Multimedia Đọc Báo in

Bạo lực gia đình "S.O.S"!

08:36, 30/04/2015

Trong cuộc sống quanh ta, đây đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, đáng thương của nhiều phụ nữ vì tình trạng bạo lực gia đình khiến họ hứng chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều nạn nhân của tình trạng này đang cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng và xã hội để mong có được cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Chị P.T.T.L (sinh 1985 ở xã Dur Kmanh-huyện Krông Ana) là một trong nhiều trường hợp đáng thương. Lập gia đình cách đây 15 năm và cũng  ngần ấy thời gian chị phải sống trong hoàn cảnh không lối thoát. Chị L. kể trong nước mắt: hàng ngày phải chịu đựng những lời chửi mắng, thậm chí tục tĩu nữa và những trận đòn chết đi sống lại từ ông chồng vũ phu của mình. Chồng chị - Đ. X. N (sinh 1982) thường xuyên rượu chè, cờ bạc… và cứ sau mỗi lần “chén chú chén anh” bên hàng xóm, hay những lần tức giận vô cớ là anh ta trút tất bực tức lên đầu vợ. Có lần N. lấy ống điếu thuốc lào đang hút dở phang ngay vào đầu vợ, khiến chị L. phải vào bệnh viện với 4 mũi khâu đau đớn. Sau nhiều lần bị bạo hành như thế, chị cảm thấy sợ chồng, sợ tổ ấm gia đình của chính mình, nhưng vì thương con chị đành câm nín. Gia cảnh của chị P.M.T (28 tuổi ở phường Tự An - TP. Buôn Ma Thuột) càng bức bách, tủi nhục hơn. Theo lời chị kể: chồng chị là anh V. D. C (34 tuổi) làm nghề lái xe thuê, anh chị lấy nhau được 5 năm, có một đứa con gái 3 tuổi. Do cuộc sống khó khăn nên ông chồng thường xuyên gây gỗ và hành hạ vợ một cách vô cớ. Chị T. tâm sự: từ cuối năm 2011 đến nay, gia đình chị chưa một ngày có được niềm vui hạnh phúc như bao tổ ấm khác. Tình cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của đôi vợ chồng trẻ này bắt đầu từ cuộc sống khốn khó thêm khi anh C. không được người ta thuê lái xe nữa. Việc làm không có, nên nảy sinh rượu chè bê tha… và cứ sau mỗi lần say xỉn, anh ta lại đem vợ ra hành hạ một cách thô bạo. Gần đây nhất là trong dịp Tết vừa rồi, C. đã đánh vợ “thừa sống thiếu chết”, phải vào Bệnh viện Đa khoa Dak Lak điều trị vì bị đa chấn thương khắp người. Tương tự, với chị T.T.V (ở thị trấn Buôn Trấp - huyện Krông Ana) thì cuộc sống hôn nhân sau gần 8 năm chung sống với nhau chẳng khác gì “địa ngục”.  Chị giải bày: một tay bươn chải, gánh vác tất cả công việc lớn nhỏ trong gia đình - từ cái ăn, cái mặc… cho đến chăm nom con cái, chị đều đảm đương hết mà chưa một lần ca thán hay đòi hỏi điều gì. Vậy mà chồng chị đã không một lần đồng cảm, chia sẻ với vợ, mà cứ mỗi khi về nhà là đập phá, chửi bới mẹ con chị thậm tệ. Chị V.vừa khóc, vừa vén mái tóc của mình ra để lộ vết sẹo dài với 8 mũi khâu vì bị anh chồng vũ phu đập chai rượu vào đầu hồi cuối năm ngoái. Hành vi bạo hành với vợ của D. - chồng chị V. đã nhiều lần khiến họ hàng, bà con chòm xóm bất bình và lên án, vậy mà anh ta vẫn “ngựa quen đường cũ”, chẳng mảy may trắc ẩn, cứ tiếp tục đay nghiến, đánh đập mẹ con chị không khi nào buông tha. Trong tủi hờn và chan chứa nước mắt, chị V. cho biết đã làm đơn ly hôn để thoát cảnh đòn roi hàng ngày - và quan trọng hơn là để con cái lớn lên không phải thấy cảnh bất hạnh, chán chường xảy ra trong tổ ấm gia đình. Vậy mà sau khi ly hôn cách đây hơn một năm, những tưởng mẹ con chị có cuộc sống êm ấm hơn,  nào ngờ D. vẫn bất chấp tất cả, luôn tìm cớ về nhà đe dọa, hành hung vợ con làm tinh thần chị trở nên bấn loạn hơn. Chị cầu mong ai đó thấu hiểu và giúp đỡ mình trong tình cảnh khốn cùng, vô vọng này.
Đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào phổ biến tuyên truyền trong học đường là kênh truyền thông nhằm phòng ngừa và hạn chế vấn nạn trên.
Đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vào phổ biến tuyên truyền trong học đường là kênh truyền thông nhằm phòng ngừa và hạn chế vấn nạn trên.

Chúng tôi đem vấn đề búc xúc và đáng quan tâm này trao đổi với những người có trách nhiệm ở địa phương (nơi có trường hợp xảy ra tình trạng bạo hành trong các gia đình trên) thì được nhận những câu trả lời chung chung rằng: tình trạng  bạo hành trong gia đình phần lớn tập trung vào các đối tượng có đời sống kinh tế khó khăn, cuộc sống tình cảm gặp trắc trở, bế tắc… Ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp bạo hành với vợ con là do không ít đức ông chồng còn mang tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” nên muốn “dạy dỗ” vợ theo kiểu nào cũng được, bất cần dư luận xã hội và pháp luật của Nhà nước. Một cán bộ Hội phụ nữ huyện Krông Ana thừa nhận: nếu có ai đó can thiệp vào chuyện riêng tư của những cặp vợ chồng có hoàn cảnh trên, thì ít nhiều đều nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí thù hằn lẫn nhau vì họ nghĩ rằng “đèn nhà ai nấy sáng”, vì thế khiến bà con chòm xóm, cũng như những người có trách nhiệm ở cơ sở đều có tâm lý chung là im lặng và phó mặc trước mọi chuyện, trong đó có vấn đề nhức nhối là tình trạng bạo hành xảy ra trong các gia đình có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các Trung tâm trợ giúp, can thiệp và phòng chống bạo lực gia đình ở một số địa phương thì chính tâm lý ấy đã vô hình trung đẩy vấn nạn này đến chỗ báo động hơn, trở thành nỗi nhức nhối cho nhiều gia đình và xã hội. Con số mà Trung tâm trợ giúp, can thiệp và phòng chống bạo lực gia đình tỉnh Dak Lak đưa ra đã cho thấy mức độ đáng quan ngại của vấn đề này là: trong những năm 2010-2012 có trên 800 vụ việc được phát hiện có liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó có gần 80 nạn nhân (chủ yếu là người vợ, hoặc con cái) bị hành hạ, ngược đãi được tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế và hơn 300 trường hợp khác được tư vấn pháp lý nhằm tăng cường khả năng bảo vệ, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là số vụ bạo lực gia đình có tính chất nguy hiểm, vi phạm đạo đức và pháp luật hiện hành bị đưa ra răn đe, xét xử vẫn còn quá ít, chỉ có 71 trường hợp bị phạt hành chính trong thời gian qua. Để khắc phục, hạn chế tình trạng trên, Trung tâm trợ giúp, can thiệp và phòng chống bạo lực gia đình tỉnh Dak Lak cho rằng: ngoài công tác triển khai tập huấn nghiệp vụ phòng chống nạn bạo lực gia đình cho các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội ở cơ sở, thì việc xây dựng các nhóm, câu lạc bộ phòng chống vấn nạn này cần phải được quan tâm hơn mới có thể phòng ngừa, hạn chế được các vụ bạo hành gia đình xảy ra, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương. Qua thực tế cho thấy, nơi nào công tác tập huấn và xây dựng các nhóm, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình được triển khai tốt, thì nơi đó tìng trạng đánh đập, ngược đãi (chủ yếu là vợ con) được kiểm soát và hạn chế. Chẳng hạn như ở Ea Súp, Krông Pak, Krông Năng… ngoài việc xây dựng được hàng chục mô hình điểm về phòng chống bạo lực gia đình, các địa phương này còn thành lập được gần 1.200 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm can thiệp và giúp đỡ kịp thời nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo đánh giá của các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương: những địa chỉ này, nếu được nhân rộng và hoạt động tích cực, có hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu dần những cảnh đời bất hạnh, cũng như hậu quả đáng tiếc do vấn nạn bạo lực gia đình gây ra.

Ở nước ta, Luật phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ tháng 7-2008, nhưng đến nay tình trạng này vẫn không thuyên giảm. Mới đây, qua số liệu điều tra của Viện nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy: bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91%, gây tổn hại sức khỏe, thể chất 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần 89,4%, gây tan vỡ gia đình 89,7% và làm rối loạn trật tự xã hội 89%. Đặc biệt với trẻ thơ, hậu quả của tình trạng trên là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin, từ đó dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp.

Phương Bối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.