Multimedia Đọc Báo in

Tiểu phẩm tuyên truyền lưu động về An toàn giao thông: Đặc sắc và ý nghĩa

16:06, 09/11/2014
Trong hơn hai ngày diễn ra Hội thi các đội tuyên truyền lưu động (TTLĐ) về an toàn giao thông khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, 13 đội thi đã mang đến những tiết mục đặc sắc vừa thể hiện rõ nét chủ đề của hội thi “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” vừa mang đậm nét đặc trưng văn hóa của địa phương.

Với thời gian biểu diễn nội dung thi trong vòng 40-45 phút, các đội thi đã xây dựng một chương trình tuyên truyền tổng hợp gồm cả phần hát múa, tuyên truyền trực quan thông qua các panô, áp phích và kịch thông tin; thậm chí đội TTLĐ Phú Yên còn lồng ghép cả nội dung tuyên truyền miệng về thực trạng tai nạn giao thông và tuyên truyền qua máy chiếu (projecter) về thực trạng, giải pháp siết chặt quản lý kinh doanh và tải trọng phương tiện giao thông trong phần thi của mình. Các tiết mục ca múa đều xoay quanh nội dung về ý thức chấp hành giao thông, cảnh báo về nguy cơ mất an toàn nếu vi phạm Luật Giao thông, ca ngợi niềm tin yêu cuộc sống, ca ngợi hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông… Tuy nhiên, phần thi được mong đợi hơn cả vẫn là tiểu phẩm với chủ đề về các nội dung của hội thi. Bằng hình thức kịch nói lồng ghép với những điệu hát, lời ca, các tiểu phẩm đã chuyển tải thông điệp về nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra, cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật giao thông, nhất là trong việc chở quá khổ, quá tải.

Đội TTLĐ Bình Định biểu diễn tiểu phẩm “Chọn mặt gửi vàng”.   Ảnh: G.N
Đội TTLĐ Bình Định biểu diễn tiểu phẩm “Chọn mặt gửi vàng”. Ảnh: G.N

Tiểu phẩm “Để giảm bớt nỗi đau” của đội TTLĐ Quảng Nam kể về câu chuyện một xe khách ham đón khách, chở quá số người quy định lại còn giành đường, vượt ẩu nên gây tai nạn với một xe máy khiến hai cha con người đi xe máy thương vong. Lời dẫn chuyện của hai tuyên truyền viên và đối thoại giữa các nhân vật trong tiểu phẩm được thể hiện dưới nhiều hình thức như: nói, đọc ráp, nói thơ, hát lời cải biên nhạc trẻ và cải biên từ các điệu dân ca như “Cò lả”, “Bà rằng bà rí”, “Lý ru con Quảng Nam”, hát lô tô, hát u liêu u xáng… Với thời lượng vài chục phút, tiểu phẩm không chỉ cảnh báo về nguy cơ tai nạn do các hành vi thiếu ý thức gây nên mà còn giới thiệu những nét chính về tình trạng an toàn giao thông ở tỉnh Quảng Nam, tuyên truyền về những hành vi phạm luật và các chế tài xử phạt, đồng thời cũng nêu rõ những giải pháp cần thực hiện để giảm bớt nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra. Những nội dung tưởng chừng khô khan nhưng được thể hiện hấp dẫn, dễ đi vào lòng người. Đội TTLĐ tỉnh Dak Nông mang đến hội thi câu chuyện xảy ra tại một bon (buôn) của người M’nông với tựa đề “Trả lại con đường của voi”. Con đường Voi của bon vốn được dân làng dùng để lùa đàn voi săn được về làng và đưa đàn voi ra thác tắm song đã bị phá hỏng do những kẻ lái xe chở quá tải trọng chạy vào để né tránh trạm cân. Tiểu phẩm còn phản ánh những thủ đoạn của đội ngũ cò dẫn xe “né” trạm cân và việc dùng sức voi để kéo xe tải gây bức xúc cho người dân. Tiểu phẩm còn ca ngợi hành vi kiên quyết của những chiến sĩ công an địa phương trong việc kiên trì phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải.

Đến với hội thi lần này, đội TTLĐ tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu với khán giả tiểu phẩm mang tựa đề “Chuyện xóm tôi”. Chỉ là những câu chuyện bình dị của người dân nơi xóm nhỏ, không có nhiều kịch tính song những chi tiết nhỏ trong tiểu phẩm đã chuyển tải rõ rệt đến người xem thông điệp “để giảm tai nạn giao thông và những hậu quả thương tâm do tai nạn gây ra phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người”. Tiểu phẩm kể về câu chuyện của một tài xế xe tải chạy tuyến nội tỉnh lâu năm, dù luôn nhận thức được rằng chở đúng tải trọng quy định là bảo vệ chính bản thân mình, giữ phương tiện bền lâu và tránh được tình trạng phá hư công trình cầu đường song ông cũng đã vi phạm chở quá tải trọng cho phép trong một lần chở hàng cho người quen vốn là người có chức quyền. Tai nạn từ một lần thiếu ý thức gây ra là bài học nhớ đời với người tài xế trong câu chuyện và chắc chắn cũng là lời cảnh báo đối với nhiều tài xế khác. Khác với tiểu phẩm nhẹ nhàng của đội thi tỉnh Quảng Ngãi, phần tiểu phẩm của đội Lâm Đồng mang tựa đề “Ngọc Hoàng xử án” thể hiện rõ kịch tính, trong cái bi có cái hài, khắc sâu hình ảnh đối với người xem. Tiểu phẩm kể về câu chuyện từng xảy ra trong thực tế: Một đôi bạn trẻ đi đưa thiệp hồng mời đám cưới song trên đường đi, do tránh xe tải, đi vào phần đường có nhiều ổ gà, ổ voi nên đôi bạn trẻ gặp tai nạn giao thông khiến người bạn trai chết tại chỗ. Sau cái chết thương tâm, người chồng lên kiện trời, Ngọc Hoàng chỉ ra lỗi do hạ tầng giao thông. Anh chồng tìm đến thần cầu đường, thần lại bảo lỗi do xe quá tải, khi gặp thần xe tải, anh nhận được câu trả lời là do con người bắt chở quá tải trọng… Và cái kết của câu chuyện nhằm gửi gắm đến người xem là mọi nguyên nhân đều xuất phát từ ý thức của con người.

“Mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, có như vậy mới giảm thiểu được tai nạn” cũng là thông điệp do đội TTLĐ Đà Nẵng chuyển tải đến người xem thông qua tiểu phẩm “Cuộc họp tổ dân phố”. Đó là một cuộc họp cuối tuần ở một tổ dân phố, nhân vụ tai nạn của một gia đình trong xóm, bà con bàn về văn hóa tham gia giao thông. Các vi phạm Luật Giao thông được “điểm mặt, chỉ tên”, tìm nguyên nhân và câu chuyện đúc kết rằng không phải ai khác, chính bản thân mỗi người phải tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông. Tiểu phẩm “Nỗi đau oan nghiệt” của đội TTLĐ Bình Thuận kể về nỗi đau của một gia đình kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ôtô tải, trong mỗi lần lưu thông xe luôn chở quá khổ, quá tải. Việc bất chấp luật pháp, cố tình vi phạm đã mang đến chính bi kịch cho gia đình này, chiếc xe chở quá tải của ông bố đã tông chết chính cô con gái của mình. Ông Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng đoàn Bình Thuận chia sẻ: “Đoàn Bình Thuận mang đến tác phẩm này với mong muốn nhắn nhủ đến người tham gia giao thông, nhất là cánh tài xế xe tải, xe khách... đừng vì lợi nhuận trước mắt mà gây ra tai họa cho bản thân, gia đình và người khác. Tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh thường trực khiến bao gia đình phải gánh chịu mất mát đau thương”...

Có thể nói, các tiết mục dự thi của các đội TTLĐ tại hội thi lần này đã khiến người xem “thấm” nhiều ý nghĩa và tự rút ra những bài học cho riêng mình.

Nhóm PV


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.