Multimedia Đọc Báo in

Cảm xúc tháng 10

10:25, 27/10/2014
Đã một năm rồi từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh viễn ra đi (3-10-2013), nhưng dường như trong tiềm thức của những người con đất Việt và với ông tôi, một người lính Cụ Hồ có vinh dự được nhận Bằng khen do Đại tướng trao tặng, vẫn nguyên vẹn một cảm xúc rưng rưng tiếc nuối dành cho vị tướng huyền thoại.

Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi máy bay địch tới thì phải chui xuống hầm trú ẩn, cũng chưa từng phải ăn cơm độn như ông bà, bố mẹ đã từng trải qua. Tôi biết đến cái ngày xưa gian khổ như thế nào qua những câu chuyện lịch sử mà ông bà tôi hay kể. Những câu chuyện của ông tôi kể về kỷ niệm tại chiến trường nước bạn Lào với những buổi làm nhà giúp người dân, những buổi dạy học cho học sinh Lào, và những trận đánh hào hùng, tôi thấy rõ sự tự hào và hừng hực chí khí của một người lính Cụ Hồ nơi ông. Xa cha mẹ già, quê hương yêu dấu, ông nhập ngũ và nhận nhiệm vụ lên đường tình nguyện qua Lào khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Được cử làm chuyên gia trong lĩnh vực kiến thiết nhà cửa cho người dân nước Lào, hai mươi năm đóng quân ở tỉnh Sầm Nưa (Lào) ông cùng đồng đội và quân dân nước bạn đã chia sẻ kinh nghiệm, tài lực cũng như vật lực để xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở Lào với tinh thần “cọng rau chia nửa, hạt muối cắn đôi”.

Ông Lê Ngọc Liên nâng niu tấm  Bằng khen  như một kỷ vật mà Đại tướng  Võ Nguyên Giáp dành  cho mình.
Ông Lê Ngọc Liên nâng niu tấm Bằng khen như một kỷ vật mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho mình.

Tháng 10 với những cơn gió, cơn mưa chia tay mùa thu, chạm ngõ mùa đông làm cho tiết trời ở quê tôi bàng bạc một màu sương khói, bâng khuâng khó tả. Tháng 10 với những kỷ niệm khó quên của lịch sử, đặc biệt hơn là ký ức đẹp về vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp như những trang huyền thoại. Và ông nội đã kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm xúc động về vị tướng lừng danh khắp thế giới. Đó là lần ông được Đại tướng tặng Bằng khen “Gia đình vẻ vang” trong dịp tuyên dương gia đình chiến sĩ có công với cách mạng, cái bắt tay thật chặt, ánh mắt lấp lánh nụ cười của Đại tướng khi trao Bằng khen như truyền cả sức mạnh và niềm tin cho một người lính – là ông tôi tiếp tục vững bước trên con đường chiến đấu. Sau đó ông còn vinh dự được gặp riêng Đại tướng, Người đã hỏi thăm ông rất nhiều về những khó khăn trong cuộc sống và công việc khi ở Lào, rồi Đại tướng động viên và biểu dương những đóng góp của ông cho nhân dân Lào, cùng lời căn dặn đất nước tuy còn khó khăn nhưng tình hữu nghị với bạn bè quốc tế những người lính Cụ Hồ không thể không trọn vẹn. Những lời nói cùng cử chỉ ân cần, đặc biệt là ánh mắt của Đại tướng – ông tôi bảo không biết với mọi người như thế nào, chứ với ông ánh mắt ấy có một sức mạnh giúp cho ông vượt qua những trận sốt rét, những hiểm nguy khốc liệt của cuộc chiến đấu. Giờ đây, khi đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt đã mờ đục nhưng mỗi khi kể về tướng Giáp, dường như ánh mắt, nụ cười, lời nói của vị tướng huyền thoại đối với ông tôi vẫn vẹn nguyên như ngày đầu tiên được gặp.

Có lẽ vì thế mà khi nghe tin vị tướng tài Võ Nguyên Giáp ra đi, ông tôi không khóc mà ngồi lặng thinh, những ngày sau đó ông chăm chú theo dõi tin tức về Đại tướng qua truyền hình. Tôi thấy ông buồn lắm, như mất đi một người thân yêu nhất, lặng lẽ lau thật sạch bằng khen của Người ký tặng cho ông rồi khóe mắt mờ đi, ông nói với tôi: Cháu tìm mua cho ông một tấm hình thật đẹp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ông lập ban thờ cho Cụ. Nói thế rồi ông lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ để lập một ban thờ dành cho Người nơi trang trọng nhất của phòng khách. Tôi chưa từng được gặp Đại tướng nhưng qua sách vở, báo chí tôi biết được những cống hiến lớn lao vô bờ bến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Tổ quốc, cho nhân dân. Có lẽ với ông tôi một người đã từng có vinh dự được gặp Người, nỗi đau, sự mất mát còn lớn hơn rất nhiều. Ngày tiễn Đại tướng về với Quảng Bình thân yêu, ông gọi con cháu về đông đủ để cùng làm lễ truy điệu Người “từ xa”. Lần này tôi đã thấy ông khóc, nước mắt giàn dụa trên gương mặt già nua của một cựu chiến binh đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Dù cho là ông, là tôi hay bất kể một ai là người con đất Việt không được trực tiếp đặt một nhành hoa lên mộ Người nhưng luôn tâm niệm sẽ là một người công dân tốt để cùng giữ gìn những truyền thống yêu nước của dân tộc, tinh thần chiến đấu kiên cường của thế hệ cha anh.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.