Multimedia Đọc Báo in

Hành trình mang hy vọng

08:34, 26/11/2014

Em thì chỉ thu mình trong một góc phòng,  không tiếp xúc với bất kỳ ai, có em  sợ cầm nắm, chạm vào bất cứ vật gì lạ, lại có em thì tự làm đau bản thân, cấu, cắn mọi người xung quanh…, đó là hình ảnh của những đứa trẻ tự kỷ ở lớp Sóc nâu (Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật) sẽ là sự ám ảnh cho bất kỳ ai khi gặp, để rồi càng thấm thía những vất vả của thầy cô giáo ngày ngày chăm sóc, dạy dỗ  các em bằng tất cả tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương lớn lao.

Gắn bó với lớp Sóc nâu từ những ngày đầu mới thành lập, cô Trần Thị Mai Anh chia sẻ, lớp hiện nay có 18 trẻ từ 3 đến 7 tuổi, trong đó có 7 cháu học bán hòa nhập, còn 11 cháu học bán trú. Mỗi em biểu hiện bệnh theo từng thể nặng nhẹ khác nhau: có em không thích vận động nhưng có em lại suốt ngày không chịu ngồi yên; có em tự cấu tay chân mình đến bầm tím, nhưng có trẻ lại suốt ngày đánh bạn, cấu, cắn mọi người xung quanh… Điểm chung của tất cả các em là thiếu hụt kỹ năng tương tác xã hội, cho nên, việc chăm sóc, dạy dỗ các em gặp khá nhiều khó khăn. Những ai lần đầu tiếp xúc với các em đều cảm thấy ức chế và chán nản vì không biết phải xoay xở thế nào. Nếu dạy trẻ bình thường, cô giáo cần phải chịu khó, kiên nhẫn thì dạy trẻ tự kỷ, các cô càng phải kiên nhẫn hơn, không những thế mà còn phải yêu thương các em bằng tất cả tấm lòng. Như em Trương Đặng Minh Thành (5 tuổi) ngày mới vào lớp học, lúc nào cũng la hét, không ai có thể tiếp cận, gần gũi được. Để xoa dịu tâm trạng của em, các cô luôn nhẹ nhàng, tìm cách để cho em thấy mọi người hết mực quan tâm và yêu thương mình.  

Lớp học cá nhân của cô Trần Thị Mai Anh
Lớp học cá nhân của cô Trần Thị Mai Anh.
Sau khoảng hai tuần đến lớp, Thành đã không còn những biểu hiện trên, dần dần thân thiện cùng các bạn, các cô. Còn em Hoàng Anh, khi mới vào lớp khả năng vận động kém, chưa hiểu các quy luật giao tiếp. Các cô đã kiên trì dạy em biết yêu cầu khi cần thiết, dần dần em đã biết chào hỏi, tìm sự giúp đỡ những khi khát nước, đi vệ sinh, biết dừng các hoạt động khi cô giáo yêu cầu. Dạy cho các em biết vận động đã khó, dạy ngôn ngữ, tập viết cho các em càng khó hơn, có cháu phải mất vài tháng mới tập tô được các nét cơ bản... Trường hợp cậu bé Cẩm Minh Hải tuy đã 5 tuổi nhưng khả năng nghe hiểu của em rất kém, nên việc tập luyện cho em cũng gặp khá nhiều trở ngại vì lứa tuổi này rất khó để can thiệp. Những ngày đầu, các cô chăm sóc cho bé cũng rất áp lực, sợ bệnh của bé nặng khó dạy dỗ được. Để giúp bé biết nhìn vào mắt người khác, các cô dùng tranh ảnh, tạo ra tiếng động thu hút ánh nhìn của Hải, dần dần em hiểu những gì người khác nói và không còn thái độ thờ ơ với mọi vật xung quanh. Giờ đây, ánh nhìn của Hải rất lanh lợi, đáng yêu, em nói được nhiều từ, biết thể hiện mong muốn của mình với người khác.
Giờ tập vận động do cô Trần Thị Ngọc Hạ hướng dẫn.
Giờ tập vận động do cô Trần Thị Ngọc Hạ hướng dẫn.

Khó khăn, gian nan là vậy, nhưng các cô giáo ở Trung tâm ai cũng hết lòng yêu trẻ, yêu nghề. Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 3 (Nha Trang) năm 2011,  Trần Thị Ngọc Hạ đã xin vào làm việc tại Trung tâm. Chính tình yêu trẻ đã giúp Hạ vượt qua nhiều khó khăn gắn bó với nghề. Hạ chia sẻ: Ngày mới về Trung tâm, được phân công dạy lớp trẻ khiếm thính, sau 2 năm cô được về dạy lớp Sóc nâu. Những ngày đầu, cô gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp xúc với trẻ, bởi trẻ tự kỷ thường rối loạn nhiều giác quan nên cần được quan tâm chăm sóc và dạy dỗ một cách toàn diện. Khó khăn nhất là dạy các em tập nói và tập viết, có em mất thời gian cả tháng vẫn không  nói được từ nào. Những âm thanh phát ra chỉ là tiếng ú ớ trong cổ.

Những lúc như thế, thật buồn nản, nhưng rồi khi nhìn vào ánh mắt các bé, cô như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục cố gắng, kiên trì.  Bản thân Hạ cũng như các cô giáo nơi đây luôn bị ám ảnh bởi những ánh mắt tuyệt vọng, bế tắc của những ông bố, bà mẹ có con chậm phát triển. Vì so với trẻ bình thường, con họ dù đã 3, 4 tuổi vẫn không thể thực hiện được những hành vi bình thường của trẻ vài tháng tuổi. Chính vì vậy, tùy vào từng dạng rối loạn mà giáo viên đưa ra các bài tập luyện thích hợp với khả năng của trẻ, chủ yếu xoay quanh bảy lĩnh vực: bắt chước, nhận thức giác quan, vận động tinh, vận động thô, phối hợp mắt và tay, tư duy và ngôn ngữ.

Niềm vui và hạnh phúc của những người làm thầy cô ở Trung tâm thật đơn giản, đôi khi chỉ cần học trò bật ra được một âm thanh nào đó nghe tròn tiếng, hay chỉ là những nét vẽ đơn giản... Sự tiến bộ của các em hàng ngày chính là động lực để các thầy cô nơi đây vượt qua khó khăn trên hành trình gian nan mang hy vọng đến cho trẻ tự kỷ.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc