góp xây dựng các quỹ phúc lợi được người dân ủng hộ nhiệt tình, nhanh chóng…
Ông Trần Minh Thông, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin nhận xét: Không chỉ riêng buôn Ea Ktur mà hầu hết các thôn, buôn có đông người đi XKLĐ đều “thay da, đổi thịt”, có sự phát triển vươn lên mạnh mẽ. Có thể thấy những người đi lao động ở nước ngoài trở về đã có tác động tích cực tới nhiều mặt xã hội: nhận thức của người dân nâng lên, tập quán canh tác lạc hậu được thay đổi; bà con tiếp cận nhanh hơn với công nghệ sản xuất tiên tiến, lại hình thành được ý thức kỷ luật lao động… Thu nhập nhờ XKLĐ ổn định không những cải thiện đời sống của gia đình người đi XKLĐ mà các gia đình còn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi như: nhà văn hóa, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. Hằng năm bình quân một người lao động gửi về cho gia đình từ 70-80 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2013, huyện Cư Kuin đã giảm được 678 hộ nghèo (hơn 3%), trong đó 2/3 số hộ đã thoát nghèo này là những hộ có con cái đi XKLĐ. Bên cạnh đó, khi hết thời hạn hợp đồng, những người đi XKLĐ trở về quê hương sẽ có điều kiện phát huy những ngành nghề đã làm về áp dụng tại địa phương như nghề may, nghề mộc, nghề hàn, xây dựng…
(còn nữa)
Lan Anh – Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc