Multimedia Đọc Báo in

Khi sản phụ "chuộng"… sinh mổ

15:53, 28/10/2014

Những năm gần đây, việc lựa chọn phương pháp sinh mổ thay cho cuộc “vượt cạn” tự nhiên của các sản phụ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Ngoài những ca sinh mổ theo chỉ định y khoa, có khá nhiều trường hợp chọn sinh mổ chỉ vì muốn con được chào đời vào ngày, giờ đẹp hoặc để thoát khỏi cảm giác sợ ... đau đẻ

1.001 lý do để sinh mổ

Cưới nhau năm 2009, mãi đến đầu năm 2013 chị P (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) mới mang thai. Từ khi biết chị có em bé, 2 bên gia đình nội, ngoại đều rất phấn khởi, bởi cả 2 vợ chồng chị đều là con trưởng nên đứa trẻ trong bụng chị luôn là tâm điểm chú ý của ông bà nội, ngoại. Do quá mong chờ đứa cháu đầu nên cả mẹ đẻ lẫn mẹ chồng chị đều chuẩn bị rất nhiều thứ để đón đứa trẻ, trong đó có cả việc chuẩn bị ngày, giờ cho bé chào đời. Vì thế, khi chị chuyển dạ, mặc dù bác sĩ tư vấn tình trạng sức khỏe của mẹ con chị đều thuận lợi và có thể sinh thường, nhưng bà nội và bà ngoại của đứa trẻ cứ nhất quyết yêu cầu cho chị sinh mổ bởi “thầy” đã chọn được ngày, giờ tốt. Và rồi, cuộc sinh mổ cũng diễn ra tốt đẹp, đứa trẻ chào đời đúng ngày, giờ như hai bà nội, ngoại mong muốn mà chẳng ai biết được rằng chị đã phải chịu đau đớn khi vết mổ hết thuốc tê cũng như luôn nơm nớp lo sợ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng vết mổ như thế nào.

Kiểm tra sức khỏe thai kỳ cho sản phụ tại Trạm Y tế  xã Ea Pin, huyện M’Drak.
Kiểm tra sức khỏe thai kỳ cho sản phụ tại Trạm Y tế xã Ea Pin, huyện M’Drak.

Tuy không nhằm chọn ngày, giờ đẹp nhưng chị T. (phường Tân Thành) lại chọn cách sinh mổ để chào đón đứa con đầu lòng chỉ vì sợ… đau đẻ. Theo chị T., khi chị mang thai, được nghe bạn bè, đồng nghiệp kể nhiều về những cơn đau bụng khi chuyển dạ rồi tư vấn cho chị chọn biện pháp sinh mổ để vừa an toàn, vừa đỡ đau vì dù sao đau vết mổ vẫn không “kinh khủng” như những cơn đau lúc chuyển dạ. Nghe kể nhiều, rồi khi nhập viện chờ sinh lại được chứng kiến những người kêu gào, khóc lóc vì… đau đẻ, nên chị chọn “biện pháp an toàn” là sinh mổ. Có lẽ, nhờ ca sinh mổ của chị “xuôi chèo mát mái” nên chị cho rằng sự lựa chọn của mình là đúng và hạ quyết tâm lần sau sẽ tiếp tục sinh mổ cho nhẹ nhàng…

Không chỉ có chị P., chị T., hiện nay, rất nhiều chị em lựa chọn biện pháp sinh mổ thay cho cuộc “vượt cạn” tự nhiên với rất nhiều lý do mà tất cả những lý do ấy đều chẳng liên quan gì đến y khoa. Theo thống kê của Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2013, trong số 10.162 trường hợp sinh tại Khoa, có đến 4.176 ca sinh mổ (chiếm tỷ lệ khoảng 41%) và trong 9 tháng đầu năm 2014 cũng có đến 2.727 trường hợp sinh mổ trong tổng số 6.796 ca sinh tại Khoa (chiếm tỷ lệ trên 40%). Nếu xét theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về tỷ lệ mổ lấy thai tốt nhất chỉ nên dưới 15% tổng số ca sinh thì những con số này rất đáng để quan tâm.

Hệ lụy sau sinh mổ

Trò chuyện với các sản phụ chủ động chọn biện pháp sinh mổ, do sợ cơn đau đẻ và muốn con mình được ra đời vào ngày, giờ tốt nhưng hầu như không chị nào biết được những điểm bất lợi cho sức khỏe của sản phụ và em bé khi sinh mổ. Trên thực tế, Chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản quốc gia đã đúc kết, sản phụ sinh mổ phải dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng, có khi đến vài ba ngày sau mới có sữa, do em bé không được bú nguồn sữa non như trẻ sinh thường nên dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Bà mẹ sinh mổ cũng ít sữa hơn sinh thường, em bé không đủ nguồn sữa mẹ dễ bị suy dinh dưỡng. Hơn nữa, nếu sinh thường đứa trẻ được ra đời theo cách tự nhiên, những cơn co tử cung của sản phụ giúp kích thích hệ hô hấp của thai nhi. Trong khi đó, trẻ sinh mổ không được hưởng cơ chế này, do bào thai được bao bọc bằng lớp nước ối, khi bác sĩ lấy thai, sẽ làm em bé “giật mình” dễ bị hít phải nước ối, dẫn đến bệnh về đường hô hấp hoặc tình trạng bị thở khò khè trong nhiều tháng sau sinh. Ngoài những bất lợi cho bé, việc sinh mổ cũng mang đến những tác hại cho người mẹ. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đã chỉ ra rằng, khi sinh mổ, thời gian nằm viện của bà mẹ sau sinh kéo dài và thời gian phục hồi sức khỏe phải mất từ 2 tuần đến 1 tháng. Không những thế, những bà mẹ sinh mổ sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vết thương mổ đẻ, trong tử cung hoặc trong cơ quan vùng chậu khác như bàng quang, ruột, điều này chính là nguyên nhân khiến thời gian các mẹ nằm viện lâu hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác và các nguy cơ xấu trong lần mang thai tiếp theo…

Có thể thấy, hiện nay, kỹ thuật mổ lấy thai ngày càng hiện đại, trong một số trường hợp nó giúp an toàn cho cả mẹ và bé, nhưng việc cố ý lạm dụng sinh con theo cách này không những không tốt mà nhiều khi còn có tác hại rất lớn cho cả mẹ và bé. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Đoàn Sỹ Hoàng, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng, để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé, bà mẹ mang thai nên biết chờ đợi và can thiệp đúng lúc, tốt nhất là sinh thường nếu không có chỉ định của bác sĩ, bởi đó là quá trình phù hợp của tự nhiên. Ngoài ra, không nên vì những lý do xã hội như chọn ngày, chọn giờ sinh đẹp, tâm lý sợ đau đẻ... mà chọn phương pháp sinh mổ. Trên thực tế, so với đẻ thường, sinh mổ cũng không hẳn là biện pháp an toàn vì nó vẫn có tỷ lệ tai biến xảy ra trong quá trình phẫu thuật và cũng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mổ lấy thai nhi không hẳn là phương pháp an toàn mà làm tăng nguy cơ tử vong mẹ cao gấp 2 đến 10 lần so với đẻ thường và tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong 3 tháng đầu sau khi sinh cao gấp 3 lần so với trẻ sinh tự nhiên.   

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.