Ba lão nông lo chuyện làm cầu cho dân
Nhiều năm nay, người dân 2 xã Ea Đar và Ea Sa, huyện Ea Kar không còn bị cách trở bởi dòng sông Krông Năng nhờ tấm lòng thơm thảo của ba lão nông khi tự bỏ tiền làm cầu qua sông.
Ông Lê Kim Quynh bên cây cầu. |
Tuy nhiên, cứ mỗi mùa lũ đến, cây cầu gỗ bị dòng nước hung hãn phá hỏng dần dần rồi bị cuốn trôi hoàn toàn trong một trận lũ năm 1997. Nhìn cảnh tài sản của gia đình bỏ ra làm cầu bị trôi theo nước lũ, các ông không khỏi xót xa, nhưng càng buồn hơn nhiều là người dân trong vùng phải trở lại cảnh bơi qua sông như trước đây. Không khuất phục trước sự nghiệt ngã của thiên nhiên, ba nông dân trên lại mày mò đo đạc, thiết kế, mua vật liệu, và quyết tâm lần này làm cầu treo bằng dây cáp vững vàng, kiên cố hơn. Từ đó đến nay, dòng Krông Năng đỏng đảnh không còn làm khổ người dân hai bên bờ; hằng năm, vào mùa mưa lũ, các hộ dân ở gần hai đầu cầu là thôn 8 (xã Ea Sar) và thôn 9 (xã Ea Đar) cùng nhau góp công gia cố chân cầu để yên tâm đi lại. Trước mùa mưa năm 2013, ba ông tiếp tục bỏ tiền nâng cấp mố cầu, dây cáp và ván. Như vậy, từ khi làm cầu gỗ đến cầu cáp, tổng số tiền mà ba lão nông thơm thảo bỏ ra đã lên đến gần 600 triệu đồng. Từ khi có cây cầu kiên cố, không những người dân xã Ea Sa mà cả bà con các xã Ea Sô, Xuân Phú muốn đi qua xã Ea Đar hay ra trung tâm huyện đều qua cầu này để rút ngắn thời gian. Đặc biệt, khoảng 300 học sinh và 50 giáo viên hai xã đầu cầu cũng yên tâm đến trường. Cô Đỗ Thị Thanh, giáo viên Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Ea Sa) chia sẻ: Tuy nhà cách trường khá xa, nhưng nhờ có cầu nên việc đi lại hằng ngày rất thuận lợi, có thể nói cây cầu đã giúp ích rất nhiều cho việc đi lại, học hành và giao thương phát triển kinh tế của người dân vùng quê này.
Mặc dù đã đầu tư nhiều tiền làm cầu, nhưng chủ nhân của cây cầu này chỉ thu một số tiền nhỏ của những người qua cầu để phục vụ việc bảo dưỡng, tu sửa cầu hằng năm nhằm bảo đảm an toàn; riêng hoc sinh và giáo viên được miễn phí. Hằng ngày, dù bận rộn với nương rẫy, nhưng ba ông vẫn thay nhau trông coi cầu. Nhìn cảnh các em học sinh tung tăng qua cầu sau giờ tan trường, ông Lê Kim Quynh cười hiền hậu: “Điều quan trọng nhất là làm được điều gì có ích cho mọi người”. Có lẽ, đó cũng là động lực lớn nhất để ba người nông dân tốt bụng dành nhiều thời gian, tiền của để chăm chút cho cây cầu bao nhiêu năm nay.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc