Multimedia Đọc Báo in

3 trẻ sơ sinh bị người thân bỏ rơi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

22:18, 31/03/2015

Thời gian qua, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 3 trường hợp trẻ sơ sinh vào điều trị, sau đó cả 3 trẻ này đều bị gia đình bỏ rơi tại Khoa.

Trường hợp đầu tiên là bé gái con mẹ Trang (ở phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vào Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh khi được 4 ngày tuổi với tình trạng sốt cao, suy hô hấp. Qua chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện bé bị vàng da tăng bilirubin gián tiếp, nhiễm trùng sơ sinh và mắc bệnh tim bẩm sinh. Hai trường hợp tiếp theo là bé trai con mẹ Nga (ở xã Nghĩa Tiến, huyện Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) và bé gái con mẹ Dính (dân tộc Nùng, ở xã Cư Króa, huyện M'Drak) đều nhập viện trong tình trạng sơ sinh non yếu, nhẹ cân, nhiễm trùng sơ sinh, suy hô hấp sơ sinh. Cả ba cháu bé trên được gia đình đưa đến nhập viện, sau đó bỏ đi không để lại địa chỉ hoặc điện thoại liên lạc. Thậm chí, khi bệnh viện phối hợp với địa phương lần theo địa chỉ ghi trong hồ sơ bệnh án để tìm kiếm người thân cho các bé và đã liên lạc được với gia đình của 2 bệnh nhi ở huyện Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) và huyện M'Drak nhưng họ đều từ chối nhận con vì lý do không đủ điều kiện nuôi dưỡng.

Bé gái con mẹ Dính đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.
Bé gái con mẹ Dính đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh: "Trong 3 bệnh nhi nói trên, bé gái con mẹ Trang lớn tuổi nhất và rất đáng thương. Bé vào Khoa ngày 22-11-2013 với bệnh lý vàng da tăng bilirubin gián tiếp. Sau 6 ngày điều trị bé được xuất viện nhưng không có người thân đón nên tập thể y bác sĩ tiếp tục để bé ở lại khoa nuôi dưỡng. Do thể trạng có bệnh tim bẩm sinh nên hơn một năm qua, bé được làm thủ tục nhập viện, xuất viện rất nhiều lần để điều trị, lần gần đây nhất vào tháng 1-2015, bé phải nhập viện vì viêm phổi nặng. Tương tự như trường hợp này, bé gái con mẹ Dính cũng hết sức đáng thương. Bé được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến ngày 11-2-2015 trong tình trạng sơ sinh non yếu, nhẹ cân, nhiễm trùng sơ sinh, suy hô hấp sơ sinh. Hiện tại, sau hơn một tháng điều trị tích cực, sức khỏe của bé đã có chuyển biến, lên cân, bú tốt, khóc to, nhưng bệnh vẫn còn trong giai đoạn nặng".

Do các bé không có người thân nên hàng ngày ngoài việc chăm sóc điều trị theo bệnh lý, các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh còn đảm nhận vai trò của những ông bố, bà mẹ trong việc nuôi dưỡng trẻ. Điều dưỡng Lê Thị Quế, một trong số những người thường xuyên chăm sóc các bé nói trên cho biết: “Nhiều đêm, các cháu thiếu hơi ấm của mẹ nên khóc thét. Những lúc như vậy, bác sĩ và điều dưỡng phải bế rồi ru cho bé ngủ. Chúng tôi còn thay phiên nhau đi xin sữa của các bà mẹ mới sinh ở bên khoa sản về cho trẻ ăn. Ngoài ra, cán bộ y bác sĩ và nhân viên trong khoa cũng tự nguyện quyên góp và vận động các mạnh thường quân ủng hộ để có thêm sữa và đồ dùng cho các cháu sử dụng hàng ngày". Chị Quế cho biết thêm, do bé gái con mẹ Trang ở trong khoa đã lâu nên được các y bác sĩ đặt tên là Hoàng Hà Nhi (Hoàng là họ của Trưởng khoa, Hà là họ của người mẹ đã sinh ra bé, còn Nhi là khoa nhi nơi bé đã cư ngụ suốt thời gian qua). Hiện tại, bé đã hơn một tuổi nên cũng nhận biết được nhiều thứ. Những khi không phải nhập viện điều trị, bé Nhi ngồi chơi ở khu vực làm việc của các điều dưỡng để mọi người vừa có thể quan sát bé vừa làm nhiệm vụ của mình.

Bé Hoàng Hà Nhi đang
Trong giờ làm việc, các điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh thay nhau bế bé Hoàng Hà Nhi.

Được biết, mới đây, một gia đình ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) đã xin nhận nuôi bé Nhi. Nhận được tin này, tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh rất vui mừng vì bé sắp có một gia đình thực sự. Song, vui mừng cho đứa trẻ này bao nhiêu thì họ lại lo lắng cho 2 cháu còn lại bấy nhiêu, bởi không biết tới đây số phận của các cháu sẽ như thế nào ?

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.