Multimedia Đọc Báo in

Hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới

08:55, 30/04/2015

Mặc dù tỷ lệ giới tính khi sinh ở tỉnh ta đã giảm trong 3 năm trở lại đây nhưng vẫn ở mức khá cao (108 bé trai/100 bé gái), do vậy, ngành Dân số đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo phương châm “phòng hơn chống”.

Phải có con trai nối dõi tông đường

“Nhà này chỉ có mình thằng Hùng là con trai, con lấy nó rồi phải sinh bằng được cháu trai cho mẹ để còn có người nối dõi tông đường”, bà Nguyễn Thị Thu (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã dặn dò kỹ lưỡng chị Nguyễn Thị Thảo ngay khi về làm dâu. Từ đấy, chị cứ trăn trở ý nghĩ làm sao sinh được con trai cho tròn mọi chuyện. Nhưng ngặt một nỗi, đứa con đầu của vợ chồng chị là con gái, trong khi cả hai đều là công chức nhà nước nên không thể sinh 3 lần được nếu lỡ đứa thứ hai lại là con gái. Vì vậy, khi con đầu đã được 4 tuổi, vợ chồng chị quyết định sinh đứa thứ hai với tâm lý nặng nề, áp lực lớn. Chị Thảo nghĩ đến việc học hỏi kinh nghiệm bạn bè, sách vở, “tính toán” cẩn thận, lại cậy nhờ đông - tây y kết hợp, quyết “săn” cho được con trai trong lần sinh thứ 2. Đến giờ đã mang thai được hai tháng nhưng đầu óc chị luôn căng thẳng, hồi hộp chờ đợi kết quả.

Năm nay mới 30 tuổi nhưng chị Lý Thị Mai ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã có 4 đứa con gái. Đông con, vợ chồng chị lại không có việc làm ổn định nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Mặc dù vậy, chị vẫn chưa có ý định sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình chỉ vì một lý do đơn giản: phải sinh cho kỳ được con trai để lúc già yếu còn nhờ vả nó, sau này chết còn có người thờ cúng. “Con gái lớn đi lấy chồng thì trở thành con người ta nên ở đây nhà nào cũng cố sinh cho được con trai để nó còn bắt vợ về cho mình. Nhà càng đông thì càng có thêm người làm, đỡ lo miếng ăn”, chị Mai giải thích.

Cán bộ dân số tỉnh và huyện Krông Ana tuyên truyền, tư vấn cho người dân xã Dur Kmăn các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ dân số tỉnh và huyện Krông Ana tuyên truyền, tư vấn cho người dân xã Dur Kmăn các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.

Chuyện vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) thì khác. Sau khi kết hôn, anh chị sinh được một cô con gái bụ bẫm, xinh xắn, ông bà nội rất yêu chiều cháu. Nhưng yêu gì thì yêu, cháu vẫn là “phận gái” nên khi cháu hơn 3 tuổi, ông bà giục vợ chồng chị phải sinh bằng được một cậu con trai để nối dõi tông đường. Biết ông bà khao khát cháu trai nên chị quyết định nhờ bác sĩ tư vấn, ăn uống kiêng khem đủ thứ nhưng đã 5 năm trôi qua, chị vẫn chưa thể mang thai. Sau nhiều nỗ lực chữa trị, cả nhà vui mừng đón tin chị lại sắp được làm mẹ. Bao năm khó khăn rồi, giờ anh chị quyết không màng đến chuyện đẻ trai hay gái, chỉ cần có thêm con là vui rồi.

Nỗ lực hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh thì tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh năm 2014 ở mức 108 bé trai/100 bé gái, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì tỷ lệ này sẽ tăng. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay, không ít gia đình vẫn còn có quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Con trai mới được nối dõi, thờ phụng tổ tiên và có nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ khi về già đã ăn sâu trong tiềm thức mọi người. Ðiều đáng nói, thực trạng này không chỉ xảy ở những vùng nông thôn mà ngay cả tại thành thị, trong giới trí thức, quan niệm “trọng nam” vẫn tồn tại. Nhiều cán bộ, công chức trẻ dù không còn đặt nặng vấn đề con trai hay con gái, nhưng vẫn chưa tránh khỏi áp lực từ phía gia đình và thừa nhận “nếu có con trai thì vẫn yên tâm hơn”. Nhiều người tuy cho rằng, con cái là “của trời cho”, không quan trọng trai hay gái, nhưng họ vẫn mong có con trai để thờ phụng, bởi con gái rồi cũng thành “con người ta”. Một nguyên nhân nữa là do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giúp người dân có thể lựa chọn giới tính khi sinh. Hiện nay, hầu hết các cặp vợ chồng đều xác định được giới tính của thai nhi từ rất sớm và nếu không đúng như ý muốn của gia đình, họ có thể dễ dàng phá thai để đợi lần sau. Cũng có những cặp vợ chồng trước khi mang thai đã nhờ đến sự can thiệp, tư vấn của bác sĩ để có con trai. Theo chị H’Lê Niê, Trưởng phòng DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh), nếu không có sự vào cuộc, can thiệp kịp thời thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ngày càng tăng và kéo theo nhiều hệ lụy khó lường như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, hôn nhân vụ lợi và tội phạm tình dục... Về lâu dài, tình trạng thiếu hụt phụ nữ  dẫn tới sự suy giảm tỷ lệ sinh và xa hơn là giảm tổng dân số cũng như nhóm người trong độ tuổi lao động, dẫn tới quá trình già hóa dân số diễn ra sớm hơn.

Trước thực tế đó, với phương châm “phòng hơn chống”, thời gian qua, ngành Dân số tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Xác định việc nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi là giải pháp quan trọng, ngành Dân số tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn trực tiếp và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ; cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động các đoàn thể xã hội nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm những quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số...

Bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của ngành Dân số rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Và điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân trong việc tuân theo quy luật tự nhiên.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.