Multimedia Đọc Báo in

Ở hai đầu thương nhớ!

21:04, 19/12/2014

Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 (Bộ Tư lệnh Đặc công) đang rộn ràng chào mừng ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì hậu phương ở xa không có mặt cùng vui với các anh, nhưng họ vẫn dõi theo, thầm chúc anh chân cứng đá mềm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Thấm thoắt, ngày tốt nghiệp Trường Sĩ quan Đặc công đã hơn 10 năm, cũng chừng đó thời gian Thượng úy Nguyễn Công Việt, Chính trị viên phó Đội 2 (Liên đội 20) nhận công tác xa và cũng 4 năm tròn, anh tạm xa người vợ trẻ. Trước đó, chàng trai trẻ quê Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) phải mất 3 năm kiên trì để thể hiện mình là người xứng đáng có được niềm hạnh phúc. Chuyện là, năm 2008, trong lần về phép, tình cờ anh quen chị Nguyễn Thị Hồng ở cùng quê. Chỉ sau vài lần gặp gỡ, nhưng đã lưu lại trong lòng đôi bạn trẻ nhiều nhung nhớ. Để khoảng cách 1.500 km được gần hơn, anh Việt thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên và làm công tác tư tưởng cho bà xã tương lai. Dù 3 năm dài xa cách, nhưng chị Hồng rất hạnh phúc khi nhận thấy chàng trai ấy không chỉ giỏi giang, mà còn rất tâm lý, tình cảm. Anh tủm tỉm nhớ lại: “Lúc đầu cứ nghĩ hai đứa sẽ khó đến được với nhau vì gặp quá nhiều thử thách, nhưng cuối cùng chúng tôi đã xây được một mái ấm hạnh phúc. Cô ấy bảo, chưa ai tạo được niềm tin tuyệt đối như tôi, còn tôi cũng thế, dù xa cách về mặt địa lý, nhưng trong lòng chúng tôi chưa bao giờ thiếu nhau…”. Hiện nay, anh chị đã có bé trai Nguyễn Công Hải Nam (2 tuổi) rất kháu khỉnh. Chỉ vào tấm hình con trai, anh kể: “Mấy lần về phép, tôi chạy tới bế con, nhưng cháu thấy lạ nên chẳng theo. Vậy nên ngày nào tôi cũng bế con, cho con quen dần hơi bố. Thương Nam nhất là ngày trở lại đơn vị, con cứ khóc thét đòi ba, còn tôi cũng ngân ngấn nước mắt…”. Tuy xa về khoảng cách, nhưng chuẩn bị kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chị Hồng vẫn điện thoại hỏi han, mong anh sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là người lính Cụ Hồ được dân yêu, dân quý.

 

Những giây phút cùng nhau tâm tình, đọc sách báo giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà.
Những giây phút cùng nhau tâm tình, đọc sách báo giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà.

 Cũng như anh Công, Trung úy Nguyễn Đức Diễm, Chính trị viên Đội Chống khủng bố đã có trên 12 năm công tác xa nhà. Tưởng thời gian dài sẽ chai lỳ nỗi nhớ, nhưng mỗi lần nhắc đến vợ con, chàng trai quê hương quan họ vẫn không dấu được cảm xúc nhớ thương. Còn nữ sinh sư phạm ngày đó, chị Đoàn Thị Hồng Hạnh (huyện Ninh Giang, Hải Dương) cũng nghẹn lòng mỗi lần nhắc đến anh. Quen nhau tình cờ, nhưng giọng ca quê hương quan họ đã khiến nữ sinh say như điếu đổ và yêu anh ngay từ lần gặp đầu tiên. Qua những cánh thư tay, lời hỏi han ân cần của anh càng khiến chị hiểu, cảm thông và yêu luôn công việc người lính. Chị mong lắm ngày anh về phép để khoảng cách 1.700 km được xích lại gần... Trở thành người vợ trẻ lắm lúc cũng khiến chị mệt mỏi, áp lực vì lo lắng cho bố mẹ hai bên, chăm sóc con nhỏ, công việc nhà… nhưng chỉ cần anh điện thoại hỏi han, chị lại thấy mình như được bao bọc, che chở. Anh Diễm nhìn xa xăm: “Làm người yêu của bộ đội đã khổ, làm vợ còn khổ hơn, lúc còn yêu nhau, tôi đã chia sẻ điều đó với cô ấy, nhưng dường như càng khổ, chúng tôi lại càng hiểu và gắn bó thêm”. Hiện tại, chị Hạnh đã sinh cho anh 1 cô công chúa đáng yêu, bé Nguyễn Lâm San chuẩn bị sinh nhật lần 2. Mỗi lần ba về phép, San lại sà vào lòng, ôm cổ, rồi hôn lấy hôn để lên má ba. Khi tiễn chồng về lại đơn vị, chị Hạnh thầm thì: “Chúc chồng em luôn “chân cứng đá mềm”, em và con mãi là bến đợi, là hậu phương vững chắc của anh”. Mới đây thôi, con gái yêu từ đầu dây xa ngái cũng thỏ thẻ với anh: “Bố ơi bố, San chúc bố ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam vui, khỏe, đẹp trai nhé bố!”…

Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hoan tận tụy với công việc được giao phó
Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hoan tận tụy với công việc được giao phó

Cách nhau gần 1.400 km, nhưng chưa giây phút nào chị Nguyễn Thị Huê (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) cảm thấy thiếu vắng tình cảm của chồng. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y I (Sơn Tây, TP. Hà Nội), năm 2008, Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hoan được phân công về Lữ đoàn 198 công tác, hiện giờ, chàng trai trẻ Hà thành là Y sĩ của Liên đội 20. Yêu xa, cưới rồi cũng xa, nhưng những cánh thư tay, lời thăm hỏi qua điện thoại giúp hai người giữ liên lạc thường xuyên. Tuy vậy, làm vợ 2 năm, nhưng số lần hai vợ chồng gặp gỡ quá ít khiến lắm lúc chị Huê vừa tủi thân, vừa thương chồng. Tết năm ngoái, chồng bận nhiệm vụ nên phải ở lại, vậy là chị Huê mạnh dạn khăn gói lên Tây Nguyên trực Tết cùng anh. Anh bồi hồi nhớ lại: “Vô tới đơn vị, vợ càng hiểu và cảm thông cho công việc của mình nhiều hơn. Cô ấy thích khí hậu, phong cảnh Dak Lak lắm, vừa dạo quanh đơn vị cô ấy vừa trầm trồ khen, khiến tôi cũng phổng mũi tự hào về nơi mình đóng quân”. Trong tháng 12 này, anh Hoan đón nhận 2 sự kiện lớn, vui vì thêm một năm được cống hiến trong môi trường quân ngũ, và hơn nữa là đón nhận thiên thần đầu tiên của hai vợ chồng.

Đại tá Lê Bá Chỉ, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 cho biết: “Khi tái thành lập năm 1994, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều công tác xa nhà. Tuy nhiên được sự quan tâm, động viên của Binh chủng, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn nên anh em đều yên tâm công tác, nâng cao trình độ, khả năng thích ứng… Đặc biệt, đơn vị luôn cố gắng tạo điều kiện cho các đồng chí thêm ngày phép, hợp thức hóa gia đình, nhờ vậy mà đến nay đã có hơn 30% quân nhân có gia đình gần nơi làm việc. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên người thân cán bộ, chiến sĩ lúc ốm đau và tạo điều kiện để các anh được về tranh thủ thăm gia đình…”.

Những người vợ lính, những “nội tướng” trong gia đình quân nhân, tuy phải gánh vác mọi công việc nhà, gặp nhiều vất vả, lo toan, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, các chị vẫn hãnh diện, tự hào khi được làm vợ lính.

Buổi gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ của các anh, khiến tôi liên tưởng đến ca khúc “Ở hai đầu nỗi nhớ” (lời thơ Trần Đình Chính, do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc):

“Ở hai đầu nỗi nhớ/Yêu và thương sâu hơn/ Ở hai đầu nỗi nhớ/ Nghĩa tình đằm thắm hơn…”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.