Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ mang "cần câu" đến cho hộ nghèo

10:19, 01/04/2015
Học ở Bác tấm lòng thương người, từ năm 2011 đến nay bà B’Bop Ajun ở buôn Huk A, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã hỗ trợ dê giống cho các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong buôn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Với việc làm ý nghĩa, thiết thực của mình, bà được nhiều người gọi một cách trìu mến: người phụ nữ mang “cần câu” đến cho hộ nghèo.

Điều đáng quý là gia đình bà B’Bop Ajun không phải là hộ có điều kiện kinh tế khá giả ở địa phương. Mức sống chỉ thuộc diện trung bình, gia đình bà vẫn sống trong ngôi nhà gỗ rộng khoảng 50 m2, thu nhập trông vào hơn 1,2 sào ruộng và chăn nuôi đàn dê gần 10 con. Hình thức hỗ trợ của bà B’Bop là cho mượn giống đến khi dê mẹ sinh sản thì chủ hộ hoàn trả lại dê giống. Đối với những con dê giống bị chết trong quá trình nuôi thì hộ đó không phải đền bù và sẽ được bà hỗ trợ cho con giống khác để nuôi. Từ số dê giống bà B’Bop hỗ trợ cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đến nay đã sinh sản được 42 con, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định… Bà B’Bop Ajun chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo nên tôi hiểu rất rõ nỗi vất vả, khó khăn của họ. Nhiều hộ muốn thoát nghèo nhưng do không có điều kiện để phát triển kinh tế nên cứ nghèo mãi. Vì vậy, mỗi khi đàn dê đẻ, tôi chỉ mang bán những con đực,  còn những con cái tôi rà soát xem trong buôn có hộ nào nghèo, hoàn cảnh khó khăn thì mang hỗ trợ nhằm mục đích tạo điều kiện cho các gia đình tăng gia sản xuất, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo. Số dê hỗ trợ nhiều hay ít tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình. Tôi sẽ tiếp tục duy trì việc làm này cho đến khi nào không còn điều kiện để giúp đỡ họ nữa mới thôi…”.

Bà B’Bop (ngoài cùng bên phải) thường xuyên  đến trực tiếp các hộ trong buôn Huk A hướng dẫn  về kỹ thuật chăn nuôi dê.
Bà B’Bop (ngoài cùng bên phải) thường xuyên đến trực tiếp các hộ trong buôn Huk A hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Gia đình ông Y B’lam là một trong những hộ đã vươn lên ổn định cuộc sống nhờ được bà B’Bop Ajun hỗ trợ dê giống. Gia đình ông Y B’lam có 8 nhân khẩu, đất sản xuất lại ít nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2011, bà B’Bop hỗ trợ 2 con dê giống cho ông Y B’lam và thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi cho gia đình. Từ 2 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay đàn dê nhà ông Y B’lam đã tăng lên 12 con. Sau khi hoàn trả lại dê giống cho bà B’Bop, ông Y B’lam vẫn còn 10 con dê, cuộc sống gia đình nhờ thế đã được cải thiện… Cũng do không có đất sản xuất, nhà lại có đến 9 miệng ăn, công việc không ổn định nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi gia đình Y B’lăk Niê. Đầu năm 2012, ông Y B’lăk được bà B’Bop hỗ trợ 2 con dê giống để nuôi, đến nay sau gần 4 năm chăn nuôi ông đã có đàn dê 11 con. Ông Y B’lăk tâm sự: “Trước đây tôi cũng có ý định phát triển mô hình chăn nuôi dê nhưng do không có vốn nên mãi không thực hiện được. Nhờ chị B’Bop hỗ trợ dê giống, bây giờ tôi đã có đàn dê cả chục con, mỗi năm 1 con dê đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con, tôi đã bán được 6 con dê thu về 15 triệu đồng. Gia đình đã bớt khó khăn hơn. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn dê của gia đình thật tốt để vươn lên thoát được nghèo…”. Ngoài gia đình ông Y B’lam và ông Y B’lăk Niê còn có 10 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn khác trong buôn Huk A đươc bà B’Bop Ajun hỗ trợ dê giống để nuôi, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 1 – 2 con (với tổng số 23 con).

Không chỉ nhiệt tình giúp các hộ nghèo, khó khăn trong buôn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà B’Bop Ajun còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Hiện bà đang đảm nhận vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ và cộng tác viên dân số buôn Huk A… Ông Nguyễn Quang Dáp, Phó Chủ tịch HĐND xã Cư M’gar nhận xét: “Dù hoàn cảnh chưa thực sự khá giả nhưng chị B’Bop Ajun luôn sẵn lòng hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo, khó khăn để phát triển kinh tế. Nếu có được nhiều người như chị B’Bop thì công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết được việc làm cho bà con thuận lợi hơn rất nhiều”.

Trung Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.