Multimedia Đọc Báo in

Mái ấm giữa buôn nghèo

16:05, 09/11/2014
Buôn Drang Phôk nằm lọt thỏm giữa rừng Yok Đôn, cách trung tâm xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), hơn 30 km đường đất; đời sống của hơn 400 nhân khẩu nơi đây còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
 
Trong buôn có gia đình bà H’Đonh Byă (80 tuổi, em gái ruột của liệt sĩ Y Yăm Byă) là khó khăn hơn cả. Hàng chục năm qua, cả gia đình bà H’ Đonh gồm sáu người vẫn sinh sống trong một căn nhà sàn gỗ tuềnh toàng hơn 30m 2, gió lùa mưa dột.

Trước hoàn cảnh ấy, thực hiện phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Buôn Đôn phối hợp với các cơ quan, ban ngành của huyện, xã đứng ra vận động, quyên góp để xây tặng gia đình bà H’Đonh một căn nhà tình nghĩa trên nền đất cũ. Để sớm hoàn thiện và bàn giao ngôi nhà cho gia đình, hơn một tháng qua, các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Buôn Đôn và lực lượng dân quân thường trực xã Krông Na đã trực tiếp thi công, xây dựng, từ đào móng và đặt những viên gạch đầu tiên đến hoàn thiện các khâu cuối cùng của ngôi nhà.

Ngày xây nhà, tối về các anh bộ đội quây quần tá túc trong ngôi nhà cộng đồng giữa buôn. Bà con và các cháu học sinh nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh những chú bộ đội thân thiện, gần gũi và vui tính. Những hôm bộ đội xây nhà, thi thoảng bà con lại chạy qua giúp đỡ một tay; có nải chuối, nắm xôi bà con cũng dành cho bộ đội. Khi bộ đội đặt nóc, bà con còn giúp thêm chút xà gỗ để ngôi nhà thêm chắc chắn. Từ hôm bộ đội xây nhà, ngày nào ông Y Phưn Ksơr, già làng buôn Drang Phôk cũng có mặt từ rất sớm để phụ giúp anh em. Ông bảo: “Tao tưởng bộ đội chỉ giỏi bắn súng với hành quân thôi, thế mà xây nhà cũng giỏi, bộ đội còn biết đắp chỉ, đi đường dây điện ngầm nữa, xây đến đâu gọn gàng đến đó, không bỏ phí một xẻng vữa nào. Thằng Trường, thằng Hùng, thằng Nhân (các chiến sĩ Nguyễn Quang Trường, Nguyễn Hữu Hùng, Trần Văn Nhân – Đại đội BB5, Ban CHQS huyện Buôn Đôn) chặt gạch, tô tường nhanh và khéo lắm. Giữa đêm thấy mưa to, bộ đội đều dậy che chắn cẩn thận cho bức tường và mấy bao xi măng rồi mới đi ngủ. Tao phải bảo cái lũ thanh niên trong buôn qua đây nhìn bộ đội làm thôi”.

Bà H'Đonh (ngồi ghế) trong ngôi nhà mới.
Bà H'Đonh (ngồi ghế) trong ngôi nhà mới.

Buổi tối rảnh rỗi, mấy anh em chiến sĩ thường lân la đến các gia đình trong buôn thăm hỏi, trò chuyện. Bà con trong buôn dạy bộ đội nói tiếng đồng bào, chỉ cho bộ đội những nét văn hóa truyền thống, cả phong tục dựng vợ gả chồng nữa. Bộ đội cũng hướng dẫn bà con cách ăn ở hợp vệ sinh, cách nuôi gà nuôi lợn, cách trồng ngô trồng sắn, căn dặn bà con không mê tín dị đoan, không nghe lời kẻ xấu, không vượt biên trái phép… Thanh niên trong buôn rất thích ngồi nghe bộ đội chơi ghi ta, hát những bài ca cách mạng, nói chuyện lịch sử.

Ngôi nhà khang trang trị giá hơn 90 triệu đồng hoàn thành sau một tháng thi công. Ngày bàn giao công trình, bà còn đến dự rất đông vừa chia vui với gia đình bà H’Đonh vừa chia tay bộ đội. Trong lễ bàn giao, bà H’Đonh mắt ngấn nước nắm chặt tay bộ đội; không nói được tiếng Kinh và bị liệt cả hai chân, nhưng những việc bộ đội làm bà biết cả. Căn nhà rộng rãi với diện tích 88m2, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, nền lát gạch men, mái lợp tôn, cửa gỗ chắc chắn từ nay là mái ấm chắc chắn của gia đình bà. Bộ đội còn đứng ra vận động các cơ quan, ban ngành và các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ gia đình một bộ bàn ghế, hai chiếc giường ngủ trị giá hơn 15 triệu đồng. Đồng chí Vong Nhi Ksơr, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn cảm kích: “Toàn huyện Buôn Đôn có 297 đối tượng chính sách. Thời gian qua địa phương đã xây dựng và bàn giao hơn 100 ngôi nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Có được kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của các cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện. Chính bằng cái tâm và sự tri ân với các gia đình chính sách, các anh đã góp phần mang lại nhiều mái ấm cho người dân, để lại tình cảm tốt đẹp cho bà con địa phương”.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.