Đổi thay ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số huyện M'Drak
Sinh ra và lớn lên ở buôn Bik, xã Krông Jing (huyện M’Drak), anh Y Nghớ Byă đã chứng kiến sự chuyển mình rõ rệt của buôn làng và đời sống bà con. Trước đây, cũng như bao người dân khác trong buôn, cha mẹ Y Nghớ sống dựa hoàn toàn vào cây lúa 1 vụ với điều kiện canh tác lạc hậu, năng suất bấp bênh, lúc “mưa thuận, gió hòa” thì cả gia đình có cái ăn, cái mặc, nhưng nếu mất mùa thì lâm vào cảnh thiếu ăn, nghèo đói, phải ăn củ mài, củ sắn thay cơm, việc học hành đối với trẻ em rất khó khăn. Bây giờ, đời sống của người dân buôn Bik đã thay đổi rất nhiều. Buôn Bik hiện có tổng diện tích canh tác 125 ha, trong đó khoảng 25 ha lúa nước có năng suất ổn định từ 5 tấn/ha, còn lại 100 ha đất được bà con thâm canh trồng mía, sắn… Hầu hết các hộ dân được tham gia các lớp tập huấn áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; bảo ban nhau cách làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình. Buôn có 77 hộ, 380 khẩu thì hiện chỉ còn 17 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo; nhiều gia đình có cuộc sống ổn định với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, trên 30% số hộ có kinh tế khá giả. Buôn có 65 trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, trong đó 5 em hiện đang học tại các trường đại học, trung cấp; trên 75,3% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa… Anh Y Nghớ Byă chia sẻ: “Bây giờ bà con buôn Bik không còn sợ cái nghèo, cái đói. Ai cũng lo tăng gia sản xuất, thu nhập ngày càng tăng và có điều kiện lo cho con cái ăn học”.
Bộ mặt buôn Hí, xã Cư Mta (huyện M’Drak) cũng đổi thay rõ rệt. Suốt 12 năm làm buôn trưởng, ông Y Hao Niê nhận thấy đời sống của bà con trong buôn ngày càng được cải thiện. Chỉ mới cách đây 10 năm, buôn Hí có đến 37/45 hộ nghèo, 99% gia đình làm ruộng, sống thiếu trước hụt sau, chăn nuôi thả rông không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng bây giờ tình trạng đó không còn nữa, cuộc sống đã có nhiều đổi mới tích cực. Buôn có 50 ha đất sản xuất, trong đó có 11 ha trồng lúa 2 vụ năng suất cao; gia đình nào cũng trồng cỏ chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp (tỷ lệ bò lai trên 20%); 30% hộ có nhà xây kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Đặc biệt, nhờ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đẩy mạnh, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào trong buôn được phát huy, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thói quen sinh hoạt không lành mạnh bị loại bỏ. Trước đây, người dân trong buôn thường chôn cất người chết gần khu dân cư ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, nhờ Ban tự quản và các ban ngành, đoàn thể tích cực vận động, đến nay, khu nghĩa trang đã được di dời trong thời gian tới sẽ được xây dựng thành khu vui chơi, giải trí cho bà con trong buôn, trong xã. Nhiều năm liền buôn Hí đạt danh hiệu buôn văn hóa.
Để xây dựng các buôn làng no đủ, vững mạnh, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện M’Drak đã quan tâm ưu tiên dành nguồn kinh phí Trung ương và địa phương lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS. Giai đoạn 2003 – 2013, huyện đã triển khai chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giao khoán bảo vệ trên 8.000 ha rừng tự nhiên; hỗ trợ trên 200 con bò, 230 tấn giống cây trồng cho người dân; cấp gần 60 ha đất ở cho 563 hộ và 302,3 ha đất sản xuất cho 696 hộ DTTS và hộ nghèo ở các thôn, buôn đặc biệt khó khăn; xây mới 449 nhà ở, 86 giếng nước sinh hoạt, cấp dầu – muối Iốt và hỗ trợ tiền điện hằng năm cho 8.000 lượt hộ. Riêng năm 2014, từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện đã đầu tư 15 hạng mục công trình về đường giao thông nông thôn và tạo nguồn nước sinh hoạt; hỗ trợ 185 con bò giống, 2,2 tấn giống cây trồng, 6.700 con gia cầm, 96 con heo cho 248 hộ gia đình với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện M’Drak đã đoàn kết, đồng thuận triển khai có hiệu quả từng nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện M’Drak có 1 xã đạt 12/19 tiêu chí; 1 xã đạt 10 tiêu chí; 2 xã đạt 8 tiêu chí; có 68,7% thôn, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 97,5% buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ dân sinh như trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện lưới, nước sạch phục vụ sinh hoạt, hoạt động văn hóa thông tin, truyền thanh – truyền hình, bưu chính – viễn thông… được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Có thể nói, với sự quan tâm đầu tư và những chính sách đúng đắn trong phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, những năm qua, đời sống của đồng bào DTTS huyện M’Drak không ngừng được cải thiện. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện M’Drak nỗ lực đạt được đã góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc