Multimedia Đọc Báo in

Người dân xứ đạo chung tay xây dựng nông thôn mới

20:09, 21/12/2014
những ngày đầu tháng 12, không khí Giáng sinh dường như đã tràn ngập các khu dân cư xứ đạo Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin). Với bà con các Giáo xứ Kim Phát, Đông Sơn, Giang Sơn và giáo họ Kim Thành, mùa Noel năm nay vui hơn với sự hiện diện của những con đường làng được bê tông khang trang, sạch đẹp…

Việc có những con đường kiên cố lại càng ý nghĩa với bà con Giáo xứ Kim Phát khi chuẩn bị đón mùa Giáng sinh kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ. Nhìn tuyến đường bê tông khang trang trước nhà (mới được hoàn thành cách đây hai tháng), ánh mắt bà Trần Thị Kim Vân, thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) lấp lánh niềm vui: “Có một con đường kiên cố, sạch đẹp thế này là mơ ước bao nhiêu năm nay của bà con nơi đây. Đường này trước đây rất xấu, lồi lõm ổ gà, lầy lội và bụi bặm, thỉnh thoảng bà con trong xóm lại phải đắp vá bằng tôn, gỗ hay xà bần”. Những ngày ra quân làm đường cũng là kỷ niệm rất vui đối với gia đình bà Vân và nhiều hộ dân sống trên tuyến đường 3 ở thôn Kim Phát. Hàng trăm người dân, kể cả cán bộ, đảng viên trong thôn và chức sắc, chức việc trong Hội đồng Giáo xứ cùng ra đường xắn tay xúc đá, trộn xi măng. “Khí thế lao động hăng say, sôi nổi khiến ai cũng muốn tham gia” – cô con gái của bà Vân góp chuyện.

Thôn Kim Phát có 550 hộ với 2.142 nhân khẩu, trong đó người dân theo đạo Công giáo chiếm gần 98%. Được chọn là thôn điểm xây dựng nông thôn mới của xã Hòa Hiệp, từ năm 2009 đến nay Kim Phát đã kiên cố hóa hầu hết các tuyến đường trên địa bàn; một số trục đường ngõ xóm còn lại dự kiến sẽ hoàn thành bê tông hóa trước Giáng sinh năm nay. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Thoạt đầu, khi mới bàn về chủ trương làm đường, nhiều hộ cũng chưa ủng hộ bởi lo phải đóng nhiều tiền, mất nhiều đất, thậm chí nhiều người còn hoài nghi là đóng góp rồi chưa chắc đã làm. Sau đó, chi bộ, ban tự quản thôn và Hội đồng Giáo xứ, giáo khu, giáo xóm phối hợp vận động, thuyết phục để bà con hiểu mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Khi bà con đã hiểu, đã thông thì việc đóng tiền, hiến đất làm đường rất thuận lợi. Nhiều hộ hiến hàng trăm mét vuông đất, thậm chí có gia đình hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn cũng sẵn sàng dỡ nhà (với sự hỗ trợ về vật chất của chính quyền và bà con trong thôn) để mở rộng đường. Ngoài đóng tiền làm đường theo chủ trương chung, bà con còn bỏ tiền bê tông hóa 50-70 cm lề đường, xây mới toàn bộ mương thoát nước bên đường. Không chỉ làm đường giao thông, trong những năm qua, người dân thôn Kim Phát còn đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng hội trường thôn, cổng chào, phòng trực dân quân tự vệ...”.

Hầu hết các tuyến đường ở thôn Kim Phát đã được bê tông hóa khang trang.
Hầu hết các tuyến đường ở thôn Kim Phát đã được bê tông hóa khang trang.

Ở thôn Đông Sơn, trục đường chính dẫn vào thôn dài 1 km vừa được hoàn thành đã nhân lên niềm hoan hỉ với bà con giáo dân mùa Giáng sinh này. Ở địa bàn thường bị lụt lội nên lâu nay người dân Giáo xứ Đông Sơn vẫn mong mỏi có một con đường kiên cố thay thế con đường đất gồ ghề, bụi bặm vào mùa khô và lầy lội, bẩn thỉu vào mùa mưa. Vì vậy, khi xã triển khai chủ trương hỗ trợ xi măng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, người dân thôn Đông Sơn đều xem đây là một cơ hội để kiên cố đường trong thôn và sẵn sàng hiến đất, góp tiền làm đường. Ông Nguyễn Gia Cao, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Đông Sơn, cho biết: “Theo quy định, Nhà nước hỗ trợ xi măng để làm đường rộng 3 m, dày 14 cm. Tuy nhiên, Chi bộ, Ban tự quản thôn và linh mục quản xứ, Hội đồng Giáo xứ cũng như người dân trong thôn đều thống nhất đóng góp mua thêm xi măng, cát, đá để làm đường rộng 4 m, dày 16 cm cho trục đường chính của thôn dài 1 km để đường kiên cố hơn, xe tải có thể lưu thông. Với đoạn đường liên xã dài 300 m, nhân dân trong thôn cũng đóng góp thêm để làm đường dày đến 18 cm bởi đây là đoạn đường có rất nhiều phương tiện lưu thông hằng ngày. Đó là chưa kể mỗi hộ đều tự bỏ tiền để xây mương thoát nước và đổ bê tông đoạn lề trước nhà. Không chỉ góp tiền, bà con trong thôn cũng vui vẻ tự giải phóng mặt bằng, hiến đất để nắn các con đường rộng, thẳng”.

Có thể nói, với sự chung tay, góp sức của người dân trên địa bàn, nhất là sự tham gia tích cực của đồng bào Công giáo, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Hòa Hiệp đã đạt những kết quả tích cực. Bằng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, theo đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, kinh phí gạt ủi, lu lèn, người dân thì đóng góp tiền mua cát đá và ngày công làm đường, trong hai năm 2013-2014, xã Hòa Hiệp đã bê tông hóa được khoảng 7 km đường, chủ yếu là tuyến đường chính tại các thôn; trong đó, một số thôn như Kim Phát, Đông Sơn, Thành Công, thôn Mới có nhiều tuyến đường trục thôn, xóm cũng đã được bê tông hóa. Tính riêng năm 2014, xã đã xây dựng gần 5,5 km đường ở 6 thôn gồm: Kim Phát, thôn Mới, Thành Công, Hiệp Tân, Giang Sơn, Đông Sơn; trong đó, nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng. Điều này đã góp phần làm cho tiêu chí giao thông của xã Hòa Hiệp đạt hơn 83% tiêu chí nông thôn mới (hiện toàn xã có hơn 10 km đường trục xã, liên xã đã được trải nhựa, cứng hóa; 7,9 km đường liên thôn, buôn được bê tông, cứng hóa; 17 km đường trục thôn xóm đã được bê tông hóa và 5 km đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa). Ông Đỗ Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp phấn khởi cho biết: “Xã hiện đã đạt 11 tiêu chí nông thôn mới và đang kỳ vọng đến hết năm 2014 sẽ đạt thêm 4 tiêu chí: giao thông, thủy lợi, điện và văn hóa. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, nhất là sự chung tay, góp sức của cộng đồng giáo dân Công giáo chiếm tới 87,8% dân số toàn xã. Nhờ được tuyên truyền, vận động, bà con đã hiểu mình là chủ thể, là người được hưởng lợi từ việc xây dựng nông thôn mới, và trên hết bà con đều có ý thức sống tốt đời đẹp đạo, giáo dân cũng là công dân. Hòa Hiệp đang phấn đấu hết sức đến đến năm 2015 sẽ trở thành xã nông thôn mới”.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.