Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh trên hồ Lak

08:50, 27/11/2014

Hồ Lak (thuộc huyện Lak) là hồ tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên và đã được công nhận danh lam thắng cảnh Quốc gia vào năm 1993. Với diện tích khoảng 500 ha, hồ Lak không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Dak Lak mà còn là “đất”  sinh nhai của hàng trăm người dân quanh hồ từ bao đời nay…

Khi màn đêm buông xuống, mọi người đều chìm trong giấc ngủ say thì những người dân làm nghề chài lưới trên hồ Lak lại bắt đầu cuộc mưu sinh hằng ngày của mình trên những con xuồng đánh cá trong đêm.  Ông Lê Văn Thao, Hội trưởng Hội Nghề cá huyện Lak cho biết: “Số lượng người dân làm nghề chài lưới trên hồ Lak hiện khoảng hơn 300 người, tập trung chủ yếu ở thị trấn Liên Sơn, xã Dak Liêng, xã Yang Tao… Từ bao đời nay, đánh bắt cá đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho các hộ dân trong vùng. Trước đây, khi nguồn lợi thủy sản trên hồ còn nhiều thì cuộc sống của người dân cũng tạm ổn. Giờ đây, do sự suy giảm nguồn lợi nên số lượng người làm nghề này cũng giảm nhiều hoặc chuyển đổi sang nghề khác. Dẫu cuộc sống vất vả nhưng các hội viên vẫn đoàn kết, giúp đỡ nhau để duy trì và phát triển nghề đã có từ lâu nay”.

Rít từng hơi thuốc lá để chống chọi với cái lạnh giữa đêm khuya, anh Nguyễn Văn Lanh (SN 1986) ở thị trấn Liên Sơn chậm rãi chia sẻ: “ Vợ chồng tôi làm nghề thả lừ (đăng), đánh lưới trên hồ này cũng đã được gần 15 năm nay, vất vả nhiều mà thu nhập cũng bấp bênh lắm”. Là người quê gốc Bình Định, từ nhỏ anh Lanh đã theo cha mẹ vào mảnh đất này sinh sống. Vốn là dân biển, gia đình lại làm nghề chài lưới nên từ nhỏ anh đã quen với sông nước khi theo cha mẹ đi đánh cá, lớn lên thành cái “nghiệp” lúc nào chẳng hay. Chị Võ Thị Ngọc Hoa (vợ anh Lanh) tâm sự: “Khoảng 3 giờ chiều là hai vợ chồng bắt đầu đi làm, cứ thế thả đăng, đánh lưới đến sáng hôm sau. Hôm nào “trúng” thì kiếm được 300 nghìn đồng, còn thường thì được khoảng 150 nghìn đồng là cùng. Có hôm chi phí chỉ đủ tiền đèn dầu. Vất vả thế nào chúng tôi cũng chịu được, chỉ thương đứa con nhỏ mới 6 tuổi đầu, tối nào cũng phải gửi nhà anh chị để ba mẹ có thời gian đi làm kiếm sống”.

Thương lái đến tận bến để thu mua cá của các ngư dân.
Thương lái đến tận bến để thu mua cá của các ngư dân.

Tầm 4 giờ sáng, khi trời còn tối đen chưa nhìn rõ mặt người, thương lái đã đổ về “bến cá” để nhập hàng mang đi tiêu thụ. Gọi là “bến” nhưng thực ra đây chỉ là một bãi đất thoai thoải mà người dân tận dụng làm nơi chăn nuôi vịt. Mỗi khi có thuyền vào bến, cả thương lái lẫn ngư dân đều ngồi xổm xuống, vén tay áo phân loại từng loài cá, tôm. Giá cả dẫu lúc xuống lúc lên nhưng không hề có chuyện “phá giá”, tranh giành mua bán. Chỉ tấp nập khoảng gần hai tiếng đồng hồ, nhưng từ bến cá này, các loại tôm, cá theo thương lái tỏa về khắp mọi nơi, từ chợ huyện Lak cho tới chợ Buôn Ma Thuột, thậm chí là sang cả chợ Đà Lạt. Chị Phương, một thương lái tại đây cho biết, sáng nào chị cũng vào bến cá này để mua hàng đem lên chợ Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) bán lại. Mỗi lần chị mua tầm vài chục ki-lô-gam từ tôm, cua, cá bống cho đến rô phi, thát lát, cá lăng. Mỗi chuyến đi, sau khi trừ chi phí thì cũng còn lời chút đỉnh, đủ lo cho cuộc sống gia đình.

Khoảng 6 giờ sáng các ngư dân lại cần mẫn dọn thuyền thu lưới sau một đêm thức trắng... Mỗi mẻ tôm cá bán đi, niềm vui của họ là được cầm số tiền ít ỏi được đánh đổi bằng những đêm dập dềnh sóng nước. Nhưng rồi, trong câu chuyện của những người này, dường như vẫn còn đó nỗi lo âu, thấp thỏm bởi tài nguyên trong hồ có phong phú mấy nhưng đánh bắt mãi rồi cũng ít dần. Anh Nguyễn Văn Long, một ngư dân đánh cá trên hồ Lak tâm sự: “Biết nghề này ngày một khó khăn nhưng vì hoàn cảnh quá cơ cực nên vẫn phải làm bởi không còn sự lựa chọn khác. Nửa đêm nửa hôm, một mình trên chiếc thuyền nhỏ, chống chọi với gió rét đôi khi cũng tủi thân lắm”. Còn ông Ama Tuynh (SN 1964) ở xã Yang Tao, người đã gắn bó với nghề này ngót 30 năm thì ngậm ngùi: “Hôm nào mình cũng đi từ 2 giờ chiều, tới 5 giờ sáng mới về. Có đêm lỗ, có hôm hòa vốn, đêm nào may mắn thì được vài trăm nghìn đồng. Mọi thứ chi phí đều tăng trong khi tôm cá giờ nhỏ lắm, nhưng cũng phải làm mà sống thôi”.

Tuy cuộc sống vất vả song hầu hết những người làm nghề đánh bắt cá ở đây ai nấy đều thương yêu, chia sẻ buồn vui, gian khó cùng nhau. Họ chia nhau từng điếu thuốc, từng ngụm cà phê để chống chọi lại cái lạnh giá và những cơn buồn ngủ mỗi khi đêm về khuya. Khi vào bờ, thỉnh thoảng họ lại gặp nhau để tâm sự và chia sẻ với nhau về những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, của cái “nghiệp” mà mình đã theo đuổi. Những nỗi lo toan, tính toán mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày hằn lên khuôn mặt họ, nhưng sâu trong từng đôi mắt ấy vẫn hiện lên một niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc sống, vào một tương lai sẽ ngày càng tốt đẹp hơn…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc