Multimedia Đọc Báo in

Hưởng ứng Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông "Tưởng nhớ người đi - vì người đang sống"

09:12, 07/11/2014

Bất cứ vụ TNGT nào xảy ra cũng để lại hậu quả khôn lường, kéo theo biết bao tính mạng con người, có người ra đi vĩnh viễn, cũng có người bị thương tật đeo đẳng suốt cuộc đời. Và, nỗi đau đó không chỉ đến với nạn nhân mà còn đến với người thân, bạn bè của họ.

"Tưởng nhớ người đi – vì người đang sống” – đó là thông điệp cũng như khẩu hiệu tuyên truyền trong kế hoạch hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” tại Việt Nam năm 2014, dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 11 năm nay. Nội dung của chương trình này nhằm hướng tới mục đích cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa TNGT, kêu gọi sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng về những tổn thất, mất mát của nạn nhân, gia đình nạn nhân. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT…
 
Dak Lak là một trong những địa phương 7 năm liên tục TNGT giảm cả 3 tiêu chí, đó là kết quả của sự nỗ lực từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương, song theo đánh giá của cơ quan chức năng, TNGT tại địa phương từ đầu năm đến nay giảm, nhưng chưa thực sự vững chắc và thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng… Đặc biệt, trong tháng 10-2014, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương. Đơn cử như vụ TNGT vào chiều 1-10 tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) đã cướp đi sinh mạng của 2 vợ chồng ông Võ Trung Trực, bà Bùi Thị Hạnh quê ở Bình Định lên Dak Lak làm thuê kiếm sống và 11 người khác bị thương. 20 ngày sau, cũng tại địa phận huyện Ea H’leo xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, khiến 1 cháu bé mới 3 tháng tuổi và bà Phạm Thị Len (SN 1965) quê ở Nam Định vào thăm con chết tại chỗ, 8 người khác bị thương. Theo thống kê, 9 tháng năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 382 vụ TNGT, làm chết 194 người, bị thương 425 người, so với cùng kỳ năm 2013 giảm 41 vụ, 27 người chết và 33 người bị thương.
Ban An toàn giao thông tỉnh thăm hỏi người bị nạn  điều trị tại bệnh viện.
Ban An toàn giao thông tỉnh thăm hỏi người bị nạn điều trị tại bệnh viện.

Nỗi đau và sự mất mát do TNGT để lại sẽ mãi là vết thương khó có thể chữa lành đối với bản thân người bị nạn cũng như thân nhân của họ. Để kịp thời động viên, chia sẻ và góp những tấm lòng đối với thân nhân cũng như người bị TNGT, các cấp, ngành, đoàn thể đã đến thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân ngay tại bệnh viện hoặc nhà riêng của họ. Vào một ngày tháng 10, chúng tôi có dịp cùng Ban An toàn giao thông tỉnh đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương trong vụ TNGT xảy ra vào chiều 20-10 tại thị trấn Ea Đrăng, qua đó mới thấy được sự mất mát không gì có thể bù đắp nổi đối với họ. Chị Nguyễn Thị Bảo Trâm (SN 1991) – là mẹ của bé Quách Nguyễn Huyền Trân (SN 2014 bị chết trong vụ TNGT này) trông khá tiều tụy, nét đau xót, bần thần như còn hằn sâu trong đôi mắt, chị nghẹn ngào: “Vợ chồng em cưới nhau được 2 năm, đứa con đầu lòng là món quà vô giá, thế nhưng từ ngày con ra đi, không khi nào em chợp mắt được, mỗi lần căng sữa em lại nghĩ đến con, đau lòng lắm chị ơi!”.  Bà Phạm Thị Hổ cũng bùi ngùi khi kể về đứa cháu ngoại, 2 mẹ con Trâm về ngoại “ở cữ” đúng 3 tháng 10 ngày, hôm xảy ra tai nạn mẹ con nó xin về nhà nội chơi, ai ngờ chiều tối hôm đó hay tin cháu mất, bà bủn rủn cả chân tay…! Đến thăm, động viên và chia sẻ với sự mất mát của gia đình, Ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã chia buồn tới gia đình chị Trâm, mong muốn vợ chồng chị và những người thân trong gia đình vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc sống.

Người mất thì đã đi xa vĩnh viễn, còn người bị thương mang trong mình nỗi đau thể xác và tinh thần như trường hợp của nạn nhân Quách Thị Mỹ Hạnh (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo). Kể từ thời điểm xảy ra tai nạn, đến nay đã hơn nửa tháng, chị vẫn đang phải điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Cho đến bây giờ chị vẫn còn run khi nghĩ đến tai nạn, nhất là với cái chết của bé Trân (cháu gái của chị). Chị kể, hôm xảy ra tai nạn, mẹ con Trân mới từ ngoại về, chị muốn bế cháu ra chợ chơi, ai ngờ…, trong tích tắc đứa cháu đã vụt khỏi bàn tay chị và ra đi vĩnh viễn. Kể đến đó, nước mắt chị tuôn trào, không thể cất nổi thành lời. Anh Trần Đình Nghĩa (chồng chị Hạnh) chia sẻ, trong những ngày qua, được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, tận tình của các y, bác sĩ tại bệnh viện, sức khỏe của vợ con anh đã hồi phục, hiện bé Trí đã xuất viện, anh cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn.

Còn nhớ vào tháng 11 năm trước, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Ban ATGT Dak Lak hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa cho bà H’Sứk Knul (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) có chồng bị tử vong do TNGT năm 2012. Được ở trong ngôi nhà kiên cố, bà H’Sứk Knul chia sẻ, nhờ sự quan tâm của các tổ chức và chính quyền địa phương, mà mấy mẹ con bà có chỗ ở ổn định, không phải cảnh “nay đây mai đó” mỗi khi mùa mưa đến như trước đây nữa, giờ đây, mẹ con bà chỉ chú tâm lo việc nương rẫy hằng ngày mà thôi.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.