Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN huyện Buôn Đôn: Thêm nhiều "kênh" thu hút hội viên

10:20, 01/04/2015
Đa dạng hóa các hình thức hoạt động, chú trọng chăm lo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là cách mà các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Buôn Đôn đã và đang thực hiện nhằm thu hút hội viên gắn kết với tổ chức hội.

Chị Nông Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, xác định phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, huyện Hội đã phổ biến đến các cơ sở hội triển khai nhiều chương trình về thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo. Cùng với việc huy động nguồn vốn hỗ trợ từ các chị em tham gia sinh hoạt, các cấp hội trên địa bàn đã chủ động ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để huy động nguồn vốn hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Nhờ nguồn vốn vay này mà nhiều chị em có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống gia đình. Là một trong những hội viên được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chị Nguyễn Thị Quý (xã Ea Nuôl) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Từ khi tham gia sinh hoạt trong chi hội phụ nữ thôn nên có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Có vốn, gia đình đầu tư chăn nuôi heo. Ngoài ra, tôi còn tận dụng hơn 5 sào đất để làm mô hình trồng rau sạch. Hiện tại, với nguồn thu từ trồng rau và chăn nuôi, mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng”. Việc hỗ trợ nguồn vốn giúp hội viên đầu tư phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, chỉ tính riêng trong năm 2014, thông qua các kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ tiết kiệm tín dụng, góp vốn, hùn vốn, các cấp Hội đã vận động hơn 670 triệu đồng, cho 1.155 lượt chị vay. Cùng với đó, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các hội cơ sở thực hiện nghiêm túc việc bình xét cho tổ viên vay và đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả gốc, lãi đúng thời hạn, thu lãi, tiền vay, tiền gửi tiết kiệm của tổ viên đúng theo quy định.

Hội viên phụ nữ huyện Buôn Đôn chia sẻ kinh nghiệm về công tác  tuyên truyền, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội tại cơ sở.
Hội viên phụ nữ huyện Buôn Đôn chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội tại cơ sở.

Song song với việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, các cấp Hội còn tập trung đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua thu hút được nhiều chị em phụ nữ tham gia. Những năm qua, Hội LHPN huyện đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua đến cơ sở hội, gắn với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,  “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…  Bên cạnh đó, các cấp hội đặc biệt chú trọng tuyên truyền 4 chuẩn mực của gia đình Việt Nam “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, xây dựng lịch sinh hoạt định kỳ, phổ biến nội dung chủ đề tuyên truyền cụ thể: quyền phụ nữ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống mua bán người, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới… Hiện nay, toàn huyện có hơn 10 mô hình, 320 tổ, nhóm, câu lạc bộ với 7.475 thành viên tham gia sinh hoạt. Chị Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hòa cho biết: “Nhằm thu hút hội viên tham gia vào tổ chức hội, cùng với việc duy trì sinh hoạt định kỳ thì Ban chấp hành Hội đã tăng cường đổi mới nội dung và hình thức. Để trang bị kiến thức cho chị em, từ xây dựng hạnh phúc gia đình đến vấn đề an sinh xã hội, chính sách pháp luật… Hội Phụ nữ xã đã tổ chức nhiều hội thi như “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình” hay các đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ. Nhờ có những hoạt động như vậy mà nhiều chị em không chỉ có dịp chia sẻ tâm tư, tình cảm, kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc gia đình mà còn phát huy được khả năng, thế mạnh của mình”.

Bằng những cách làm cụ thể và thiết thực, công tác phát triển hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh của Hội LHPN huyện Buôn Đôn đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Năm qua, Hội đã phát triển được 148 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 9.655 chị và có 99/99 chi hội thôn, buôn xây dựng và duy trì lực lượng nòng cốt. Chị Nông Thị Hảo khẳng định: “Trong thời gian tới, huyện Hội sẽ tăng cường hướng dẫn cho cán bộ hội cơ sở về kỹ năng điều hành sinh hoạt hội, kỹ năng tuyên truyền, vận động để nâng cao hơn nữa vai trò, uy tín của tổ chức Hội trong việc tập hợp và thu hút hội viên”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.