Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Cư M'gar xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

20:41, 14/12/2014

Nhờ triển khai tốt các phong trào thanh niên và phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên mọi lĩnh vực, những năm qua, công tác Đoàn ở huyện Cư M'gar đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, được Tỉnh Đoàn đánh giá là đơn vị vững mạnh xuất sắc.

Huyện Cư M'gar hiện có 7.069 ĐVTN sinh hoạt ở 377 chi đoàn thuộc 42 tổ chức đoàn cơ sở (17 Đoàn xã, thị trấn; 5 Đoàn trường học; 20 chi đoàn trực thuộc). Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, nhiều năm liền các phong trào của ĐVTN trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tốt, được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận. Thông qua cuộc vận động “Thanh niên xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “Đồng hành với thanh niên trong lập thân lập nghiệp”, “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”…,  tuổi trẻ Cư M'gar đã tạo nên hình ảnh đẹp về thanh niên trong việc tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Anh Hoàng Xuân Việt, Bí thư Huyện Đoàn cho biết, thực hiện chương trình công tác Đoàn năm 2014 với chủ đề “Năm thanh niên tình nguyện", Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã lên kế hoạch và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Để khởi động "Năm thanh niên tình nguyên", Huyện Đoàn đã tổ chức chương trình "Xuân tình nguyện" tại xã Cư Dliê M’nông, với các hoạt động trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh khu vực buôn, khám, phát thuốc và tặng 32 suất quà trị giá 300.000 đồng/suất cho người dân trong buôn... Nhằm cụ thể hóa chương trình "Tuổi trẻ Cư M’gar chung tay xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015" và kế hoạch xây dựng công trình thanh niên cấp huyện, cơ sở năm 2013 – 2014 với chủ đề "Tuổi trẻ xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng ý thức văn minh đô thị", Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở triển khai những công trình, phần việc thanh niên thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung vào các lĩnh vực, tiêu chí bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở vật chất, văn hóa (làm sân bóng chuyền), hỗ trợ và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tham gia dọn vệ sinh các trục đường giao thông... Tới nay, các tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện được 42 công trình thanh niên với tổng trị giá trên 500 triệu đồng và hơn 150 phần việc thanh niên, sửa chữa trên 10km đường giao thông nông thôn giúp cho việc đi lại của nhân dân thuận tiện.

ĐVTN huyện Cư M’gar giúp người dân buôn Mông, xã Ea Kiết làm vườn rau xanh.
ĐVTN huyện Cư M’gar giúp người dân buôn Mông, xã Ea Kiết làm vườn rau xanh.

Bên cạnh các phong trào, hoạt động do Tỉnh Đoàn phát động, ĐVTN huyện Cư M'gar còn thực hiện nhiều chương trình, hoạt động tình nguyện và nhận được sự ủng hộ từ phía nhân dân. Đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, phát huy tinh thần “tương thân tương ái’’, các bạn ĐVTN đã cùng nhau xây dựng nguồn quỹ để giúp đỡ người nghèo. Để có tiền hoạt động, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã giao cho các tổ chức đoàn cơ sở triển khai nhiều hoạt động theo những hình thức khác nhau để gây quỹ. Theo đó, các tổ chức đoàn cơ sở đã vận động đoàn viên và nhân dân đóng góp tiền, hiện vật, thu mua quyên góp áo quần cũ, ve chai, đồng nát của người dân quanh thị trấn về bán, hoặc thành lập các đội hái cà phê thuê cho người dân,... Tất cả những phong trào này đều được các bạn trẻ thực hiện trong những ngày nghỉ, ngày lễ, ai cũng vui vẻ, hăng say, tranh thủ xây dựng nguồn quỹ ngày một dồi dào để giúp đỡ được nhiều người hơn. Cùng hoạt động xây dựng “Quỹ vì người nghèo’’, ĐVTN các tổ chức đoàn cơ sở còn tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, như bóc gỡ các tờ rơi quảng cáo, dọn dẹp vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phổ biến cách ăn ở vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho các em thiếu nhi và người dân các buôn,... Giờ đây trên những tuyến đường dọc thị trấn, trung tâm xã đã không còn hình ảnh những tờ rơi quảng cáo dán chằng chịt trên cột điện, hay bờ tường của các cơ quan đơn vị; thôn xóm, buôn làng cũng đã sạch đẹp, khang trang hơn nhờ bàn tay của các chàng trai, cô gái "áo xanh" dọn dẹp vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm, hỗ trợ làm vườn rau xanh cho người dân.

Nhờ nguồn tiền quyên góp và thu được từ các hoạt động gây quỹ, Huyện Đoàn đã có nguồn để hỗ trợ các em học sinh vượt khó học giỏi, tổ chức sửa chữa nhà cửa cho một số hộ nghèo ở các thôn, buôn... Mới đây nhất Huyện Đoàn đã ủng hộ 10 triệu đồng để xây dựng nhà Tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến), một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ngày ngôi nhà được đặt móng khởi công, bà Nguyễn Thị Hồng không kìm được niềm xúc động vì vui sướng. Bà Hồng tâm sự: "Thấy gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, các cháu đoàn viên thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà dọn dẹp nhà cửa cho tôi. Nhờ sự đóng góp của các cháu ĐVTN và sự quan tâm của lãnh đạo huyện, từ nay gia đình tôi đã có ngôi nhà kiên cố để ở, không phải lo âu khi trời mưa, trời nắng nữa!". Nói về vai trò của tuổi trẻ trong công tác tình nguyện, chị Nguyễn Thị Minh Thư, Phó Bí thư Xã Đoàn Quảng Tiến chia sẻ: "Trong cuộc sống còn nhiều hoàn cảnh éo le, bất hạnh, rất cần được sự chung tay sẻ chia của cả cộng đồng. Vì vậy, khi được cống hiến, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ, mang lại niềm vui cho người khác là niềm tự hào, hạnh phúc và là động lực để mỗi ĐVTN chúng tôi nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của huyện Cư M’gar không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “mình vì mọi người’’, mà còn khẳng định vai trò xung kích của ĐVTN trên mọi lĩnh vực. “Để các phong trào của tuổi trẻ Cư M'gar đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - an sinh xã hội, thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện Đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tình nguyện, xung kích nhân rộng trong toàn thể ĐVTN. Tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - anh Hoàng Xuân Việt nhấn mạnh.

 Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.