Multimedia Đọc Báo in

Sân chơi rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi xã Ea Tar

10:44, 15/12/2014
Đều đặn, cứ vào các buổi chiều hằng ngày, trừ những hôm trời mưa, các thành viên Đội bóng chuyền hơi của Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã Ea Tar (Cư M’gar) lại tập trung tại sân của UBND xã tổ chức đánh bóng chuyền. Đây là môn thể thao mới, bóng được làm bằng nhựa mềm, trọng lượng nhẹ, phù hợp với người cao tuổi, phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc.

Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại”, được Hội Người cao tuổi xã Ea Tar triển khai vào tháng 3-2014. Môn thể thao này đã thu hút được nhiều hội viên đăng ký tham gia và thực sự trở thành sân chơi bổ ích, giúp người cao tuổi tăng cường sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần. Tính đến nay, Hội Người cao tuổi xã Ea Tar đã thành lập được 5 đội bóng chuyền hơi gồm: 1 Đội của Ban Chấp hành Hội và 4 đội ở các thôn trung tâm xã, với 50 hội viên tham gia (có người đã 80 tuổi); trong đó đội bóng chuyền hơi của Ban Chấp hành Hội là đội bóng chuyền hơi đầu tiên trên địa bàn xã và huyện.

Một trận đánh bóng chuyền hơi của các thành viên Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã Ea Tar.
Một trận đánh bóng chuyền hơi của các thành viên Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã Ea Tar.

Do là môn thể thao chỉ dành cho người cao tuổi, ngoài việc bóng được làm bằng nhựa thì sân chơi cũng nhỏ, lưới thấp so với môn bóng chuyền bình thường. Sân chỉ có chiều dài 12 m, rộng 6 m. Cách chơi cũng đơn giản hơn nên dễ dàng để các cụ tập luyện. Khi tham gia đội bóng chuyền hơi nhiều hội viên dù tuổi đã cao nhưng tất cả đều chơi bóng rất hăng say tập luyện, cống hiến cho khán giả những pha phát bóng, đỡ bóng và chuyền bóng hay và đẹp. Các hội viên đều cảm thấy sức khỏe được cải thiện và nhanh nhẹn hơn khi tham gia môn thể thao này… Ông Trần Quốc Đạt, thành viên của đội bóng chuyền hơi của Ban Chấp hành Hội vui vẻ chia sẻ: “Tôi năm nay đã 68 tuổi; bản thân rất đam mê thể thao nhưng do tuổi cao, sức đã yếu nên cũng không biết chơi môn nào. Từ ngày Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã triển khai môn đánh bóng chuyền hơi tôi thấy rất phù hợp với tuổi của mình. Ngày nào tôi cũng đến tham gia đánh bóng chuyền hơi, hầu như chưa bỏ bữa nào. Tham gia môn thể thao này, tôi cảm thấy người minh mẫn, khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ ngon hơn trước đây rất nhiều…”.

Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ea Tar cho biết: “Trước đây trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Cư M’gar nói riêng, phong trào người cao tuổi chơi bóng chuyền hơi chưa được hình thành. Thông qua các phương tiện truyền thông và được sự giúp đỡ của các đơn vị bạn các tỉnh phía Bắc, cũng như nhận thấy rằng môn thể thao này rất phù hợp với người cao tuổi nên chúng tôi mạnh dạn học tập, áp dụng phong trào trên địa bàn xã. Hội đã xây dựng kế hoạch và triển khai cho các chi hội thôn, buôn; tuy nhiên do các đơn vị buôn bước đầu còn bỡ ngỡ với loại hình thể thao này nên chưa thành lập được đội nào, còn các đơn vị thôn thì 4/5 thôn đều đã thành lập được đội bóng, gồm các thôn: 1, 2, 3, 4. Các đội đều duy trì tập luyện đều đặn và thường xuyên. Trong những năm tới, mỗi năm chúng tôi phấn đấu sẽ phát triển từ 1-2 đội nữa…”.

Để động viên phong trào, UBND xã Ea Tar đã trích kinh phí hỗ trợ bóng và lưới cho mỗi đội. Nhân dịp Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10-2014, xã còn tổ chức giải bóng chuyền hơi trong người cao tuổi. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các đội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể thao trên địa bàn. Có thể nói, từ môn thể thao bóng chuyền hơi của Hội Người cao tuổi cũng tạo đà cho các hội, đoàn thể khác trong xã tập thể thao, rèn luyện sức khỏe. Vào các buổi chiều, tại sân UBND xã ngoài đội bóng chuyền hơi của người cao tuổi, còn có các đội bóng chuyền của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… góp phần đẩy mạnh phong trào rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.