Multimedia Đọc Báo in

Thêm động lực sáng tạo

20:24, 04/10/2014

Hội nghị Khoa học - Công nghệ (KHCN) tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Khối Nông-Lâm- Ngư -Thủy toàn quốc lần thứ 6 - năm 2014 vừa diễn ra cuối tháng 9 tại Trường Đại học Tây Nguyên đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với những nhà khoa học trẻ.

Với 42 báo cáo khoa học đăng trong kỷ yếu (20 đề tài được trình bày tại Hội nghị), Trường Đại học Tây Nguyên xuất sắc đoạt giải Nhất toàn đoàn, cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) đã thật sự thu hút, lan tỏa sâu rộng trong giảng viên, sinh viên của nhà trường.

Nhiều bứt phá

Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của trên 200 nhà khoa học trẻ là cán bộ, giảng viên, sinh viên thuộc 15 trường đại học Khối Nông-Lâm-Ngư-Thủy trong cả nước. Đây là diễn đàn để các trường ĐH, CĐ công bố kết quả NCKH giai đoạn 2012-2014, chia sẻ kinh nghiệm phát triển KHCN. Ban tổ chức đã nhận được 239 báo cáo NCKH của 15 trường đại học để đăng kỷ yếu Hội nghị. Các báo cáo khoa học này được tuyển chọn nghiêm túc, công phu, là những công trình khoa học chất lượng cao. Qua đó tuyển chọn 63 công trình tiêu biểu của 11 trường thuộc 9 lĩnh vực: Nông học, Chăn nuôi-Thủy sản, Thú y, Lâm nghiệp-Tài nguyên-Thủy lợi, Bảo quản chế biến- Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Môi trường-Kinh tế-Phát triển nông thôn và Cơ khí báo cáo tại Hội nghị.

Tiến sĩ Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Ngoài chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hội nghị diễn ra thành công, những năm gần đây nhà trường đã có những đầu tư đúng mức cho hoạt động NCKH. Vì vậy, tại hội nghị lần này, Trường có 42 báo cáo khoa học tham dự, chỉ đứng sau Đại học Cần Thơ (46 báo cáo khoa học). Trong số 20 đề tài của Đại học Tây Nguyên được tuyển chọn báo cáo tại Hội nghị đã có 7 đề tài đoạt giải xuất sắc, 11 đạt loại giỏi, trong đó 2 đề tài  đoạt giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Là một trong 2 cá nhân, nhóm tác giả của trường có đề tài đoạt giải Nhất, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Khoa Nông lâm nghiệp chia sẻ: “Lĩnh vực môi trường có nhiều đề tài NCKH tham dự, do vậy các thành viên trong nhóm cảm thấy khá áp lực và không nghĩ sẽ đoạt giải. Tuy nhiên, sau khi trình bày tóm tắt báo cáo khoa học, nhận được sự tán thưởng của nhiều đồng nghiệp, sinh viên, cả nhóm thấy tự tin hơn. Từ những thắc mắc để sáng tỏ các vấn đề như: vì sao lại chọn lĩnh vực môi trường để nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả xử lý…, cả nhóm đã vỡ ra được nhiều điều”.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng  Bằng khen cho các  cá nhân, nhóm  tác giả đoạt giải Nhất Hội nghị Khoa học - Công nghệ tuổi trẻ  các trường ĐH, CĐ  Khối Nông-Lâm-Ngư-Thủy  toàn quốc lần thứ 6 - năm 2014.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho các cá nhân, nhóm tác giả đoạt giải Nhất Hội nghị Khoa học - Công nghệ tuổi trẻ các trường ĐH, CĐ Khối Nông-Lâm-Ngư-Thủy toàn quốc lần thứ 6 - năm 2014.

 Còn với giảng viên trẻ Nguyễn Thị Thủy, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên), đoạt giải Nhất với đề tài “Một số loài  địa y trên lá mới ghi nhận ở Việt Nam”, NCKH là niềm đam mê, trở thành một phần của cuộc sống dù đối mặt với nhiều khó khăn. Giảng viên Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Hiện nay việc nghiên cứu đa dạng sinh học ở Việt Nam đang được giới khoa học quan tâm sâu sắc. Song phần lớn các nghiên cứu được thực hiện với đối tượng động thực vật, nấm, tảo, có  rất ít nghiên cứu về địa y. Số lượng những công trình nghiên cứu về địa y của Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế cũng như trong nước chưa nhiều. Vì vậy, việc nghiên cứu các loài địa y trên lá ở Việt Nam do chính các nhà khoa học Việt Nam thực hiện hứa hẹn mang lại những kết quả khả quan. Ngoài tìm hiểu được sự phong phú về địa y Việt Nam, nó còn có thể làm cơ sở  cho việc thực hiện các nghiên cứu khác về địa y mà hiện nay rất phát triển trên thế giới…”. Sau gần 3 năm nghiên cứu, trong tổng cộng 571 mẫu lá địa y thu thập và kiểm tra, tác giả  đã ghi nhận được 13 loài chưa được ghi tên vào danh mục các loài địa y Việt Nam.

Để khơi dậy niềm đam mê NCKH

Những giải thưởng tại hội nghị lần này của Trường Đại học Tây Nguyên là  kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài, thực tế kiểm nghiệm... Để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh hoạt động NCKH, nhà trường đã đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt trong hoạt động giáo dục. Mỗi giảng viên khi đứng lớp phải soạn thảo giáo trình phù hợp với chuẩn chung. Với sinh viên, khi mới vào trường đã được làm quen với các Hội nghị NCKH và các buổi chuyên đề học thuật... tạo hứng thú, đam mê NCKH. Trong tất cả các môn học, sinh viên dần làm quen với các tiểu luận, hình thành kỹ năng trình bày và báo cáo tiểu luận trước lớp, tự tin trong việc truyền đạt thông tin đến người dự khán. Vào khoảng năm 3, sinh viên được tiếp cận cách thức trình bày đề tài, chuẩn bị kiến thức, tâm lý thực hiện đề tài NCKH ở năm cuối. Ngoài ra, chính sự say mê, tìm tòi NCKH của  giảng viên cũng góp phần tạo động lực khuyến khích sinh viên mạnh dạn suy nghĩ, làm theo... Tuy nhiên, có một thực tế là các giảng viên kỳ cựu NCKH đã khó thì với giảng viên trẻ và sinh viên lại càng gian nan, vất vả hơn. Những khó khăn về kinh phí, về cơ sở vật chất, trang thiết bị… đã khiến không ít nhà khoa học trẻ “chùn chân”. Giảng viên Nguyễn Thị Thủy (Viện Công nghệ sinh học và Môi trường) chia sẻ: Nguồn tài liệu về lĩnh vực địa y không nhiều, muốn có tài liệu tham khảo bắt buộc phải mua các báo cáo khoa học quốc tế, với giá vài chục USD/báo cáo. Một đề tài NCKH cần đến vài chục, thậm chí vài trăm báo cáo khoa học. Đây là khoản tiền không nhỏ với những giảng viên trẻ. Chưa kể các tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài, sau khi mua về phải mất nhiều thời gian, công sức cho việc dịch thuật. Vì vậy, người nghiên cứu cần phải biết chọn lọc giữa ma trận các nguồn tài liệu quý giá để giảm thiểu chi phí. Còn với thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phương (Khoa Nông lâm nghiệp) ngoài kinh phí eo hẹp, thì điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường chưa đáp ứng yêu cầu cũng đã gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động NCKH.

Cùng với đào tạo, NCKH là chức năng quan trọng của các trường đại học. Tuy nhiên vì một vài lý do khách quan và chủ quan nên với một số trường đại học, NCKH chưa thực sự được coi trọng. Hội nghị Khoa học - Công nghệ tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng Khối Nông-Lâm-Ngư-Thủy toàn quốc là sân chơi trí tuệ khơi dậy niềm đam mê trong mỗi sinh viên, giảng viên, đặc biệt các trường đã dành sự quan tâm đầu tư nhất định cho hoạt động NCKH, qua đó gắn kết giữa đào tạo với NCKH, giữa NCKH với thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.