Multimedia Đọc Báo in

Mang sức trẻ về vùng biên giới

08:56, 30/04/2015
Với phương châm “Mỗi thanh niên một ngày tình nguyện, mỗi cơ sở Đoàn – Hội có ít nhất một hoạt động tình nguyện thiết thực vì cộng đồng”, các bạn đoàn viên thanh niên đã phát huy sức trẻ của mình trong chuyến hành trình về với đồng bào vùng biên giới còn nhiều khó khăn.

Theo chân các bạn trẻ của Chi đoàn Văn phòng Tỉnh Đoàn vượt chặng đường hơn 100 km đến với thôn Thanh niên lập nghiệp, xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) thì nắng đã lên đến đỉnh đầu. Xã nghèo vùng cao bình yên, tĩnh lặng nhưng không vì thế mà các “chiến sĩ áo xanh” giảm bớt phấn chấn. Hơn 20 tình nguyện viên được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm một nhiệm vụ. Trong khi “đội hậu cần” tất bật chuẩn bị lo bữa cơm cho cả đoàn thì nhóm xây dựng tập trung thi công tu sửa lại trường mẫu giáo của thôn. Xung phong nhận nhiệm vụ sơn tường, bạn Phạm Minh Trường hồ hởi: “Được tham gia những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng thế này mình vừa vui vừa tự hào. Tuy giờ mới bắt đầu làm nhưng cứ nghĩ đến lúc hoàn thành công trình, các em có chỗ vui chơi học tập, không còn phải lo lắng gì nữa là mình lại có thêm động lực”. Đi suốt chặng đường, có lẽ điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là sự hăng say làm việc không mệt mỏi của những người trẻ tuổi nơi đây. Giữa thời tiết nóng như đổ lửa của buổi trưa, trong mỗi phòng học của trường mẫu giáo, người dọn vệ sinh, người quét trần, người sơn tường… tiếng cười nói râm ran xen lẫn với tiếng hát dường như để xua tan đi sự mệt mỏi, tiếp thêm động lực để các chiến sĩ tình nguyện hăm hở làm việc. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Văn Đảng, Bí thư Chi đoàn thôn Thanh niên lập nghiệp hăng hái kể: “Trường mẫu giáo bỏ không hơn 1 năm nay do công trình xuống cấp. Hơn 30 em nhỏ phải học tạm ở hội trường thôn, vừa nóng nực lại chật chội, không có chỗ cho các em thoải mái vui chơi và học tập. Khi biết có các bạn trẻ của Chi đoàn Văn phòng Tỉnh Đoàn xuống để giúp tu sửa lại trường là mình đề nghị các anh em trong chi đoàn thôn tham gia góp sức, ai cũng vui vẻ đồng ý. Chỉ ngày mai thôi là các em nhỏ chắc sẽ rất vui khi có lớp học khang trang, sạch sẽ để học tập, vui chơi”. Cách đó không xa, dưới cái nắng gay gắt, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh nhóm bạn trẻ tỉ mẩn lắp ráp từng chi tiết nhỏ của chiếc máy bơm mới để đưa xuống giếng. Ông Lý Văn Sài, Trưởng thôn Thanh niên lập nghiệp cho biết: “Giếng khoan của trường mẫu giáo được Tỉnh Đoàn hỗ trợ xây dựng từ năm 2009 nhưng do chưa có điều kiện nên chưa thể mua máy bơm về lắp đặt cho các cháu sử dụng. Hiện tại nguồn nước sinh hoạt chỉ đủ vào mùa mưa, còn mùa khô thì vẫn phải bơm nhờ nước từ giếng của hội trường thôn nên dù đã dùng tiết kiệm mà vẫn không đủ. Giờ đã có máy bơm, nhà trường bớt được nỗi lo về nguồn nước sinh hoạt. Các cháu có nước sạch sử dụng vừa phòng tránh bệnh tật lại bảo đảm sức khỏe”.

Đoàn viên thanh niên lắp đặt máy bơm nước tại Trường Mẫu giáo thôn Thanh niên lập nghiệp.
Đoàn viên thanh niên lắp đặt máy bơm nước tại Trường Mẫu giáo thôn Thanh niên lập nghiệp.

Cũng trong dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức tình nguyện về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con trong xã tại Bệnh xá Trung đoàn 736. Tại vùng biên giới xa xôi, kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân còn hạn chế nên hành trình này, các bác sĩ trẻ chú trọng tư vấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh và khám sàng lọc các bệnh nội khoa. Đoàn còn cấp thuốc miễn phí và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người dân. Bác sĩ Nguyễn Khắc Huy (Trung tâm Y tế huyện) chia sẻ: "Đời sống bà con vùng biên giới còn nhiều khó khăn, lại thiếu hiểu biết về kiến thức chăm sóc sức khỏe nên không biết phòng, tránh các bệnh thường gặp. Mỗi chuyến đi như thế này không chỉ giúp người dân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế mà còn là sự trải nghiệm bổ ích đối với mỗi y bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng". Gần hết buổi sáng, số người đến khám bệnh vẫn còn đông. Trong khi các y bác sĩ tất bật khám, phát thuốc thì các tình nguyện viên cũng luôn tay ghi phiếu và hướng dẫn bà con đến từng khu vực để khám bệnh. Bà Vi Thị Tương (59 tuổi) cảm động nói: “Tôi bị đau lưng đã nhiều năm nay nhưng chưa đến bệnh viện khám bệnh lần nào vì nhà ít người, con cái bận làm rẫy không có thời gian để đưa tôi đi. Lần này, nhờ có bác sỹ về tận nơi khám bệnh và phát thuốc, tôi mới biết rõ được bệnh của mình. Từ giờ tôi không còn lo lắng nữa!”.

Còn ông Trần Văn Chấm (65 tuổi) thì nói: “Vừa đặt chân đến bệnh xá tôi đã được các cháu thanh niên tình nguyện hướng dẫn tận tình, từ việc bốc số thứ tự đến khám bệnh rồi nhận thuốc.

Tuy người dân đến khám ngày một đông, dù làm việc không ngơi tay nhưng các y bác sĩ vẫn vui vẻ khám bệnh và tư vấn cặn kẽ cho từng người. Nhờ có các bác sĩ về tận địa phương khám bệnh thế này tôi mới biết được bệnh của mình, kịp thời chữa trị. Mong sao có nhiều chương trình như thế này về với địa phương để nhiều bà con được khám bệnh và tư vấn sức khỏe như chúng tôi”.  Chương trình chỉ diễn ra trong một ngày nhưng đã có hơn 500 người dân đến khám bệnh và nhận thuốc. Cùng năm trong chuỗi hoạt động, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã trao tặng 2 dàn máy vi tính cho Đoàn xã Ia Lốp và Đoàn xã Ia Rvê cùng hàng trăm bộ quần áo cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với giá trị khoảng 50 triệu đồng.

Có thể thấy rằng, trong chuyến hành trình này, các “chiến sĩ áo xanh” đã phần nào thực hiện được dự định của mình đối với người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, đem đến niềm vui cho họ bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.