Multimedia Đọc Báo in

Nữ cán bộ hội phụ nữ nhiệt huyết với nghề

15:19, 10/11/2014
Buôn Drang Phôk nằm cách trung tâm xã Krông Na (Buôn Đôn) 18 km; buôn hiện có 109 hộ với khoảng 455 nhân khẩu gồm 6 dân tộc anh em cùng chung sống.
 
Là địa phương nằm ở vùng biên giới, kinh tế chậm phát triển, những năm qua mặc dù Nhà nước đã hết sức quan tâm, đầu tư cho các xã vùng biên nhưng đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng gia tăng dân số vẫn còn tồn tại dai dẳng. Làm công tác tuyên truyền tại địa phương đã hơn 10 năm, chị Bùi Thị Nhung, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ buôn cho biết: “Buôn có nhiều dân tộc cùng chung sống như Mông, Êđê, Lào, Tày, Nùng nên rất đa dạng về văn hóa sắc tộc… Trước đây, do nhận thức vẫn còn thấp nên người dân chỉ quen với việc phá rừng làm nương rẫy, sống tạm bợ qua ngày. Đồng bào theo chế độ mẫu hệ, vẫn còn những hủ tục lạc hậu, bản thân mình lại bất đồng ngôn ngữ với bà con nên công tác dân vận ở đây khó khăn lắm”. Điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn chưa cao, tình trạng tảo hôn vẫn còn, nhiều gia đình đứa trẻ này chưa kịp lớn đứa khác đã ra đời nên ở đây cũng xuất hiện những ông bố, bà mẹ “nhí”. Đơn cử như trường hợp H’ Vân Tiên Buôn Krông (42 tuổi) đến nay đã có 11 người con, hay như chị H’ Tin ở tuổi 35 tuổi đã là mẹ của 6 đứa trẻ. Đáng nói, các hộ trên đều là hộ nghèo, vì đông con việc học hành của các em đều bị gián đoạn, hầu hết là bỏ học ở nhà vào rừng kiếm củi, săn thú rừng, hoặc làm lúa nước.
Chị Nhung đang tư vấn chăm sóc sức khỏe  sinh sản cho chị em phụ nữ trong buôn.
Chị Nhung đang tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ trong buôn.

Thấy người dân cứ luẩn quẩn trong nghèo túng, nheo nhóc, đã bao lần chị Nhung tổ chức sinh hoạt ở nhà cộng đồng để vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Đôi lúc chị còn chủ động đến từng nhà để tìm cách thuyết phục, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, những cái nhìn lạnh nhạt. Không nản chí, nắng cũng như mưa, chị đồng hành cùng tất cả niềm vui nỗi buồn của bà con trong buôn. “Có nhiều khi nửa đêm, chị em nào sinh nở hay đau ốm gọi nhờ, tôi sẵn sàng đến giúp họ. Đoạn đường từ buôn ra Trạm Y tế xã xa xôi, lại phải đi qua rừng, nhưng tôi nghĩ chỉ cần giúp ích được gì cho chị em thì mình giúp, không thấy khó khăn hay phiền hà gì cả”, chị Nhung tâm sự. Để giúp người dân có cái nhìn đúng đắn về việc kế hoạch hóa gia đình, chị tìm đọc các tài liệu, sách báo có nội dung liên quan, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do cấp trên tổ chức, rút kinh nghiệm từ bản thân… để tìm ra biện pháp tuyên truyền đến người dân trong buôn một cách hiệu quả nhất. Thông qua các buổi họp thôn buôn, đoàn thể, chị Nhung chủ động phối hợp, lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, cách chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em, Luật Bình đẳng giới… Ngoài ra, chị còn chủ động đến thăm từng hộ gia đình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng. Đối với những gia đình đã sinh 2 con nhưng sinh con một bề, chị phân tích, giảng giải vận động bà con thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần ý thức về việc không nên sinh đông con của người dân buôn Drang Phôk đã được cải thiện rõ rệt, hiện buôn có 85 chị em trong đó hơn một nửa đã triệt sản, đình sản, ngoài ra chị em cũng đã biết chủ  động thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, tự giác tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản do trạm y tế xã tổ chức…

Ngoài công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, chị Nhung còn vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi quanh nơi ở, tẩm màn để phòng bệnh sốt rét nhất là vào mùa mưa hằng năm, kịp thời thông báo tình hình các loại dịch bệnh để bà con phòng tránh. Nhờ vậy, nhiều năm liền buôn Drang Phôk không để xảy ra dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chị Nhung còn tổ chức các buổi giao lưu học hỏi cho chị em trao đổi cách làm ăn, vận động chị em sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay để chăn nuôi bò phát triển kinh tế và sắp tới là hướng đến mô hình trồng mía tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.