Multimedia Đọc Báo in

Những mong ước của người dân Giang Đông

08:46, 29/10/2014

Hơn 20 năm nay, 151 hộ dân thuộc thôn Giang Đông, xã Ea Dah (huyện Krông Năng) cư trú nơi heo hút, bốn bề rừng núi bao quanh. Từ đời này qua đời khác, cuộc sống của người dân Giang Đông vẫn lạc hậu, đói nghèo. Có lẽ vì vậy mà họ luôn mong ước những đổi thay, tiến bộ sẽ đến với chốn rừng sâu, núi thẳm này!

Gập ghềnh đường đến Giang Đông

Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 15 km nhưng con đường vào thôn Giang Đông lại “đỏng đảnh”, khiến chúng tôi nhiều phen lo sợ. Trời mưa gió nên hai bánh xe máy như những cục bùn di động cùng chúng tôi vào tận thôn. Nhiều đoạn bị xói mòn nghiêm trọng, lại lởm chởm ổ voi, ổ gà khiến cả người và xe suýt bật tung ra vệ đường. Mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng tới được thôn trong tình trạng mệt, đói và khát. Vậy mà, đã hơn 20 năm qua, người dân ở đây lại quá quen với con đường và những cảnh cơ cực này khi từng ngày phải đi đèo ngô, chở sắn, mua sắm lương thực, thực phẩm… Đặc biệt là trẻ nhỏ, các em học sinh vẫn phải vất vả vượt qua đoạn đường trên hành trình tìm con chữ. Ông Vàng Chồng Tủa, một người dân trong thôn tâm sự: “Chúng tôi sống ở đây lâu năm nên cũng thuộc từng đoạn đường xấu để tránh, không biết đến bao giờ thôn mới có con đường đẹp để đi lại. Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ, mỗi lần đến trường là một lần lo lắng, mệt mỏi bởi hành trình gian nan. Ấy vậy mà nhiều đứa vẫn hiếu học, chúng sẵn sàng đi bộ ra tới trung tâm xã để học tập, rèn luyện…”.

Đường  tải điện được
Đường tải điện được "thiết kế" không vỏ bảo vệ chạy qua trung tâm thôn Giang Đông.

Một phần vì đường đi khó khăn nên những đứa trẻ ở thôn hiếm được học tới nơi tới chốn, số học hết cấp 2, cấp 3 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều em ham học, ra thuê trọ ở gần trường rồi ngày ngày đến lớp, cuối tuần được nghỉ lại tranh thủ đi bộ về nhà, phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, nhà cửa. Cũng có em vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên đành đứt gánh học hành để ở nhà làm công việc nương rẫy, kiếm củ khoai, củ mì. Như trường hợp của em Vũ Thị Cu (sinh năm 2000), bỏ học giữa chừng năm học lớp 7 để ở nhà phụ giúp gia đình rồi lấy chồng, khiến không chỉ cả thôn, mà cả xã đều tiếc, vì em được xem là một trong những gương học tiêu biểu khi liên tục là học sinh giỏi từ những năm tiểu học, đến cấp hai, khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Quê nghèo “khát” điện

Đường Giang Đông lắc lẻo đã đành, mạng lưới điện ở đây đến nay cũng chưa có. Trưởng thôn Giàng A Nụ cho biết: toàn thôn có khoảng 4-5 hộ gia đình sử dụng năng lượng mặt trời, họ nạp điện vào bình sạc để chiếu sáng và chỉ dùng khi cần thiết; một vài hộ tạo nguồn điện bằng tua bin nước ở Suối Ba cuối làng, số còn lại chủ yếu thắp sáng bằng đèn dầu, nến, thậm chí nhiều gia đình dùng ánh sáng của đốm lửa củi vào mỗi đêm... Vì thiếu sáng nên việc ăn uống, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Thiệt thòi nhất vẫn là lũ trẻ trong thôn, ngoài giờ lên lớp chúng phải về nhà theo bố mẹ lên nương rẫy, chỉ tối đến mới có thời gian xem bài vở. Đêm về, chúng mệt mỏi, rã rời vì công việc, ánh sáng để ôn bài vở lại thiếu khiến con chữ đứt đoạn, rồi rơi rụng dần theo từng ngày.

Vào thôn, chứng kiến mạng dây điện “tự chế” của bà con khiến chúng tôi phải giật mình. Do thiếu kinh phí nên đường dây tải điện được “thiết kế” bằng nhiều đoạn ngắn, chắp nối nhau, trong đó có nhiều đoạn dây kim loại không vỏ bọc bảo vệ vẫn được mắc song song trên các “trụ điện” bằng gỗ mục nát. Thậm chí, một số đoạn dây trần còn được người dân cho “chui” qua cụm tre rậm rạp trên đường thôn. Mùa nắng còn đỡ, chứ mưa gió, đường dây ấy trở thành "cái bẫy" nguy hiểm cho người và vật nuôi. Đặc biệt, gần như chiều nào, lũ trẻ con trong làng cũng tập trung chơi đùa gần cạnh, nếu không khắc phục tình trạng trên, mối hiểm nguy rình rập mỗi ngày…

Cùng câu chuyện điện lưới, nguồn nước sinh hoạt ở thôn cũng thiếu, lại bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến sinh hoạt đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Anh Vàng Chồng Tua, cho biết: Nguồn nước giếng của gia đình bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay, thế nên để có nước uống, nấu ăn, gia đình anh phải mua nước bình từ địa phương khác chuyển đến. Tiết kiệm lắm thì mỗi tuần cũng phải dùng 3 đến 4 bình nước lọc nên rất tốn kém, nhưng không còn cách nào khắc phục…

Nhiều thế hệ người dân Giang Đông vẫn luôn mong ước đường sá, điện, nước… được chính quyền quan tâm hơn, sớm có những thay đổi tích cực. Trước khi điều ước ấy trở thành hiện thực, thì cuộc sống lạc hậu, khó khăn hiện tại ở vùng quê nghèo đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy buồn!

Trưởng thôn Giàng A Nụ cho biết: Theo Chương trình 134 của Chính phủ, 95 hộ dân ở thôn Giang Đông từng được hỗ trợ nhà tái định cư, mỗi căn rộng hơn 24 m2, đồng thời hỗ trợ thêm vật nuôi và 5 sào đất. Tuy vậy điều kiện sống và canh tác gặp nhiều khó khăn nên người dân bỏ nhà để quay về nơi cũ. Hiện nay, một số ngôi nhà vẫn còn để trống, số còn lại dùng cho con cái tiện đi học xa nhà.

 

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.